Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Áp lực ‘rung lắc’ khi VN-Index tiến đến vùng điểm cao!

Thanh Thủy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong tuần giao dịch trước, sau hai phiên tăng mạnh đầu tuần, thị trường chứng khoán (TTCK) có phần hụt hơi khi tiếp cận lại vùng 1.250 điểm. Dù vậy, lực cầu đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn giúp chỉ số VN-Index lấy lại được sắc xanh và đóng cửa tại mốc 1.232 điểm, tăng 6,23 điểm, tương đương 0,51% so với tuần trước đó.

Tuần qua, VN-Index đã lấy lại được sắc xanh và đóng cửa tại mốc 1.232 điểm, tăng 6,23 điểm so với tuần trước đó. Ảnh minh họa: TL

Trong bối cảnh thị trường tiếp tục đi lên, giao dịch của khối ngoại lại có phần kém tích cực. Dù khối này vẫn ghi nhận mua ròng 27 tỉ đồng, song chủ yếu nhờ giao dịch thỏa thuận đột biến. Thống kê trên từng mã cổ phiếu, cổ phiếu SGB được khối ngoại mua ròng tới 914 tỉ đồng, trong đó riêng phiên ngày 8-8 ghi nhận lượng mua ròng thỏa thuận 44 triệu cổ phiếu SGB tương ứng giá trị gần 872 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, khối ngoại cũng mua ròng mạnh tại mã HPG (hơn 296 tỉ đồng); VIC (274 tỉ đồng); VNM và MSN với giá trị lần lượt là 274 tỉ đồng và 199 tỉ đồng. Ở chiều ngược lại, SSI và GMD là hai mã bị bán ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt là 275 tỉ đồng và 249 tỉ đồng.

Nhìn chung, cùng với đà đi lên mạnh mẽ của VN-Index, hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài tại TTCK Việt Nam đã thu được những kết quả tích cực, đặc biệt là các quỹ ETF. Theo thống kê của SSI Research về hiệu suất hoạt động của các quỹ ETF trong tháng 7 vừa qua thì VanEck Vector Vietnam là quỹ đầu tư có hiệu suất cao nhất thị trường với +13,2%, vượt xa hiệu suất của VN-Index (+9,2%). Đứng thứ hai là quỹ VFM VNDiamond với hiệu suất +11,1%. Đứng thứ ba là Fubon FTSE Vietnam ETF với hiệu suất +10%.

Đáng lưu ý, trong tháng 7 vừa qua, ở nhóm ETF ngoại, dòng vốn cũng phân hóa khá rõ nét. Trong khi hai quỹ Fubon (-176 tỉ đồng) và iShares (-157 tỉ đồng) tiếp tục bị rút ròng thì dòng tiền lại vào khá tốt ở các quỹ còn lại như VanEck (+384 tỉ đồng), FTSE Vietnam (+33 tỉ đồng), Global X (+36 tỉ đồng)... Tính chung cả thị trường thì dòng tiền ETF đã vào ròng trong tháng thứ 2 liên tiếp, với giá trị 430 tỉ đồng, nâng tổng giá trị vốn vào ròng kể từ đầu năm đến nay lên 5.270 tỉ đồng.

Về cơ bản, xu hướng đầu tư vào các quỹ ETF rót vốn vào TTCK Việt Nam trong dài hạn vẫn khá tích cực, đặc biệt là từ các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài. Tuy nhiên, xu hướng dòng tiền của các quỹ ETF thường phụ thuộc khá nhiều vào tâm lý của nhà đầu tư cá nhân và trong quá khứ, dòng tiền sẽ chỉ vào mạnh khi (1) thị trường có nhịp điều chỉnh mạnh hoặc (2) thị trường xác nhận xu hướng tăng rõ rệt. Một thông tin đáng chú ý cho giai đoạn tháng 8 và tháng 9 tới đây là kỳ xem xét của FTSE.

Các động thái từ FTSE đối với Việt Nam sẽ là tín hiệu rõ ràng nhất cho triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi. Hiện tại, TTCK Việt Nam đang nằm trong danh sách theo dõi của FTSE từ năm 2018 đến nay và trong kỳ đánh giá tháng 3 vừa qua, FTSE đã đưa ra sự lo ngại liên quan tới việc thiếu rõ ràng về thời điểm thực hiện cải cách thị trường và cảnh báo việc xem xét lại tư cách thành viên của Việt Nam trong danh sách theo dõi trong kỳ đánh giá tới.

Tuy nhiên, tại Đối thoại tháng 7 - Kinh tế vĩ mô và TTCK ngày 25-7 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ cuộc họp giữa Ủy ban Chứng khoán và các tổ chức xếp hạng quốc tế trong tháng 8 được kỳ vọng là yếu tố then chốt giúp giải quyết vấn đề trên, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ đưa TTCK Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE vào năm 2024 hoặc 2025.

Về diễn biến TTCK thế giới, trong tuần trước, chỉ số S&P 500 và Nasdaq của Mỹ có tuần đi xuống thứ hai liên tiếp khi lần giảm 0,3% và 1,9%. Riêng chỉ số Dow Jones đi lên với mức tăng 0,6%. Thông tin ảnh hưởng nhất tới tâm lý nhà đầu tư trong tuần là diễn biến của lạm phát.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Mỹ tăng 3,2% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức dự báo tăng 3,3%. Tuy nhiên, CPI lõi - thước đo không bao gồm hai nhóm hàng hóa có mức độ biến động lớn là thực phẩm và năng lượng lại tăng 4,7%.

Ngoài ra, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tại Mỹ cũng tăng 0,3% so với tháng trước, cao hơn so với mức tăng 0,2% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Những số liệu trên cho thấy diễn biến lạm phát còn khá dai dẳng, từ đó khiến triển vọng chính sách tiền tệ của Fed trở nên bấp bênh hơn.

Về diễn biến của VN-Index, chỉ số được dự báo có thể gặp “rung lắc” khi tiến tới các vùng điểm cao hơn, trước mắt là vùng 1.240-1.250 điểm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới