Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Áp lực lạm phát biến Đức thành ‘cừu đen’ của kinh tế châu Âu?

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Những áp lực từ lạm phát cao dai dẳng đã đẩy Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, rơi vào suy thoái với hai quí tăng trưởng âm liên tiếp. Điều này đang đặt ra những thách thức lớn, không chỉ cho nền kinh tế Đức, mà còn cả khu vực châu Âu.

Suy thoái vì lạm phát

Các số liệu ước tính lần 2 vừa được Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố hôm thứ Năm tuần trước cho thấy, kinh tế nước này đã suy giảm nhẹ 0,3% trong quí 1-2023, thay vì đi ngang như ước tính ban đầu.

Và với việc đã suy giảm 0,5% trong quí 4-2022, kinh tế Đức đã trải qua hai quí suy giảm liên tiếp - đáp ứng định nghĩa của một cuộc suy thoái kỹ thuật.

Trước đó, một số chuyên gia kinh tế đã dự đoán về sự sụt giảm này sau khi sản xuất công nghiệp Đức trong tháng 3-2023 ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong vòng 12 tháng qua, còn doanh số bán lẻ cũng giảm mạnh 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty Đức cũng ngày càng bi quan hơn, khi nghiên cứu của Viện Ifo cho thấy, chỉ số niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp trong tháng 5-2023 đã giảm lần đầu tiên sau bảy tháng.

Vậy tại sao điều này lại xảy ra?

Theo Euronews, nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái tại Đức là do tiêu dùng trong nước sụt giảm - hậu quả của lạm phát cao. Các số liệu thống kê cho thấy lạm phát tại Đức trong tháng 4 vẫn ở mức rất cao, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lạm phát cao và các đợt tăng lãi suất liên tiếp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm kiềm chế đà leo thang giá cả đã làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng. Tiêu dùng hộ gia đình tại Đức trong quí 1-2023 đã giảm 1,2% so với quí trước đó, trong khi chi tiêu chính phủ cũng giảm 4,9%.

“Dưới sức nặng của tỷ lệ lạm phát cao khủng khiếp, người tiêu dùng Đức đã khuỵu xuống, kéo theo đó là sự đi xuống của cả nền kinh tế”, chuyên gia phân tích Andreas Scheuerle tại DekaBank nhận xét.

Đứng đầu danh sách các yếu tố thúc đẩy giá cả tăng cao là cuộc xung đột Nga - Ukraine. Các ngành công nghiệp Đức, vốn phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt giá rẻ của Nga trong suốt một thời gian dài, đã rơi vào tình cảnh khốn đốn hồi năm ngoái, sau khi xung đột bùng phát.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, thừa nhận, dù tình hình khí đốt đã dần được cải thiện hơn, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế hiện vẫn rất ảm đạm.

Việc ECB liên tục tăng lãi suất để chống lạm phát cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nền kinh tế. Bên cạnh đó, theo Viện Kinh tế DIHK, các đối tác thương mại của Đức cũng nhập khẩu ít sản phẩm “made in Germany” hơn bình thường, do tác động từ “bất ổn địa chính trị, tỷ lệ lạm phát cao, và sức mua giảm”.

Triển vọng phục hồi của kinh tế Đức

Bất chấp sự suy giảm này, chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn tỏ ra lạc quan khi dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng 0,4% trong cả năm 2023. “Triển vọng của nền kinh tế Đức là rất tốt, và chúng tôi đang trong quá trình vượt qua những thách thức đang phải đối mặt”, Thủ tướng Scholz khẳng định với báo chí.

Những kỳ vọng này bắt nguồn từ một số tín hiệu tích cực đã xuất hiện trong những tháng đầu năm nay, nhờ các biện pháp hỗ trợ mạnh tay của chính phủ và việc tăng cường sử dụng khí đốt hóa lỏng giúp bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt nhập khẩu từ Nga. Mùa đông ấm áp hơn thường lệ tại châu Âu cũng khiến giá khí đốt giảm đáng kể từ cuối năm ngoái.

Các ngành công nghiệp của Đức cũng được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau quãng thời gian dài phong tỏa phòng dịch Covid-19.

Các số liệu mới đây cho thấy, sau nửa cuối năm 2022 yếu kém, hoạt động đầu tư đã tăng trở lại trong ba tháng đầu năm nay, trong đó, đầu tư vào máy móc, thiết bị tăng 3,2% so với quí trước đó, còn đầu tư vào xây dựng tăng 3,9%. Thương mại cũng có những đóng góp tích cực với xuất khẩu tăng 0,4% còn nhập khẩu giảm 0,9%.

Một số ý kiến cho rằng lạm phát hạ nhiệt và tiền lương tăng nhanh, kết hợp với sức mạnh của thị trường lao động, sẽ giúp nền kinh tế Đức đạt được mức tăng trưởng nhẹ trong thời gian tới.

Trong một báo cáo kinh tế hàng tháng mới công bố, Ngân hàng Bundesbank cũng bày tỏ kỳ vọng, nền kinh tế Đức có thể tăng trưởng khiêm tốn trong quí 2 do sự phục hồi của ngành công nghiệp, bù đắp cho tiêu dùng hộ gia đình trì trệ và sự sụt giảm trong xây dựng.

“Cừu đen” của kinh tế châu Âu

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác lại tỏ ra bi quan hơn khi cho rằng nền kinh tế Đức thậm chí sẽ vẫn mắc kẹt trong tình trạng ảm đạm trong những tháng tới.

Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận vĩ mô toàn cầu của ING cho biết: “Thời tiết mùa Đông ấm áp, hoạt động công nghiệp phục hồi, cùng với sự hỗ trợ từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại và căng thẳng chuỗi cung ứng lắng dịu là không đủ để đưa nền kinh tế Đức thoát khỏi vùng nguy cơ suy thoái”.

Sức mua giảm, số lượng đơn đặt hàng công nghiệp thưa thớt, chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ và cả sự giảm tốc của nền kinh tế Mỹ, tất cả đều làm gia tăng những thách thức cho nền kinh tế Đức.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Jorg Kramer, chuyên gia Kinh tế trưởng tại Commerzbank, cho biết: “Thật không may, nền kinh tế không có sự cải thiện cơ bản. Tất cả chỉ số quan trọng trong lĩnh vực sản xuất đều đang hướng xuống”.

Hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo hoạt động kinh tế của Đức sẽ giảm 0,1% trong năm nay, trước khi tăng trở lại 1,1% vào năm 2024. Tình hình này hoàn toàn trái ngược với các nước láng giềng châu Âu, nơi nguy cơ suy thoái kinh tế đã dần tan biến nhờ giá năng lượng thấp hơn.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đánh giá dữ liệu GDP của Đức cho thấy “những tín hiệu tiêu cực đáng ngạc nhiên”, đồng thời nói thêm rằng, so với các nền kinh tế phát triển khác, Đức đang đánh mất dần tiềm năng tăng trưởng.

Cũng cần lưu ý thêm rằng, ngay cả Vương quốc Anh, vốn bị mắc kẹt trong tình trạng trì trệ kinh tế suốt thời gian vừa qua, cũng ghi nhận một số tín hiệu tích cực trong tuần này. IMF đã dự báo nền kinh tế xứ sở sương mù sẽ không rơi vào suy thoái trong năm nay, đồng nghĩa với việc chỉ còn Đức đối mặt với rủi ro. Guillaume Dejean, chuyên gia phân tích của Global Market Insight, nhận định: “Đức hiện đang bị nhiều người coi là có tiềm năng trở thành con cừu đen của kinh tế châu Âu”.

Những lo ngại đối với châu Âu

Theo Politico, sự suy thoái kinh tế tại Đức là một hồi chuông cảnh báo đối với Eurozone và cả Liên minh châu Âu (EU) rộng lớn hơn, vốn rất phụ thuộc vào nền công nghiệp khổng lồ của quốc gia này. Cho đến nay, Đức vẫn là nền kinh tế lớn nhất Eurozone, chiếm gần 30% sản lượng kinh tế của khối và là đối tác thương mại lớn nhất của hơn một nửa trong số 27 quốc gia thành viên EU.

Giáo sư Dana Allin tại SAIS Europe nhận định: “Sức khỏe của nền kinh tế Đức rất quan trọng đối với nền kinh tế châu Âu, cũng như sự hài hòa và đoàn kết của khối”.

Trong một bài viết có tựa đề “Động cơ kinh tế của châu Âu đang đổ vỡ”, Bloomberg cũng cảnh báo điều này có thể gây nguy hiểm cho toàn bộ lục địa. Bởi sau nhiều thập kỷ đóng vai trò là đầu tàu kinh tế, đưa khu vực vượt qua hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác, khả năng phục hồi của Đức đang đứng trước thách thức nghiêm trọng.

Cuộc suy thoái tại trụ cột kinh tế này được dự báo sẽ làm giảm đi một số kỳ vọng lạc quan về triển vọng phục hồi của toàn khu vực vừa mới được hình thành. Bert Colijn, một nhà kinh tế tại ING, cho biết: “Một cuộc suy thoái kỹ thuật sẽ là một sự thay đổi đáng kể trong bức tranh tổng thể về đà phục hồi của nền kinh tế khu vực Eurozone trong những quí gần đây”.

Trước đó, Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) ước tính nền kinh tế Eurozone trong quí 1 năm nay ghi nhận mức tăng trưởng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã giảm 0,2% trong quí 4-2022.

Tuy nhiên, nếu các ước tính về tăng trưởng ở các thành viên khác của Eurozone không thay đổi, số liệu GDP mới điều chỉnh của Đức, sẽ khiến toàn bộ nền kinh tế khu vực suy giảm nhẹ trong quí đầu năm.

Mặc dù sự thay đổi về sản lượng kinh tế là không quá lớn, điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới các dự báo của ECB. Hồi tháng 3, các nhà kinh tế của ngân hàng trung ương này đã nâng dự báo tăng trưởng của khu vực trong năm nay và các năm tiếp theo, một phần là để đáp lại bức tranh tích cực về nền kinh tế khu vực.

Giờ đây, những dự đoán bị đảo lộn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các quyết định về lãi suất của ECB trong những tháng tới, khi các nhà hoạch định chính sách phải hành động cẩn trọng hơn để tránh đẩy nền kinh tế lún sâu vào khủng hoảng.

Nguồn: Reuters, Euronews, Financial Times, Politico, Wall Street Journal, Bloomberg, First Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới