(KTSG) - Những khó khăn từ thị trường Mỹ, EU và sự hồi phục không như kỳ vọng của Trung Quốc đang đặt trọng trách tăng trưởng vào thị trường nội địa trong hai quí cuối năm 2023 để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Quốc hội đã đề ra.
- Thấy gì qua con số tăng trưởng tín dụng?
- Để khoa học công nghệ đưa TPHCM trở thành một cực tăng trưởng mới
Trọng tâm vào khu vực nội địa trong bối cảnh thế giới khó khăn
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam từ 6,3% xuống 6%. Đây có thể xem là chỉ báo cho những diễn biến kém khả quan của tình hình kinh tế nửa cuối năm nay.
Về nhu cầu từ bên ngoài, lãi suất và lạm phát của một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ và EU đều vẫn đang ở mức cao ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa, dịch vụ, kéo theo đó là sự suy giảm của hoạt động xuất, nhập khẩu. Một thị trường lớn của Việt Nam là Trung Quốc cũng đang chật vật trong quá trình hồi phục, với sự tăng trưởng không tốt như kỳ vọng.
Do đó, trong nửa cuối năm, nhìn chung động lực tăng trưởng của nền kinh tế sẽ tập trung vào các hoạt động kinh tế nội địa, bao gồm ba hoạt động chính là giải ngân đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường sản xuất kinh doanh cũng như kích thích chi tiêu của người dân.
Với những hoạt động kể trên, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ khác nhau, tuy nhiên khả năng thẩm thấu của những chính sách này vào kết quả tăng trưởng cuối năm nhìn chung vẫn khá khó khăn, nhất là các chính sách tiền tệ và tài khóa hướng đến hoạt động của doanh nghiệp và tiêu dùng của hộ gia đình.
Chính sách tiền tệ chưa thẩm thấu vào nền kinh tế
Trong nửa cuối năm 2023, các chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ bắt đầu thẩm thấu dần vào nền kinh tế thực. Trong đó nổi bật là các chính sách về điều chỉnh lãi suất hướng đến doanh nghiệp và chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) hướng đến nhu cầu tiêu dùng.
Trong nửa cuối năm, động lực tăng trưởng của nền kinh tế sẽ tập trung vào giải ngân đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường sản xuất kinh doanh cũng như kích thích chi tiêu của người dân. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ các hoạt động này chậm thẩm thấu vào thực tế.
Với chính sách tiền tệ, từ tháng 3 đến tháng 5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có ba đợt điều chỉnh lãi suất, bao gồm lãi suất cho các hoạt động bơm hút tiền giữa NHNN và ngân hàng thương mại (NHTM) cũng như giữa NHTM với người dân. Theo đó, tính đến hết quí 2, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 đến 6 tháng được NHNN giới hạn ở mức 5%.
Mặc dù các quyết định điều hành về lãi suất đã được thực hiện từ tháng 3 và liên tục cập nhật trong những tháng tiếp theo, nhưng nhìn chung, việc giảm lãi suất vẫn chưa được phản ánh vào nền kinh tế trong nửa đầu năm 2023.
Về phía người đi vay, mặt bằng lãi suất vẫn khá cao, ảnh hưởng tới nhu cầu vay của doanh nghiệp cũng như nhu cầu vay tiêu dùng của dân cư. Ngoài ra, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, nhu cầu tiêu dùng yếu do thu nhập dân cư giảm cũng là yếu tố tâm lý khiến tăng trưởng tín dụng thấp.
Về phía NHTM, tâm lý thận trọng cũng bao trùm khi các ngân hàng phải đảm bảo các chỉ tiêu về nợ xấu và an toàn vốn. Do vậy, dù các mức lãi suất điều hành đã giảm nhưng chủ yếu tiền vẫn chạy trong hệ thống ngân hàng và chưa đến được nền kinh tế thực.
Chính sách giảm thuế VAT đưa ra trong bối cảnh không thuận lợi
Nếu như chính sách lãi suất chủ yếu hỗ trợ phía cung thì chính sách thuế VAT được đưa ra với kỳ vọng sẽ hỗ trợ phía cầu, với mức thuế suất 8% dự kiến được áp dụng từ 1-7-2023. Trong năm 2022, giảm thuế VAT đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, đồng thời thu thuế VAT vẫn tăng 10% so với cùng kỳ. Chính sách VAT của năm 2022 tiếp tục được áp dụng trong nửa cuối 2023 với kỳ vọng sẽ tạo ra được kỳ tích như năm 2022.
Tuy nhiên, bối cảnh thực hiện chính sách này trong năm 2023 sẽ khác so với năm ngoái. Chính sách giảm thuế VAT trong năm 2022 được đưa ra trong bối cảnh các dấu hiệu suy thoái chưa rõ ràng, thu nhập dân cư đang tăng khi hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thị trường chứng khoán đang tăng trưởng tốt. Với năm 2023, những diễn biến xấu của nền kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng của dân cư khó có sự tăng trưởng đột biến. Vì vậy, khả năng kích thích tiêu dùng thông qua giảm thuế VAT có thể sẽ không đạt được kết quả như kỳ vọng.
Như vậy, có thể thấy mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 mà Quốc hội giao cho Chính phủ sẽ là một thách thức cho nửa cuối năm 2023. Với mức tăng trưởng quí 1 là 3,32% và quí 2 dự báo sẽ dưới 5%, mức tăng trưởng cho hai quí còn lại của năm 2023 sẽ phải ở mức 8-9%. Đây là mục tiêu không dễ để đạt được trong bối cảnh kinh tế hiện nay.