Anh sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam
![]() |
Ông Mark Kent, Đại sứ Anh tại Việt Nam - Ảnh: MỘNG BÌNH |
(TBKTSG Online) - Kỳ vọng về việc tăng cường quan hệ kinh tế, thúc đẩy đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Anh đã được đặt ra nhân chuyến thăm Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu vào ngày 3-3 tới.
Nhân sự kiện này, Đại sứ Anh tại Việt Nam - ông Mark Kent đã chia sẻ thông tin với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Anh cùng những suy nghĩ của mình về quan hệ đầu tư, thương mại giữa hai nước. .
TBKTSG Online: Các chuyến công tác nước ngoài của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thường mang lại các hợp đồng và thoả thuận giữa các doanh nghiệp và ở cấp chính phủ. Ông nghĩ gì về chuyến đi lần này của Thủ tướng Việt Nam đến nước Anh?
Ông Mark Kent: Chúng tôi hy vọng sẽ có những kết quả về hợp tác thương mại và đầu tư mà chúng tôi sẽ công bố trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng đến Anh lần này. Có rất nhiều lĩnh vực mà hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác và một số các thoả thuận hợp tác sẽ được hai bên hoàn tất trong chuyến thăm của Thủ tướng. Chúng tôi đã chuẩn bị rất nhiều chương trình cho chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bao gồm diễn đàn xúc tiến đầu tư từ Anh vào Việt Nam. Tôi hy vọng sự kiện này sẽ thu hút rất nhiều công ty Anh.
Quan hệ Anh-Việt từ 1992 đến nay: - Từ 1992 đến nay, Chính phủ Anh đã tài trợ tổng cộng 498 triệu đô la Mỹ cho các dự án tại Việt Nam. Số tài trợ trung bình là 100 triệu đô la Mỹ mỗi năm trong vòng hai năm qua đã đưa nước Anh trở thành một trong những nhà tài trợ lớn nhất của Việt Nam. - Đến tháng 6-2007, Anh là nhà đầu tư lớn thứ 14 trong số các quốc gia và lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam, và lớn thứ ba của châu Âu tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 1,4 tỉ đô la Mỹ. - Trong thập kỷ qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Anh và Việt Nam luôn tăng hai con số, và hiện nay đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ. Từ tháng 1 đến 11-2007, Anh xuất khẩu khoảng 222 triệu đô la Mỹ trị giá hàng hoá và dịch vụ vào Việt Nam và nhập khẩu 1,56 tỉ đô la Mỹ từ Việt Nam. - Mỗi năm có khoảng 75.000 du khách Anh đến Việt Nam. - Hiện nay có khoảng 35.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn và học tập tại Anh. - Từ năm 1994-2007, có 254 người Việt Nam nhận học bổng Chevening và các chương trình khác để đi học tại Anh. (Nguồn: Đại sứ quán Anh) |
Bên cạnh đó sẽ có các cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các lãnh đạo của các tập đoàn lớn của Anh nhằm tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ gặp Thị trưởng thành phố London, và người đồng cấp là Thủ tướng Anh - ông Gordon Brown để bàn luận về các lĩnh vực hợp tác cấp quốc tế, và cấp quốc gia trong các lĩnh vực như pháp lý, giáo dục và quản trị.
Bên cạnh dầu khí và tài chính, đâu sẽ là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Anh quan tâm đẩy mạnh đầu tư?
Tất nhiên là rất nhiều. Tuần qua tôi mới đi công tác tại Hải Phòng để tìm hiểu cơ hội đầu tư cho các công ty Anh vì nhiều doanh nghiệp của chúng tôi quan tâm đến các dự án phát triển cảng và cơ sở hạ tầng. Chúng tôi có Rolls-Royce hoạt động trong lĩnh vực cung cấp động cơ và dịch vụ cho ngành hàng không, hàng hải và cơ khí và tập đoàn này vừa mới mở văn phòng tại Hà Nội. Nhiều công ty lớn của Anh quan tâm đầu tư vào lĩnh vực thiết kế phần mềm, dược, sản xuất và dịch vụ tài chính. Ngoài ra, chúng tôi mong muốn đầu tư của các công ty Anh sẽ tăng mạnh trong lĩnh vực công nghệ cao.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang than phiền Việt Nam đang mất đi lợi thế của mình so với các nước trong khu vực vì lạm phát cao và giá cả leo thang. Ông thấy nhận xét này thế nào?
Điều mà các nhà đầu tư Anh quan tâm tựu trung lại cũng tương tự như những vấn đề mà Chính phủ Việt Nam đã đề cập. Theo tôi, để vượt qua được nền sản xuất với các sản phẩm có giá trị thấp thì Việt Nam phải tiếp tục đào tạo lực lượng lao động có tay nghề và biến điều này trở thành nhân tố quan trọng đóng góp cho kế hoạch phát triển nền kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cần xây dựng đôi ngũ những chuyên gia giỏi có khả năng ngăn chặn tham nhũng, và xây dựng hệ thống pháp luật đồng nhất.
Tôi nghĩ về lâu dài Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, vì Việt Nam đang đứng trong một sân chơi toàn cầu nên đòi hỏi sẽ phải tiếp tục quá trình đổi mới nếu đất nước này muốn trở thành điểm đến cho ngành công nghệ cao.
Trong buổi lễ trình quốc thư cho Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ông có nói rằng “Việt Nam đang bước vào một thời kỳ quan trọng.” Vậy câu nói đó có ý nghĩa gì?
Việt Nam đã trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và sự kiện này đánh dấu thêm một mốc quan trọng trong việc hội nhập nền kinh tế thế giới của đất nước này và cũng đã trải qua một năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong lĩnh vực phát triển quốc tế thì Việt Nam đã thực hiện thành công chương trình Một Liên hiệp quốc (One UN), và chúng tôi muốn hợp tác với Việt Nam để tìm hiểu làm thế nào có thể nhân rộng mô hình thành công này tại các nước khác vì lợi ích của thế giới.
Khi chúng ta tìm hiểu chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam đến Anh để phát triển hợp tác đầu tư thì sẽ hiểu tại sao đây là thời điểm quan trọng của Việt Nam. Sự năng động của nền kinh tế mà tôi đã chứng kiến tại Việt Nam là rất ấn tượng. Tôi nghĩ rằng còn rất nhiều tiềm năng lớn để Anh và Việt Nam có thể đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ cấp Chính phủ đến đến mối quan hệ giữa người dân của hai nước.
MỘNG BÌNH thực hiện