Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

An toàn trong trường học: Đừng lặp lại điệp khúc ‘chúng tôi rất tiếc’ nữa!

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chỉ trong vòng vài tuần đầu năm học mới đã xảy ra ba vụ tai nạn khiến ba học sinh thiệt mạng và một vụ nổ bong bóng bay khiến bảy học sinh nhập viện vì phỏng. Cả bốn vụ tai nạn này không thể đổ lỗi do xui rủi mà nguyên nhân chính là sự yếu kém về kỹ năng kiểm soát an toàn trong trường học.

Ngay ngày lễ khai giảng năm nay, một thầy giáo hút thuốc lá làm nổ chùm bóng bay khiến bảy học sinh tiểu học ở tỉnh Thanh Hóa nhập viện. Cùng ngày, một học sinh nội trú lớp 10 ở TPHCM bị điện rò rỉ từ máy lọc nước giật, tử vong.

Trước đó, trong tuần cuối tháng 8, liên tiếp xảy ra hai vụ học sinh tử vong do đuối nước ngay trong hồ bơi trường học có giáo viên, nhân viên cứu hộ phụ trách. Trong cả hai vụ học sinh tử vong tại hồ bơi, báo cáo của nhà trường cho thấy, điều đáng lo ngại nhất là những nhân viên, giáo viên được nhà trường giao quản lý hồ bơi đã làm việc hết sức thiếu trách nhiệm.

Tại thời điểm em học sinh lớp 7 chết đuối tại hồ bơi của một trường học ở Nghệ An hôm 23-8, hồ này có hai nhân viên cứu hộ nhưng họ đã không quan sát và phát hiện kịp thời em này bị đuối nước. Khi nhóm học sinh đi bơi cùng nạn nhân thấy thiếu em này và tìm kiếm thì phát hiện em bị chìm dưới đáy hồ. Vì phát hiện trễ nên dù có đến ba người gồm hai nhân viên cứu hộ và y tế trường học sơ cứu và đưa đến bệnh viện, em học sinh này vẫn không qua khỏi.

Trong khi đó, vụ học sinh lớp 9 chết đuối tại hồ bơi một trường học ở Hà Nội hôm 22-8 lại diễn ra ngay trong giờ học bơi, có giáo viên phụ trách lại càng tắc trách hơn. Học sinh bị chìm chỉ vài phút sau khi xuống hồ bơi nhưng giáo viên không hay biết, đến lúc tập hợp học sinh lên bờ rồi cho lớp giải tán cũng không phát hiện thiếu một học sinh. Khi được nhân viên vệ sinh hồ phát hiện, nạn nhân đã tử vong, nguyên nhân được giáo viên dạy bơi thừa nhận tại cơ quan công an là do mải tập trung vào điện thoại thông minh không quan sát học sinh dưới hồ bơi.

Đã có hàng chục vụ tai nạn nổ bong bóng bay gây phỏng trong các kỳ lễ khai giảng, bế giảng ở nhiều trường học trên toàn quốc trong nhiều năm qua nhưng năm nay tai nạn như vậy lại tiếp diễn. Tại tỉnh Thanh Hóa, trong khi học sinh tiểu học thả bóng bay tại lễ khai giảng hôm 5-9 vừa qua thì một giáo viên hút thuốc quơ tay trúng bóng bay gây nổ khiến bảy em bị phỏng phải nhập viện.

Có quá nhiều điều không chấp nhận được trong vụ nổ này, đầu tiên là quy định cấm hút thuốc trong nhà trường bị vi phạm. Kế tiếp, người chịu trách nhiệm của trường này không có chút kiến thức an toàn nào khi mua bóng bơm khí dễ cháy nổ hydro thay vì đúng quy định an toàn là phải bơm khí trơ heli.

Trong vụ một học sinh nội trú lớp 10 ở TPHCM bị điện rò rỉ từ máy lọc nước giật tử vong, lỗi của người chịu trách nhiệm về mạng điện của nhà trường này rất lớn. Nguyên tắc an toàn điện quy định, đối với các máy móc như máy lọc nước, tủ lạnh, máy giặt… đều phải có dây tiếp địa (nối đất) để triệt tiêu dòng điện rò rỉ, không gây tai nạn cho người chạm vào.

Đó là chưa kể, với những môi trường như trường học, ngoài dây nối đất, mạng điện các khu vực quan trọng còn phải được trang bị thêm cầu dao chống giật. Những thiết kế an toàn điện bắt buộc này đã bị nhà trường bỏ qua nên đã dẫn đến cái chết oan uổng của em học sinh này.

Để tránh tai nạn cho học sinh, nhà trường phải có người được đào tạo kiến thức về an toàn và đánh giá các mối nguy hiểm tiềm ẩn. Các tai nạn như sập cổng trường, sập vách lớp, điện giật, rớt quạt trần, sụp nắp cống… sẽ không xảy ra nếu có người chịu trách nhiệm kiểm tra và sửa chữa kịp thời.

Cần đào tạo kiến thức về quản lý an toàn cho ban giám hiệu và nhân viên có liên quan trong các trường học. Không chỉ đào tạo bắt buộc, sau khi họ học xong phải phân công người chịu trách nhiệm cụ thể bằng văn bản.

Chỉ có quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng thì mới mong chấm dứt những cái chết oan uổng của các em học sinh.

Đừng đổ thừa cho xui rủi một cách xuê xoa, đó là sự vô trách nhiệm mà ngành giáo dục cần có biện pháp mạnh để chấm dứt. Ngành giáo dục cần có cơ chế giám sát, kiểm tra an toàn của các trường học, đừng lặp lại điệp khúc “chúng tôi rất tiếc” nữa!

1 BÌNH LUẬN

  1. Xin lỗi, là bình thường. Xin lỗi hoài, là bất bình thường. Quan trọng hơn, người được xin lỗi có chấp nhận lời xin lỗi đó hay không ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới