(KTSG Online) - Ấn Độ đang lên kế hoạch cấm xuất khẩu gạo tấm 100% khi sản lượng lúa gạo của nước này được dự báo suy giảm do thiếu mưa. Đây là dấu hiệu cho thấy nhà xuất gạo lớn nhất thế giới cố gắng tìm sự cân bằng: đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà không gây ra sự hoảng loạn trên toàn cầu.
Bộ Thương mại và Bộ Lương thực của Ấn Độ đang thảo luận kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo tấm, vốn chiếm khoảng dưới 20% lượng xuất khẩu gạo của nước. Một quan chức cấp cao Ấn Độ nói rằng các kho dự trữ gạo của tư nhân và nhà nước vẫn dồi dào nên Ấn Độ không xem xét cấm xuất khẩu gạo hoàn toàn. Tính đến ngày 1-8, Tổng công ty lương thực nhà nước Ấn Độ đang nắm giữ 41 triệu tấn gạo và lúa, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 13,5 triệu tấn theo yêu cầu của chính phủ.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng lúa gạo của Ấn Độ trong niên vụ 2022-2023 có thể giảm về mức 128,5 triệu tấn, chủ yếu do lượng mưa ít trong mùa mưa, đặc biệt ở các vựa lúa gạo miền đông nước này. Đây sẽ là lần đầu tiên sản lượng lúa gạo của Ấn Độ giảm kể từ niên vụ 2015-2016.
Vụ lúa mùa hè đã bị phá hủy hoàn toàn do lượng mưa ít ở một số vùng bao gồm Bihar, Uttar Pradesh, Tây Bengal và Jharkhand. Theo ước tính của chính phủ Ấn Độ, tổng diện tích gieo trồng lúa vụ hè giảm 7,6% xuống 36 triệu hecta so với 39 triệu hecta được gieo vào thời điểm này năm ngoái.
Thời tiết thiếu mưa cũng khiến nhiều nông dân trồng lúa của Ấn Độ gần đây chuyển sang trồng các loại cây lương thực khác.
Dù động thái hạn chế xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ có khả năng làm gián đoạn thêm nguồn cung trên thị trường lương thực toàn cầu và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng thiếu đói ở những nước nghèo, nhưng tác động sẽ ít nghiêm trọng hơn so với việc cấm xuất khẩu gạo hoàn toàn.
Ấn Độ chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu nên bất kỳ thay đổi nào trong chính sách xuất khẩu của nước này đều gây ra tác động rất lớn đối với hàng tỉ người dân trên toàn cầu đang sử dụng gạo như là lương thực chính. Trong cuộc khủng hoảng lương thực 2007-2008, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo, khiến các nhà sản xuất khác như Việt Nam phải cấm theo. Diễn biến đó dẫn đến tình trạng mua bán hoảng loạn, đẩy giá gạo lên hơn 1.000 đô la/tấn, cao hơn gấp đôi so với mức hiện tại.
Peter Timmer, giáo sư danh dự tại Đại học Harvard, người đã làm việc với các chính phủ châu Á về các phản ứng chính sách của họ trong cuộc khủng hoảng đó, cho biết lệnh xuất khẩu đối với gạo tấm của Ấn Độ, nếu được áp dụng, khó có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tương tự như năm 2007-2008.
Ông nói: “Tôi thực sự nghĩ đây là hành động có trách nhiệm của Ấn Độ, và tôi không tin sẽ có nhiều lời chỉ trích từ nước ngoài”.
Ấn Độ đã ứng phó với đà tăng giá hàng hóa toàn cầu tăng trong năm nay bằng cách hạn chế xuất khẩu đường và lúa mì. Sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố đất nước của ông đã sẵn sàng để cung cấp lương thực cho thế giới. Nhưng chính phủ Ấn Độ đã thay đổi quan điểm trong vài tuần sau đó bằng cách hạn chế xuất khẩu lúa mì để bảo đảm nguồn cung lương thực trong nước. Quyết định này vấp phải sự chỉ trích từ các bộ trưởng nông nghiệp của nhóm các cường quốc công nghiệp G7 vì họ cho rằng nói các biện pháp như vậy sẽ làm cho cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới trở nên tồi tệ hơn.
Nếu Ấn Độ triển khai lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm, chỉ khoảng 1/5 lượng gạo xuất khẩu của nước này sẽ bị ảnh hưởng. Đây là loại gạo bị vỡ trong quá trình chế biến. Những khách hàng mua gạo tấm hàng đầu của Ấn Độ bao gồm Trung Quốc, nước sử dụng ngũ cốc làm thức ăn gia súc và một số nước nghèo châu Phi nhập khẩu loại gạo này làm thực phẩm vì nó có giá rẻ hơn. Trong năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu 21,5 triệu tấn gạo, bao gồm 3,6 triệu tấn gạo tấm, trong khi đó, Trung Quốc là nước nhập khẩu gạo tấm lớn nhất với khoảng 1,1 triệu tấn.
Theo Satish Deodhar, giáo sư tại Viện Quản lý Ahmedabad Ấn Độ, bất kỳ hạn chế xuất khẩu nào đối với gạo tấm sẽ ảnh hưởng đến một số nước nhưng sẽ không gây ra một cuộc khủng hoảng toàn diện trên thị trường toàn cầu. Ông tin rằng Ấn Độ sẽ muốn duy trì sự cân bằng giữa nhu cầu trong nước và thị trường xuất khẩu.
“Thay vì cấm, chính phủ nên áp thuế đối với gạo tấm xuất khẩu. Điều này sẽ giúp Ấn Độ duy trì sự hiện diện trên thị trường gạo và cho phép các nước châu Phi nhập khẩu loại gạo giá rẻ này”, B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, nói.
Theo các nhà xuất khẩu gạo, mức chênh lệch giá giữa gạo 100% tấm và gạo 5% tấm đã thu hẹp xuống còn 15 đô la mỗi tấn so với hơn 70 đô la một năm trước đây. Họ cho biết, gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được báo giá khoảng 340 đô la/tấn trong tuần trước, so với 325 đô la/tấn đối với gạo trắng 100% tấm.
Theo Bloomberg, Reuters