(KTSG Online) - Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đang gia tăng tốc độ mua dầu mỏ của Nga với mức giá rẻ hơn các nguồn cung khác. Nguồn dầu nhập từ Nga chỉ chiếm 1% trong lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ trong năm ngoái. Tuy nhiên, mức chiết khấu 20-25 đô la/thùng đã làm đảo ngược tình thế, khiến nguồn dầu Nga có hấp lực lớn với các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ.
Nhập khẩu từ Nga có thể tăng hơn 7 lần
Trước khi chiến sự bùng nổ, công ty dầu mỏ hàng đầu IOC của Ấn Độ hầu như là khách hàng duy nhất của Nga.
Tháng 2-2020, họ đã ký một thỏa thuận với Rosneft để nhập khẩu tới 2 triệu tấn dầu qua cảng Novorossiysk ở Biển Đen. Năm 2021, thỏa thuận dự kiến cung cấp lên tới 1,7 triệu tấn dầu thô nhưng IOC chỉ mua theo lô hoặc tải trọng tàu vì chi phí vận chuyển dầu không kinh tế. Hồi tháng 12-2021, họ đã gia hạn thỏa thuận mua 2 triệu tấn dầu thô vào năm 2022 từ Rosneft.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã khiến nhiều công ty và quốc gia xa lánh nguồn dầu mỏ của nước này. Chẳng đặng đừng, nước Nga đã bán nguồn tài nguyên dồi dào của họ với mức giá giảm sâu.
Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã không để mất cơ hội. Nhiều hãng đã gọi thầu để tích trữ nguồn dầu giá rẻ từ Nga.
Các nguồn tin thạo tin nói với tờ Business Today rằng cuối tuần trước IOC đã mua 3 triệu thùng dầu Ural thông qua nhà buôn Vitol châu Âu với thời hạn giao hàng là tháng 5 sắp tới, với mức chiết khấu (giảm giá) 20-25 USD mỗi thùng so với giá dầu Brent.
Theo chân IOC, Công ty dầu khí Hindustan (HPCL) đã mua 2 triệu thùng dầu thô Ural thông qua hãng Vito. Riêng hãng lọc và hóa dầu Mangalore (MRPL) đang gọi thầu để mua 1 triệu thùng với giá tương tự. Cả HPCL và MRPL đều là hãng con của Tổng công ty Dầu khí Tự nhiên (ONGC) thuộc sở hữu của chính phủ Ấn Độ.
Như vậy, chỉ với ba hãng trên, khối lượng hợp đồng đã ký mua từ Nga tăng gấp ba lần chỉ trong bốn tuần sau khi cuộc chiến Ukraine bùng nổ. Tờ Business Standard nói Ấn Độ có thể nhập ít nhất 15 triệu tấn dầu thô của Nga trong năm nay – tức tăng hơn 7,5 lần so với năm ngoái.
Trong khi đó, Reliance Industries Ltd - nhà điều hành khu liên hợp lọc dầu lớn nhất thế giới – đang tránh mua nguồn nhiên liệu của Nga bởi họ có mối làm ăn lớn tại Mỹ. Các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow có thể khiến hãng này bị vạ lây.
Ấn Độ có vi phạm lệnh cấm vận?
Các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đang mua dầu thô của Nga trên cơ sở đã giao để tránh bất kỳ sự phức tạp nào mà các lệnh trừng phạt có thể dẫn đến trong việc thu xếp vận chuyển và bảo hiểm. Các giao dịch với Nga được thanh toán bằng đô la vì cơ chế thanh toán quốc tế vẫn không nằm trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt Nga.
Ngoài ra, không giống như các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này, các giao dịch dầu và năng lượng với Nga không bị cấm.
Về cơ bản, điều này có nghĩa là bất kỳ quốc gia hoặc công ty nào cũng được tự do mua dầu và các mặt hàng năng lượng khác từ Nga và sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế để giải quyết giao dịch.
Đây không phải là trường hợp như các lệnh trừng phạt với Iran, quốc gia đã bị cắt khỏi hệ thống chuyển tiền và bảo mật quốc tế SWIFT. Ngoài ra, các công ty hoặc tổ chức đầu tư hoặc mua dầu từ Iran đều bị trừng phạt.
Ấn Độ đã gắn chặt vào nguồn cung của Nga, Mỹ và nhiều nơi khác trong nỗ lực đa dạng hóa giỏ nhập khẩu dầu của mình, cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Đông nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu trong nước
New Delhi có quan hệ ngoại giao và quốc phòng lịch sử với Moscow và đã kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Ukraine nhưng không lên án cuộc xâm lược. Nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia châu Âu, vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu từ Nga, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới sau Arab Saudi.
Năm ngoái, nguồn dầu nhập từ Nga gần 45.000 thùng mỗi ngày – tức chỉ 1% lượng nhập khẩu của Ấn Độ. Nhà Trắng cho biết quyết định nhập khẩu dầu giảm giá của Nga sẽ không vi phạm bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ đối với Moscow dù rằng Tổng thống Joe Biden tuần trước đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga vào Mỹ.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên tại cuộc họp báo hàng ngày hôm 15-3 rằng: “Thông điệp của chúng tôi tới bất kỳ quốc gia nào là hãy tuân thủ các lệnh trừng phạt mà chúng tôi đã đưa ra và khuyến nghị”.
Khi được hỏi về trường hợp Ấn Độ chấp nhận lời mời mua dầu thô của Nga, bà Psaki nói: “Tôi không tin rằng điều này sẽ vi phạm lệnh trừng phạt''.
Mua rẻ để tiết kiệm ngân sách
Nhập khẩu chiếm 85% nhu cầu nội địa ở Ấn Độ. Giá dầu quốc tế tăng đột biến gần đây đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế và Ấn Độ đang tìm cách cắt giảm chi phí năng lượng theo phương thức: mua từ bất cứ nơi nào có giá rẻ hơn.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ hôm đầu tuần đã tuyên bố rằng sẽ đánh giá đề nghị bán dầu thô giá rẻ của Nga sau khi xem xét các khía cạnh như bảo hiểm và cước phí cần thiết để chuyển sang mua nhiên liệu từ các nhà cung cấp phi truyền thống.
''Tôi xin nhắc lại một lần nữa rằng trong tình huống đặc biệt trong đại dịch như hai năm qua và nhất là cuốc chiến Nga – Ukraine trong trong vài tuần qua, chính phủ sẽ tìm hiểu tất cả các lựa chọn đang có”, Bộ trưởng Hardeep Singh Puri phát biểu.
Bộ trưởng cũng cho biết ông đã thảo luận với các quan chức chính phủ Nga.
''Các cuộc thảo luận hiện đang được tiến hành. Có một số vấn đề được yêu cầu phải giải quyết như lượng dầu có sẵn ở Nga hoặc ở các thị trường mới hoặc với các nhà cung cấp mới có thể sẽ tham gia thị trường. Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề liên quan đến bảo hiểm, vận chuyển hàng hóa và một loạt các vấn đề khác, trong đó các thỏa thuận thanh toán, '' ông nói.
Hãng phân tích và dữ liệu GlobalData nhận định với lập trường trung lập về xung đột Nga-Ukraine, việc Moscow cung cấp dầu và các mặt hàng khác với giá chiết khấu sẽ giúp giảm bớt về gánh nặng tài chính. Tờ India Times nói Ấn Độ chi 62,2 tỉ đô la để nhập 196,5 triệu tấn dầu thô trong năm tài chính 2020 – 2021. Trước cuộc chiến Ukraine, ước đoán Ấn Độ sẽ chi khoảng 100 tỉ đô la trong năm tài chính hiện tại.
Định hình lại thị trường dầu khí
Trung Quốc đã bán một số lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ cho châu Âu, một động thái hiếm hoi của nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới – theo Bloomberg. Tình trạng này cho thấy mức giá cao ngất ngưỡng đang định hình lại các kênh mua bán năng lượng.Unipec, chi nhánh thương mại của Sinopec thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, đã bán ít nhất ba lô hàng LNG, giao vào mùa hè tại các cảng ở châu Âu thông qua một cuộc đấu thầu kết thúc vào cuối tuần trước. Các nhà buôn nói LNG sẽ được tải lên tàu từ cơ sở xuất khẩu Calcasieu Pass của Venture Global LNG Inc tại Louisiana, Mỹ.Trong khi đó, Saudi Arabia đang thảo luận việc bán dầu cho Trung Quốc thanh toán đồng nhân dân tệ. Wall Street Journal nói nếu hai nước đạt được thỏa thuận, có nghĩa rằng lịch sử thị trường mua bán dầu được thanh toán độc quyền bằng đô la Mỹ sẽ chính thức chấm dứt.