Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ant đầu tư vào nền tảng đặt bàn Chope, mở rộng cơ hội phát triển ở ASEAN

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ant Group đã đầu tư 15 triệu đô la vào Chope – nền tảng đặt chỗ nhà hàng lớn nhất Đông Nam Á. Bước đi chuyến lược này sẽ mở đường cho gã khổng lồ công nghệ tài chính (fintech) mở rộng các hoạt động kinh doanh bên ngoài mảng thanh toán điện tử tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Đây là bước tiến chiến lược nhằm giúp Ant chiếm lĩnh thị trường khu vực trong khi họ còn rất ít dư địa để phát triển ở Trung Quốc sau các đợt chấn chỉnh của chính phủ.

Thương vụ đầu tư 15 triệu đô la vào Chope giúp Ant tìm kiếm cơ hội phát triển mới ở các lĩnh vực khác ngoài dịch vụ ví điện tử.

Tập trung vào người tiêu dùng và doanh nghiệp địa phương

Ant Group - công ty con của tập đoàn Alibaba - dự định sẽ dùng công nghệ mới để giúp các nhà hàng trong khu vực hồi phục sau đại dịch. Theo thông báo hôm 8-9 của Ant và các dữ liệu của DealStreetAsia, thương vụ đầu tư được thực hiện trong tháng 8 rồi đã giúp Ant trở thành cổ đông lớn nhất của Chope. Startup nền tảng đặt chỗ nhà hàng này sẽ dùng công nghệ của Ant để cung cấp thêm một số dịch vụ mới.

“Trong quá khứ, chúng tôi chỉ phục vụ du khách Trung Quốc. Giờ đây, chúng tôi nhắm đến việc giới thiệu phần nào đó công nghệ của chúng tôi đến các đối tác địa phương, như Chope chẳng hạn, để phục vụ người dân địa phương. Điều này khác với mục tiêu chỉ dành cho khách Trung Quốc đi du lịch các nước”, theo lời Cherry Huang, Tổng Giám đốc chương trình đối tác bán hàng (merchant) của ví điện tử Alipay tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Ứng dụng của Chope hiện được sử dụng ở 8 thành phố lớn ở châu Á, gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Hồng Kông, Singapore, Bangkok, Phuket, Jakarta và Bali, với hơn 5.000 nhà hàng và khoảng 50 triệu thực khách. Chương trình đối tác của Ant với Chope “sẽ mở cánh cửa mới cho chúng tôi phục vụ các nhu cầu địa phương” – Tổng Giám đốc Huang nói với Nikkei Asia.

Tìm kiếm dư địa phát triển ở Đông Nam Á

Trước khi dịch bùng nổ, hoạt động chính của Ant ở Đông Nam Á là chỉ lắp đặt thiết bị nhận thanh toán bằng ví điện tử Alipay tại các điểm đông du khách từ đại lục. Hiện Alipay đã có mặt tại trên 1 triệu cửa hàng trong khu vực. Khi dịch bùng phát làm du lịch điêu đứng, Ant bắt đầu tìm kiếm những cơ hội phát triển mới.

Tập đoàn fintech khổng lồ dự định sẽ tích hợp và kết nối các ứng dụng con (miniapp) vào siêu ứng dụng Alipay của họ. Các công ty công nghệ số lớn của Trung Quốc thường tạo điều kiện đưa các ứng dụng con tích hợp vào các ứng dụng lớn của họ. Tính đến tháng 3-2020, đã có khoảng 1,7 triệu ứng dụng con nương nhờ vào hệ sinh thái lớn của Alipay, cung cấp đủ các dịch vụ từ mua hàng trực tuyến đến tài chính ngân hàng.

Ant sẽ hỗ trợ các nhà hàng và doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm ở Đông Nam Á xây dựng các ứng dụng con để gia nhập vào nền tảng Chope. Một ứng dụng con như thế, theo bà Huang, chỉ mất vài ngày để lập trình. Nhờ vậy, người tiêu dùng sẽ có thể đặt bàn, mua voucher, xem các nhận xét (review) của thực khách về nhà hàng và chọn các dịch vụ liên quan đến thực phẩm trên Chope.

Hỗ trợ các doanh chủ cũng giúp Ant mở rộng thị phần tài chính số trong khu vực. Tại Singapore chẳng hạn, Ant dự định sẽ đưa ngân hàng số vào hoạt động sớm nhất là đầu năm 2022. Xây dựng mối đối tác với chủ các doanh nghiệp địa phương sẽ có lợi cho ngân hàng mới hình thành. Ngân hàng số này sẽ cung cấp dịch vụ tài khoản và cho vay đối với các công ty nhỏ và vừa.

Bà Huang đã từ chối bình luận về các lợi ích tiềm năng mới của ngân hàng số này. Bà chỉ nói rằng Ant đang chuẩn bị thành lập ngân hàng số và không thể cung cấp thêm thông tin.

Giới công nghệ Trung Quốc đang bị các giới hạn và chính sách mới của chính phủ Trung Quốc siết chặt ở quê nhà. Đây chính là động lực để họ vươn ra nước ngoài, tìm kiếm thêm cơ hội tăng trưởng mới. Đông Nam Á là điểm đến được ưa chuộng bởi mối gắn kết chặt chẽ về văn hóa và kinh tế. Hiện Ant có cổ phần trong rất nhiều dịch vụ thanh toán điện tử ở Đông Nam Á, như Mynt ở Philippines và Dana ở Indonesia. Năm ngoái, Ant đã đầu tư vào ví điện tử Wave Money của hãng Digital Money Myanmar.

Một hệ sinh thái rộng sẽ giúp các ứng dụng đặt bàn ở Việt Nam phát triển trong nước và có thể vươn ra nước ngoài. Ảnh: Pasgo

Bước vào thị trường Việt Nam?

Liệu Ant sẽ chuẩn bị vào thị trường Việt Nam và sẽ đè bẹp các ứng dụng đặt chỗ nhà hàng còn rất sơ khai hay non nớt tại Việt Nam?

Các nhà phân tích am hiểu về thị trường công nghệ Việt Nam đã không thể trả lời chúng tôi câu hỏi này vì “chưa có động thái rõ ràng nào từ Ant”. Tuy vậy, trang MindX – một công ty về lĩnh vực tư vấn du học và công nghệ tại Việt Nam – trong tháng rồi đã đăng quảng cáo tuyển dụng các kỹ sư dữ liệu cấp cao, kỹ sư phần mềm backend và fullstack bậc cao.

Số lượng đã không được MindX nói rõ, nhưng mẫu tuyển dụng nói rằng “mức lương hàng tháng hấp dẫn 7.000 đô la Singapore (gần 120 triệu đồng) và cơ hội làm việc tại Singapore”. Như vậy, mẫu tuyển dụng nói lên một điều là Ant rất cần kỹ sư người Việt và cả khả năng sẽ sớm bước vào thị trường Việt Nam.

Cũng cần nhắc lại, cuối năm 2019, Ant đã hoàn tất thương vụ mua lại lượng cổ phần khá lớn của ví điện tử eMonkey tại Việt Nam. Hiện vẫn chưa rõ tỷ lệ cổ phần của Ant tại ví điện tử này như thế nào, nhưng một điều khá chắc chắn là eMonkey đang bị rớt lại phía sau trong cuộc đua đầy khốc liệt của thị trường fintech Việt Nam với 39 ví điện tử đã được cấp phép.

Các nguồn tin về fintech Việt Nam nói rằng eMonkey đặt mục tiêu sẽ trở thành ví điện tử chính trong nước vào năm 2025. Điều này cũng đồng nghĩa Ant sẽ cần châm vốn lớn vào ví này để có thể cạnh tranh với các ví điện tử được nhiều người sử dụng nhất tại Việt Nam như Moca, Momo và VNPay chẳng hạn. “Nguồn vốn của Ant sẽ có thể giúp eMonkey là đối trọng với Zalo Pay của VNG vốn có sự hỗ trợ của Tencent”, một chuyên gia công nghệ phân tích.

Các trang công nghệ tại Việt Nam hiện chọn 5 ứng dụng đặt bàn sau là phổ biến nhất trên thị trường nội địa. Đó là Table Now, Pasgo,  Jamja, Meete và Golden Spoon. Nhưng sự vượt trội của ứng dụng và cách đặt tên tiếng Anh khó nhớ, không ấn tượng khiến người dùng không quá bận tâm. “Bên cạnh đó, thực khách người Việt ít có văn hóa đặt trước bàn ở nhà hàng. Vì thế các ứng dụng này thường tập trung vào khuyến mãi, giảm giá” – vị chuyên gia trên nói.

Trong số 5 ứng dụng trên, độ nhận diện thương hiệu của Table Now là phủ rộng nhất vì thuộc Công ty cổ phần Foody. Ứng dụng đặt bàn này có đến 2.000 nhà hàng và quán ăn trên khắp cả nước, có khi giảm giá đến 50%. Table Now nương vào mạng lưới đặt đồ ăn của Foody, nhưng cũng có những dịch vụ mới tích hợp vào như đi chợ, giúp việc, mua thuốc, thức ăn cho thú cưng…

Hiện các ứng dụng này không có sự cạnh tranh dữ dội như ví điện tử. Nhưng các vụ mua bán và sáp nhập có thể âm thầm diễn ra, như Ant đã từng mua cổ phần trong eMonkey.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới