(KTSG Online) - Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Anh sẽ không áp dụng các quy định bất lợi đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong trường hợp điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại.
- Cảnh báo nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại với đá thạch anh xuất khẩu sang Mỹ
- Số vụ phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Anh sẽ công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo điều kiện kinh tế thị trường. Trên cơ sở đó, nước này sẽ không áp dụng các quy định bất lợi đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong trường hợp điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại, theo trang web của Cục Phòng vệ thương mại.
Đây là nội dung được đưa ra trong khuôn khổ Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
TTXVN thông tin, nền kinh tế thị trường là một khái niệm được một số nước sử dụng khi tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác.
Trong đó, việc xác định một nước có nền kinh tế thị trường thường dựa trên những đánh giá về mức độ can thiệp của nhà nước đối với các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mức độ kiểm soát và can thiệp của nhà nước đối với các yếu tố sản xuất như vốn, lao động.
Nếu nước xuất khẩu hàng hóa không được coi là một nền kinh tế thị trường thì nước nhập khẩu sẽ sử dụng các thông tin có tính đại diện của doanh nghiệp một nước thứ ba được coi là nền kinh tế thị trường thay vì sử dụng các thông tin về chi phí và giá thành của chính doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để tính toán biên độ phá giá.
Theo đó, biên độ phá giá thường sẽ cao hơn, dẫn đến mức thuế phòng vệ thương mại cao hơn. Một số trường hợp, mức thuế này đối với các doanh nghiệp có thể lên đến trên 100%.
Đến nay, Việt Nam đã được 71 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận là một nền kinh tế thị trường thông qua nhiều hình thức khác nhau. Điều này tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu đến nhiều thị trường hơn, thu hút được nguồn vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.