(KTSG Online) - Tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành những thuật ngữ phổ biến hiện nay trong nền kinh tế. Tuy vậy theo nhiều chuyên gia để chiến lược phát triển kinh tế xanh không chỉ là khung chính sách mà cần phải được thúc đẩy bởi các yếu tố thị trường để tăng trưởng phù hợp và sát với thực tiễn hơn.
Nhận định trên được nhiều chuyên gia đưa ra tại phiên thảo luận “Kinh tế xanh: chúng ta đang ở đâu?” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế xanh được Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào sáng 22-4 tại TPHCM. Tại diễn đàn này chiến lược phát triển kinh tế xanh đã được các chuyên gia đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế đang tìm cách thích ứng với Covid-19 và đưa ra kế hoạch tái cơ cấu để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Nhận thức về kinh tế xanh cần thay đổi
Chiến lược phát triển kinh tế xanh đã được đề cấp đến hơn 10 năm trước với những kế hoạch và mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế xã hội thời điểm đó dường chiến lược này vẫn chưa thực sự hiệu quá khi phải cân đối giữa yêu cầu tăng trưởng thu nhập và tăng trưởng xanh.
Vì vậy Diễn đàn Kinh tế xanh lần này cũng là cơ hội để các chuyên gia nhìn lại quá trình chuyển đổi của một thập kỷ qua để tham vấn các vấn đề còn tồn đọng và hoàn thiện hơn trong bối cảnh chiến lược kinh tế xanh định hướng đến năm 2050 được Chính phủ ký vào cuối năm ngoái.
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhận định, chiến lược phát triển kinh tế xanh có hiệu lực từ năm 2012 tuy nhiên từ đó tới nay thì sự lan tỏa xu hướng vẫn chưa rõ ràng. Điều này cần xem xét lại, những giai đoạn trước đây khi thu nhập bình quân của Việt Nam rất thấp thì câu chuyện bền vững có đề cập đến nhưng nhu cầu tăng trưởng lại được ưu tiên cao hơn.
Nhưng đến giai đoạn này nền kinh tế có độ mở rất lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP thì tạo rất nhiều công ăn việc làm tăng thu nhập và tạo tích lũy cho doanh nghiệp. Chúng ta đang vượt qua mức thu nhập trung bình hướng tới mức trung bình cao. Thêm vào đó biến động của Covid-19 vừa qua chúng ta có cơ hội tái cấu trúc lại nền kinh tế và tìm được các cơ hội mới không chỉ là kinh tế tuyến tính hay mở rộng theo bề ngang như thời gian qua. Vấn đề quan trọng là thúc đẩy từ nhận thức đến hành động của các bên liên quan.
Trong khí đó TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện phát triển Thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, điều dáng buồn là chuyển biến xanh của chúng ta chưa được như kỳ vọng. Hơn 10 năm trước với 12 mục tiêu phát triển kinh tế xanh thì chúng ta chỉ thực hiện được 3. Điều này cho thấy từ nhận thức chuyển biến thành hành động, vai trò của doanh nghiệp cần xem xét lại. Nhận thức cần phải tăng trưởng về thu nhập rồi mới chuyển nền kinh tế từ “nâu sang xanh” vẫn còn và trở thành một trở ngại lớn.
Theo ông Thành, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa trên hai yếu tố gồm lao động chi phí thấp và lợi thế tài nguyên dẫn đến việc tận khai môi trường. Ví dụ như cách sản xuất quản trị vẫn theo hướng truyền thống và tuyến tính rất nhiều. Cụ thể những ngành tưởng chừng là “xanh” như trong lĩnh vực nông nghiệp lượng phát thải rất lớn hay dệt may tạo nhiều việc làm nhưng phế phẩm của ngành có lượng phát thải cao…
“Các doanh nghiệp hiểu và vận hành được theo quan điểm này sẽ thu về được giá trị rất lớn trong trung và dài hạn. Thách thức chính cần giải tỏa vẫn xoay quanh 4 thành tố là sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, lối sống xanh, đầu tư xanh, cơ chế chính sách xanh”, ông Thành cho hay.
Động lực thúc đẩy kinh tế xanh là thị trường
Kinh tế xanh, tăng trưởng xanh đang trở thành con đường ra cho doanh nghiệp sau một thời gian dài khủng hoảng vì Covid-19. Bên cạnh đó, đây cũng là sự khẳng định cho tương lai của doanh nghiệp, thông qua các sản phẩm và dịch vụ hướng tới yếu tố tuần hoàn và bền vững. Vì vạy việc phát triển các mô hình kinh tế mới bền vững cần gắn với các yếu tố thị trường bên cạnh các yếu tố xã hội.
Theo ông Võ Trí Thành, cần thẳng thắn nhìn nhận ngoài đòi hỏi về tư tưởng phát triển vì con người thì Covid-19 đang đẩy tư tưởng về phát triển xanh lên một tầng nấc mới. Thêm vào đó áp lực về tiêu dùng xanh, các mô hình kinh tế mới như chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, cam kết hội nhập tạo ra cách chơi mới rất thị trường. Tóm lại đằng sau các yếu tố áp lực đó thì động lực cốt lõi để thúc đẩy kinh tế xanh vẫn là yếu tố thị trường.
Bổ sung cho quan điểm trên, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban biến đổi khí hậu và môi trường UNDP Việt Nam cho rằng, ngoài các áp lực chung về thị trường thì chúng ta cũng cần một quan điểm bao trùm và công bằng.
Nền kinh tế tuyến tính mà chúng ta trải qua cho thấy nhiều doanh nghiệp lớn hưởng lợi từ dịch vụ sinh thái, nguồn tài nguyên đầu vào thì lực lượng bảo vệ, tái tạo nguồn đầu vào đó lại không được thụ hưởng nhiều và bị bỏ lại phía sau. Điều cần thiết khi thực hiện một chiến lược phát triển kinh tế chúng ta cần quan tâm đến các vấn đề bao trùm tác động lớn đến xã hội.
Để đầu tư phát triển kinh tế xanh cần được hỗ trợ nguồn lực và từ vốn đến chính sách Nhà nước. Dù đã có rất nhiều doanh nghiệp đầu tàu đi tiên phong trong lĩnh vực này nhưng bản thân họ cũng cần sự hỗ trợ nhất định, bởi ngoài việc đáp ứng thị trường Việt Nam thì chúng ta cũng có vị thế lớn ở quốc tế để phát triển.
“Các doanh nghiệp Việt Nam đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết không nằm trong cơ chế hưởng thụ đầu tư hay bảo vệ từ chính sách. Đây cũng là khoảng trống chúng ta cần quan tâm để hoàn thiện hơn về cơ chế thúc đấy phát triển xanh. Hiện nay chính sách đầu tư chúng ta mới đưa ra được khung và định hướng còn đi vào chi tiết vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy, thời điểm này cần có một chương trình thiết thực như chuyển đổi năng lượng để tạo động lực đầu tiên cho kinh tế xanh”, ông Lai cho hay
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, Việt Nam nên trở thành một trung tâm để phát hành trái phiếu xanh vì nằm trong khu vực ảnh hưởng lớn của biến đổi khi hậu. Đáng chú ý là 5 năm qua tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh trên thế giới tăng cao gấp 3 lần tín dụng bình thường. Hầu hết cho rằng cuộc chơi đang thay đổi căn bản, vì vậy các bộ ngành liên quan cũng bắt đầu trình Chính phủ các nghị định về bộ tiêu chí kinh tế xanh, nếu các doanh nghiệp đáp ứng được thì cũng có những hỗ trợ nhất định.
PGS, TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, hiện nay chúng ta đang dùng vốn tự nhiên rất lớn từ nguồn nước, nguồn đất và các nguồn lực này ít được tính vào chi phí sản phẩm. Vậy mô hình kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh mới cần xác định được việc bảo vệ giá trị của tài nguyên như nguồn đất, nguồn nước hay những phụ phẩm nông nghiệp làm sao cũng phải tạo ra được giá trị. Những sản phẩm đạt chất lượng cao hơn như hữu cơ thì thị trường đã sẵn sàng đón nhận với sự chênh lệch giá hay chưa?
“Nếu chúng ta biết lồng ghép được các mô hình kinh tế vào chính sách phát triển của quốc gia thì sẽ hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp có thể kinh doanh được các giá trị được tạo ra từ kinh tế tuần hoàn. Vấn đề thị trường một lần nữa dẫn dắt tới chiến lược phát triển kinh tế xanh với những bài toán liên ngành cần được giải. Có điều đáng tiếc là chiến lược phát triển kinh tế xanh được ký vào cuối năm ngoái vẫn hiểu kinh tế tuần hoàn theo một nghĩa hẹp như hàng hóa thân thiện mà không mở rộng được theo góc nhìn chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa toàn cầu”, TS Nguyễn Hồng Quân chia sẻ.