Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

An toàn hàng không khi nâng tuổi máy bay: Chuyên gia nghĩ khác người dân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

An toàn hàng không khi nâng tuổi máy bay: Chuyên gia nghĩ khác người dân

Phú Đa

(TBKTSG Online) - Sau khi Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ lấy ý kiến chuyên gia và các cơ quan chuyên môn để nâng tuổi máy bay dân dụng, cộng đồng mạng, tuy không phải ai cũng rành rẽ về hàng không, nhưng cũng có những ý kiến trái ngược nhau.

Nâng độ tuổi máy bay có ảnh hưởng đến an toàn hàng không?

An toàn hàng không khi nâng tuổi máy bay: Chuyên gia nghĩ khác người dân
Vietnam Airlines đã dừng khai thác tàu bay thế hệ cũ Fokker 70. Ảnh: Tiengphong.vn

Trang Fanpage của TBKTSG Online đã làm một cuộc khảo sát nhỏ với đề dẫn: “Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia để tăng độ tuổi sử dụng máy bay dân dụng trong bối cảnh một số người dân hoài nghi tăng tuổi cho máy bay có ảnh hưởng đến an toàn hàng không. Theo bạn liệu tăng tuổi sử dụng máy bay có ảnh hưởng an toàn hàng không hay không (ATHK)?”.

Hai câu hỏi là có hay không ảnh hưởng tới ATHK thì có tới 93% cho là ảnh hưởng đến ATHK, chỉ có 3% nói không.

Một khảo sát nhỏ khác trên tờ TBKTSG Online, 82% cho rằng có ảnh hưởng tới ATHK, còn lại là không ảnh hưởng hoặc không liên quan tới an toàn hàng không.

Một số bạn đọc bình luận trên TBKTSG Online trong tiêu điểm “Nâng độ tuổi máy bay có ảnh hưởng đến an toàn hàng không?” có vẻ lo ngại khả năng quản lý của các cơ quan chức năng nếu nâng độ tuổi sử dụng máy bay.

Trên Facebook cá nhân, một chuyên gia về hàng không, từng là CEO hai hãng hàng không là ông Lương Hoài Nam, khi thấy mọi người đề cập nâng tuổi máy bay, đã đăng tải rằng: “Tuổi máy bay hoàn toàn không liên quan đến an toàn hàng không. Nếu nói ở đâu khai thác nhiều máy bay cũ nhất thế giới thì đó chính là nước Mỹ. Tôi nhiều lần đề nghị bỏ quy định về tuổi máy bay để không gây ra sự hiểu lầm về an toàn hàng không”.

Những tranh luận sau đó của ông Nam và một số facebooker về đề tài này cũng khá hấp dẫn. Theo đó, máy bay ở phương Tây không có niên hạn sử dụng, bộ phận nào hết hạn sử dụng thì thay thế. Nếu hãng hàng không không bảo dưỡng được máy bay cũ đúng quy định thì máy bay không được cấp chứng chỉ khả phi, không thể bay được. Còn họ vẫn bảo dưỡng đúng quy định thì máy bay an toàn, được cấp chứng chỉ để khai thác.

“Việc khai thác hay không khai thác máy bay cũ và “nghĩa địa máy bay” bên Mỹ liên quan đến tính kinh tế chứ không phải an toàn hàng không. Khi bảo dưỡng máy bay cũ quá đắt thì họ dừng khai thác”, ông Nam viết trong các tranh luận mang tính giải thích thêm. Cụ thể, ở Mỹ không có quy định hạn chế tuổi máy bay, còn chứng chỉ khả phi do nhà chức trách hàng không của từng quốc gia cấp hàng năm cho mỗi chiếc máy bay (sau khi kiểm tra tình hình bảo dưỡng). Ở Việt Nam do Cục Hàng không cấp.

Như để chứng minh tuổi máy bay, các facebooker am hiểu hàng không cho biết Việt Nam khai thác máy bay dân dụng phương Tây đến nay đã 25 năm và chưa để xảy ra bất kỳ vụ tai nạn máy bay chết người nào. Tất cả các vụ tai nạn máy bay dân dụng trước đây ở Việt Nam đều là máy bay của Nga sản xuất.

“Quy định hạn chế tuổi máy bay (15, 20, 25... năm) thực ra chẳng có cơ sở nào cả. Đố ai đưa ra được cơ sở đấy!”, ông Nam viết. Thậm chí ông còn nói vui là chuyên cơ B747 chở tổng thống Mỹ trên 30 năm tuổi. Ai bảo chúng không an toàn nhỉ? Mỹ, châu Âu đều không hạn chế tuổi máy bay thì đủ hiểu tuổi máy bay chẳng liên quan gì đến an toàn cả.

Có facebooker luận rằng chẳng qua các chuyên gia nói thuần túy kỹ thuật nhưng các yếu tố phi kỹ thuật cũng ảnh hưởng kha khá đến an toàn bay. Ví dụ khi xảy ra sự cố kỹ thuật trong khoang hành khách chẳng hạn, nếu mọi hành khách đều nghĩ máy bay mới thì chắc chắn tâm lý sẽ tốt hơn, đỡ hoảng loạn hơn nếu thấy máy bay quá cũ

Câu chuyện không còn là chuyện tuổi máy bay, như một chuyên gia am hiểu cho rằng vấn đề là ngành hàng không Việt Nam có vẻ đang phát triển nóng, khi nhiều nhóm lợi ích cạnh tranh, có tác động cả tích cực và tiêu cực đến chất lượng.

“Cục Hàng không và Bộ Giao thông Vận tải phải giám sát sao an toàn bay luôn đặt lên số 1 bên cạnh quy trình hãng”, người này nói và lấy “bài học của Indonesia 15 năm trước, phát triển ồ ạt, rất nhiều điều kiện an toàn bị coi nhẹ, máy bay rơi liên tục, đỉnh điểm là bị cấm bay đến EU”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới