(KTSG) - Nếu như môi trường lãi suất thấp và ổn định có thể vừa thúc đẩy dòng tiền từ kênh tiền gửi ngân hàng dịch chuyển sang vừa giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong việc phát hành trái phiếu với chi phí thấp, thì điều ngược lại sẽ diễn ra khi xu hướng lãi suất gia tăng trở lại.
Triển vọng năm 2022
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong hai tháng đầu năm nay là 27.694 tỉ đồng, tiếp tục tăng mạnh 47% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó phát hành riêng lẻ vẫn chiếm tỷ trọng vượt trội với hơn 80%, tương ứng giá trị 22.185 tỉ đồng, tăng 51%; còn phát hành ra công chúng là 5.509 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhóm bất động sản vượt qua ngân hàng để vươn lên vị trí dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị phát hành đạt 15.520 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 56%, trong đó tập trung vào kỳ hạn ngắn 1-3 năm với giá trị phát hành là 9.313 tỉ đồng. Do giai đoạn đầu năm các ngân hàng chưa đẩy mạnh hoạt động phát hành trái phiếu, nên xếp thứ 2 là nhóm xây dựng với 7.930 tỉ đồng TPDN đã phát hành, chiếm tỷ trọng 28,6%.
Lãi suất tăng khiến doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí phát hành cao hơn, theo đó rủi ro có thể gia tăng càng khiến người mua thận trọng hơn, nhất là sau hàng loạt cảnh báo về kênh đầu tư này trong thời gian qua, cũng như trước những quy định thắt chặt kiểm soát đối với thị trường này.
Kết quả tăng trưởng tích cực ngay từ hai tháng đầu năm của thị trường TPDN phần nào củng cố dự báo của các tổ chức khi hầu hết cho rằng kênh đầu tư này sẽ tiếp tục có những bước phát triển với sự mở rộng cả về quy mô lẫn tính đa dạng của sản phẩm trong năm nay, đặc biệt khi dựa trên tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của nền kinh tế kéo theo nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp để mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh.
Đáng lưu ý là dù lượng TPDN đạt tốc độ tăng trưởng bình quân lên đến 46%/năm trong giai đoạn 2017-2021, đạt xấp xỉ 1,39 triệu tỉ đồng vào cuối năm 2021, theo đó nâng quy mô thị trường tăng mạnh từ 4,93% GDP vào năm 2017 lên tới 16,6% GDP vào cuối năm 2021, nhưng nếu so sánh với các nền kinh tế trong khu vực như Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay Thái Lan thì quy mô thị trường TPDN so với GDP của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Do đó, tiềm năng và dư địa phát triển trong tương lai là rất lớn.
Việc kênh tiền gửi tiết kiệm hay trái phiếu chính phủ đang ở mặt bằng lãi suất thấp cũng có thể tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm các khoản đầu tư thay thế, từ các nhà đầu tư tổ chức cho đến cá nhân, mà TPDN là một trong những lựa chọn được ưa thích trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, việc Thông tư 57/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20-7-2021 quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường các loại chứng khoán, theo đó thị trường TPDN thứ cấp sẽ hoạt động và giao dịch tập trung trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội trong năm 2022, giúp tăng tính thanh khoản cho kênh đầu tư này hơn.
Đáng lưu ý là theo Nghị định 155 về phát hành trái phiếu ra công chúng, kể từ ngày 1-1-2023, các khoản trái phiếu theo quy định tại khoản 2 điều 19 phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Hiện chỉ có hai đơn vị nhận được giấy phép này là Công ty cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Rating và Fiin Rating (thuộc Fiin Group), do đó các doanh nghiệp càng có động lực để đẩy mạnh phát hành ngay trong năm nay trước khi buộc phải được xếp hạng tín nhiệm nếu muốn phát hành mới kể từ đầu năm sau.
Đối mặt thách thức gì?
Dù vậy, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng dự báo có nhiều biến động trong năm nay, kênh đầu tư TPDN cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức.
Không ít ý kiến cho rằng lượng TPDN đáo hạn lớn như thế chẳng khác gì quả bom nổ chậm của thị trường, nhất là dựa trên bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay cũng như trước những thay đổi của chính sách mới theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn.
Đầu tiên là với áp lực lạm phát đang ngày càng gia tăng trước những ảnh hưởng của chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá hàng hóa thế giới liên tục leo thang, những kênh đầu tư có thu nhập cố định như trái phiếu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể do trở nên kém hấp dẫn và hạn chế lựa chọn của nhà đầu tư.
Ngoài ra, nếu như môi trường lãi suất thấp và ổn định có thể vừa thúc đẩy dòng tiền từ kênh tiền gửi ngân hàng dịch chuyển sang vừa giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong việc phát hành trái phiếu với chi phí thấp, thì điều ngược lại sẽ diễn ra khi xu hướng lãi suất gia tăng trở lại. Trong khi đó từ đầu năm đến nay thị trường đã chứng kiến mặt bằng lãi suất huy động từ dân cư của nhiều ngân hàng lẫn lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã và đang tiếp tục đi lên.
Mặc dù hầu hết dự báo của các tổ chức cho rằng lãi suất huy động nếu có tăng trở lại trong năm nay cũng chỉ có thể tăng không quá 0,5%, tuy nhiên trong bối cảnh các ngân hàng trung ương toàn cầu thắt chặt chính sách nhanh hơn, đơn cử như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến có đến 7 lần tăng lãi suất cơ bản trong năm nay, cộng thêm lạm phát nếu leo thang ngoài tầm kiểm soát, mức biến động của lãi suất sẽ khó lường hơn.
Lãi suất tăng khiến doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí phát hành cao hơn, theo đó rủi ro có thể gia tăng càng khiến người mua thận trọng hơn, nhất là sau hàng loạt cảnh báo về kênh đầu tư này trong thời gian qua, cũng như trước những quy định thắt chặt kiểm soát đối với thị trường này.
Đơn cử như đối với ngân hàng - người mua chính trên thị trường TPDN bùng nổ trong những năm gần đây. Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ giữa tháng 1-2022, về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN, có một số quy định siết chặt hơn như tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu của tổ chức phát hành không có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất (tại tất cả các tổ chức tín dụng); không được mua lại TPDN chưa niêm yết đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô/đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng; không được bán TPDN cho các công ty con.
Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, theo định hướng, các ngân hàng thương mại sẽ tập trung vào kênh tín dụng ngắn hạn và TPDN sẽ là kênh huy động vốn vay trung và dài hạn của doanh nghiệp; việc các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho doanh nghiệp thông qua đầu tư TPDN cũng sẽ hạn chế hơn. Đồng thời, từ đầu tháng 12-2021, Bộ Tài chính cũng đã có công văn lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153 theo hướng bổ sung các yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn đối với doanh nghiệp phát hành.
Trong khi phía cầu chịu những tác động kể trên, phía cung không chỉ chịu áp lực phải đẩy mạnh phát hành trước thời điểm quy định xếp hạng tín nhiệm có hiệu lực từ đầu năm sau như đã nói, mà còn phải đối mặt với lượng trái phiếu đáo hạn lớn bắt đầu từ năm nay.
Thống kê cho thấy xấp xỉ hơn 40% giá trị TPDN đang lưu hành sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2022-2023. Cụ thể, trong năm nay sẽ có khoảng 266.000 tỉ đồng TPDN đáo hạn, cao nhất từ trước đến nay, tăng 39% so với năm 2020 và chiếm khoảng 19% lượng TPDN lưu hành. Tuy nhiên, điểm rơi đáo hạn lớn nhất sẽ diễn ra vào năm 2023 với 302.900 tỉ đồng, và sau đó là 281.700 tỉ đồng vào năm 2024. Do đó, các doanh nghiệp càng phải chuẩn bị nguồn vốn huy động mới để xoay vòng ngay từ năm 2022 này, nhất là để tận dụng lãi suất dù đã có tín hiệu đi lên trở lại nhưng vẫn còn đang ở mức dễ chịu như hiện nay.
Không ít ý kiến cho rằng lượng TPDN đáo hạn lớn như thế chẳng khác gì quả bom nổ chậm của thị trường, nhất là dựa trên bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay cũng như trước những thay đổi của chính sách mới theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn.
Cũng cần nhắc lại rằng các cơ quan quản lý trước đây từng nhấn mạnh là riêng một số lĩnh vực rủi ro và đang có biểu hiện không lành mạnh như TPDN thì năm 2022 có thể sẽ không đẩy mạnh, thậm chí sẽ tiến hành thanh, kiểm tra những doanh nghiệp phát hành chưa đảm bảo ngưỡng an toàn trong thời gian qua. Điều này cũng sẽ là một rào cản lớn với những doanh nghiệp muốn tiếp tục phát hành trái phiếu mà không đảm bảo đủ điều kiện theo các quy định mới.