An toàn vệ sinh thực phẩm: Bộ Y tế kêu khó quản!
Văn Nam
Thực phẩm không an toàn vệ sinh bày bán trên đường phố đang là nỗi lo chung của nhiều người - Ảnh: Uyên Viễn. |
(TBKTSG Online) – Tình hình thực phẩm kém vệ sinh, mất an toàn ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng tới sức khỏe của toàn dân, song Bộ Y tế - cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này - đưa ra nhiều lý do để biện minh cho việc không quản lý được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Báo cáo của Bộ Y tế về tình hình an toàn thực phẩm hiện nay và các kiến nghị tại phiên họp thường kỳ Chính phủ đang diễn ra hôm nay (1-7) cho rằng, chính việc sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô nhỏ lẻ tràn lan là yếu tố then chốt dẫn tới tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo báo cáo này, sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta chủ yếu do khoảng 10 triệu hộ nông dân và 500.000 cơ sở chế biến thực hiện, trong đó 85% có quy mô vừa và nhỏ, sản xuất theo mùa vụ nên trang thiết bị, nhà xưởng không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm.
Trong khi đó, theo người đứng đầu Bộ Y tế, lực lượng thanh tra, cán bộ làm công tác liên quan đến an toàn thực phẩm quá “mỏng”, kinh phí hạn hẹp nên không thể thực thi hiệu quả việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo đúng chức trách của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm.
>> Báo động an toàn vệ sinh thực phẩm ở TPHCM
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận: ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp …vẫn diễn biến phức tạp. Việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, phụ gia thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc xử lý các vi phạm còn chưa kiên quyết, đặc biệt tại các tuyến xã, phường chủ yếu là nhắc nhở chiếm đến 81,8% số cơ sở vi phạm chưa được xử lý.
Theo Tổng cục Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2014, cả nước xảy ra 56 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 1.874 người bị ngộ độc, trong đó có 16 trường hợp tử vong. Riêng trong tháng 6, cả nước đã xảy ra 20 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng làm 810 người bị ngộ độc, trong đó có 6 người tử vong. |
Theo Bộ Y tế, tổng cộng cả nước có khoảng 1.300 người làm công tác thanh tra an toàn thực phẩm, trong khi Thái Lan có trên 5.000 thanh tra viên an toàn thực phẩm, Nhật Bản có trên 12.000 thanh tra viên an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, kinh phí cho công tác an toàn thực phẩm rất hạn chế, đặc biệt chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm bị cắt nhiều: năm 2013 giảm 11,5% so với năm 2012, năm 2014 giảm khoảng 60% so với năm 2013.
Trước đó, tại một cuộc họp trực tuyến tổng kết công tác an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2013 và triển khai nhiệm vụ 2014 diễn ra hồi tháng 1-2014, nhiều ý kiến đề xuất các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ bị nêu tên trên các phương tiện truyền thông để người tiêu dùng nhận diện, không mua sản phẩm, thậm chí là bị đóng cửa vĩnh viễn.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa thấy ngành y tế triển khai biện pháp cụ thể nào để chấn chỉnh tình hình.