Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Áp thuế tự vệ phân bón DAP bảo vệ ai?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Áp thuế tự vệ phân bón DAP bảo vệ ai?

Ngọc Hùng

(TBKTSG Online) – Sau hơn 4 tháng điều tra, ngày 4-8, Bộ Công Thương đã có Quyết định 3044/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với các sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu. Theo đó, mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 đồng/tấn được áp dụng từ ngày quyết định có hiệu lực 19-8-2017.

Áp thuế tự vệ phân bón DAP bảo vệ ai?
Việc bị áp thuế tự vệ tạm thời, đồng nghĩa với nông dân phải trả giá cao hơn cho mỗi kg phân bón, thu nhập từ trồng trọt sẽ giảm đi.

Cơ sở để Bộ Công Thương đưa ra biện pháp tự vệ tạm thời đối với hai mặt hàng phân bón này là căn cứ vào điều 2.1 của Hiệp định về tự vệ của Tổ chức Thương mại thế giới ( WTO) quy định điều kiện để áp dụng biện pháp tự vệ là khi hàng hóa đó được nhập khẩu vào lãnh thổ của các nước thành viên có sự gia tăng về lượng tuyệt đối hoặc tương đối so với sản xuất trong nước.

Không chờ đến ngày 19-8, chỉ vài ngày sau đó, các công ty đã tăng giá bán phân này từ  9.900 đồng lên 11.800 đồng/kg.

Tính ra giá tăng thêm gần 12%, tức 1.900 đồng/kg, tương đương mức thuế tự vệ tạm thời mà Bộ Công Thương áp dụng cho mặt hàng này. Như vậy, điều dễ thấy là doanh nghiệp nhập khẩu sẽ tăng giá bán đúng bằng thuế nhập khẩu như một động thái điều chỉnh giá bán theo quy luật thị trường – trả thuế cao thì phải bán giá cao.

Nhưng điều đáng nói là vẫn có những doanh nghiệp, đang có một lượng hàng DAP, MAP đã nhập về trước đó đang có trong kho cũng “té nước theo mưa” để tăng giá bán nhằm hưởng lợi. Tức là những lô hàng nhập khẩu trước ngày áp thuế, nông dân cũng phải trả thêm tiền 1.900 đồng/kg. Ngoài ra, một số mặt hàng phân bón khác cũng “rục rịch” tăng giá theo.

Đồng nghĩa với đó là chi phí sản xuất lương thực, hoa màu của người nông dân cũng tăng theo. Nghĩa là việc áp thuế để “bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước” thực chất là một cách để lấy tiền từ túi hàng triệu người nông dân chứ không thể làm giảm lượng phân bón nhập khẩu.

Tại sao lại nói vậy? Cứ nhìn vào lượng phân bón nhập khẩu sẽ thấy, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng đầu năm nay, lượng phân bón nhập khẩu là 3,57 triệu tấn, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước.

Dù là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguồn phân bón mà phải nhập khẩu. Do đó, việc áp thuế, ở khía cạnh nào đó là đúng theo luật nhưng ở góc độ khác, có thể ảnh hưởng xấu đến thu nhập của hàng triệu hộ nông dân.

Theo bạn, áp thuế tự vệ đối với phân bón nhập khẩu liệu có phải là giải pháp khả thi để bảo vệ sản xuất phân bón trong nước?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới