Thứ sáu, 15/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Áp thuế để hạ giá phân bón: một góc nhìn khác

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Áp thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào đối với phân bón, về lý thuyết là điều kiện để hạ giá bán sản phẩm đến tay người nông dân. Tuy nhiên, ở góc độ khuyến khích ngành nông nghiệp không lạm dụng phân bón, thì việc hạ giá bán chưa chắc là điều tốt…

Cảnh báo lạm dụng phân bón ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Số liệu báo cáo từ Hiệp hội phân bón quốc tế (IFA) cho thấy, tổng sản lượng phân bón toàn cầu hiện đạt trên dưới 200 triệu tấn. Tuy nhiên, từ nay đến 2027, sản lượng dự kiến sẽ tiếp tục tăng khoảng 12-17% mỗi năm do một số dự án mở rộng ở khu vực châu Phi và Tây Á.

Riêng tại Việt Nam, năng lực sản xuất phân bón hàng năm đạt khoảng 7-8 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu, bao gồm các loại phân đạm (Ure), DAP và NPK. Trong khi đó, 8 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp Việt Nam đã chi khoảng 1,14 tỉ đô la Mỹ để nhập khẩu khoảng 3,5 triệu tấn phân bón các loại.

Với lượng phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu như nêu trên phục vụ cho nhu cầu của tất cả các loại cây trồng, từ lúa, cây ăn trái đến các loại cây công nghiệp với diện tích trên dưới 7 triệu héc ta.

Phân bón là nguyên liệu đầu vào cực kỳ quan trọng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, cho nên, mọi biến động đều có tác động trực tiếp đến người nông dân- đối tượng tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Doanh nghiệp có sẵn lòng giảm?

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Ửng, Giám đốc Công ty phân bón Sao Vàng Nông Thuận Phát nhấn mạnh, cả ngành phân bón Việt Nam, chứ không riêng đơn vị này đều mong muốn được áp 5% thuế VAT. Vậy đâu là lý do dẫn đến thực tế này?

Theo lý giải của ông Ửng, doanh nghiệp đầu tư, mua sắm thiết bị đầu vào phục vụ sản xuất, nhưng không được khấu trừ thuế VAT nên bắt buộc phải tính vào giá thành sản phẩm, tức giá sản phẩm đầu ra tăng lên và nông dân chính là người chịu.

“Ví dụ, tôi mua chiếc xe ô tô để vận chuyển phân bón, nếu không được trừ thuế VAT, thì phải đưa vào giá thành. Điều này khiến giá bán sản phẩm (phân bón) người nông dân chịu hết. Ngược lại, nếu được khấu trừ 5% thuế thì doanh nghiệp có điều kiện giảm giá bán, tức nông dân hưởng lợi”, ông Ửng cho hay.

Lý thuyết việc áp thuế VAT đầu vào phân bón sẽ giúp giá bán sản phẩm có điều kiện giảm giá. Tuy nhiên, liệu doanh nghiệp có sẵn lòng giảm giá bán hay không?

Tại toạ đàm "Thuế VAT cho phân bón- vì lợi ích của nông dân và sự phát triển của ngành phân bón trong nước" diễn ra mới đây, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban kinh tế Quốc hội cho rằng, miễn hay áp thuế 5% thì phương án nào cũng có lợi và bất lợi. “Quan trọng chúng ta lấy đối tượng nào làm trọng tâm (doanh nghiệp, nhà nước hay nông dân)”, ông nói.

Theo ông Hiếu, phương án áp 5% thuế VAT, tức doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước, tăng lợi thế cạnh tranh so với sản phẩm nhập khẩu.

Tuy nhiên, việc áp thuế trước mắt nông dân sẽ phải trả thêm phần thuế VAT đó. Doanh nghiệp phân bón có sẵn lòng giảm giá bán hay không vẫn chỉ mới là... kỳ vọng. Áp thuế đồng nghĩa doanh nghiệp có điều kiện giảm giá bán cho nông dân, nhưng cơ sở nào để chắc chắn điều đó sẽ diễn ra?

Trả lời câu hỏi nêu trên của KTSG Online, vị giám đốc Công ty phân bón Sao Vàng Nông Thuận Phát cho rằng, cơ chế thị trường sẽ điều chỉnh, tức doanh nghiệp A giảm, trong khi doanh nghiệp B không giảm sẽ bị mất khách hàng.

Ví dụ, bao phân NPK 20-20-15 (20% đạm, 20% lân và 15% Kali) sau khi áp thuế, doanh nghiệp A giảm xuống còn 700.000 đồng/bao, trong khi doanh nghiệp B vẫn "neo" ở mức giá 750.000 đồng/bao sẽ là lý do nông dân sẽ quay lưng. “Đó là cơ chế thị trường điều chỉnh” , ông Ửng nói.

Theo ông, với ngành phân bón, hiện nay được quản lý bởi nhiều đơn vị khác nhau, bao gồm thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục bảo vệ thực vật, Quản lý thị trường… Do vậy, về mặt chất lượng, giá cả luôn có sự giám sát.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ một khả năng có thể sẽ xảy ra, đó là doanh nghiệp “bắt tay” quyết định về mặt bằng giá bán.

Chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp khi trao đổi với KTSG Online cho rằng, áp thuế 5% được kỳ vọng sẽ giảm giá cho người nông dân, nhưng không kiểm soát được (quản lý việc đảm bảo doanh nghiệp phân bón sẽ giảm giá), thì cũng không mang lại ý nghĩa thật sự. “Kỳ vọng hướng tới người nông dân, nhưng thật chất nông dân có được hưởng lợi hay không?”, ông đặt câu hỏi.

Ông Hiệp dẫn chứng, cách đây vài năm, chương trình mua lúa tạm trữ khi nhà nước phải bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để bù lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp thu mua, nhưng thực chất nông dân chưa được hưởng lợi như kỳ vọng. “Chính sách là một chuyện, nhưng công cụ để kiểm tra, giám sát việc thực thi mới là quan trọng. Do đó, muốn thông qua chính sách này (áp 5% thuế VAT) trước tiên phải có công cụ giảm sát”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Nên cân đối giữa giá bán và môi trường

Đầu vào sản xuất giảm xuống là yếu tố quan trọng giúp nông dân giảm giá thành, tăng lợi nhuận hoạt động sản xuất nông nghiệp là điều tích cực. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, việc tiếp cận sản phẩm giá thấp có thể dẫn đến "hệ luỵ" lạm dung phân bón, gây tác động xấu cho môi trường và chất lượng sản phẩm của ngành nông nghiệp.

Chuyên gia Trần Hữu Hiệp cho rằng, giảm thuế VAT phân bón sẽ có tác động đến nông dân, tuy nhiên, cần phải nhìn phân hoá học không phải là chất duy nhất để hướng đến phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

Theo ông, ngành nông nghiệp kêu gọi nông dân giảm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, nhưng nhắm vào giảm giá cũng không phải là cách tối ưu. Trong bối cảnh đó, phải xem xét chừng mực để hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung, chứ không riêng sản xuất phân bón. Đặc biệt, hướng tới lộ trình giảm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nên khuyến khích theo một cách khác, không phải việc có đòi hỏi là giảm.

“Giá thấp nhiều khi đi ngược lại chủ trương vận động nông dân hạn chế sử dụng phân bón. Do đó, bao giờ một chính sách cũng có hai mặt gồm cả tiêu cực và tích cực nên cần phải cẩn trọng”, ông nhấn mạnh.

Liên quan câu chuyện phân bón, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm và tăng sử dụng phân hữu cơ thay vì là hoá học.

Còn nhớ khi đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội cách đây hơn hai năm, vị tư lệnh ngành nông nghiệp cảnh báo tình trạng lạm dụng phân, thuốc hoá học không đúng nguyên tắc "bốn đúng" gây ảnh hưởng rất lớn đến mối trường, sức khoẻ nông dân và cả chất lượng sản phẩm của ngành nông nghiệp.

Từ vấn đề nêu trên, ông Hoan cho rằng, tăng cường hợp tác đầu tư sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm. Đồng thời, cần nhân rộng các mô hình sử dụng phân bón tiếp kiệm, hiệu quả để hướng đến nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả cao.

Rõ ràng, vấn đề quan trọng của ngành nông nghiệp là cần có chính sách để thúc đẩy nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả để bảo vệ môi trường, chất lượng sản phẩm của ngành nông nghiệp mới là điều quan trọng trong bối cảnh hiện nay...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới