Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

APEC 2014 và “vị thế mới” của Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

APEC 2014 và “vị thế mới” của Trung Quốc

Huỳnh Hoa

APEC 2014 và “vị thế mới” của Trung Quốc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ B. Obama (hàng đầu) xem pháo hoa mừng khai mạc Diễn đàn APEC, tối 10-11-2014 tại Bắc Kinh. Ảnh: GETTY IMAGE

(TBKTSG) – Trong cuộc cạnh tranh quyết liệt nhằm mở rộng ảnh hưởng tại khu vực châu Á, Trung Quốc tận dụng Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra tại Bắc Kinh để xuất hiện với một vị thế mới.

Phát biểu trước hội nghị cấp cao các tổng giám đốc doanh nghiệp (CEO summit) ở Bắc Kinh ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 22, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra nhiều miếng bánh hấp dẫn để chứng minh rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ mang lại cho thế giới nhiều lợi ích.

Những miếng bánh kinh tế hấp dẫn

Theo hãng tin Bloomberg, ông Tập cam kết trong thập niên tới, Trung Quốc sẽ đầu tư ra nước ngoài 1.250 tỉ đô la Mỹ, 500 triệu người Trung Quốc sẽ đi du lịch nước ngoài, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 10.000 tỉ đô la hàng hóa trong năm năm tới và Bắc Kinh sẽ bỏ ra 40 tỉ đô la Mỹ để xây dựng “con đường tơ lụa mới” theo bóng dáng con đường tơ lụa nối châu Á với châu Âu thời cổ đại. “Sự phát triển của Trung Quốc sẽ tạo ra những cơ hội, những lợi ích hết sức lớn lao. Khi sức mạnh tổng thể quốc gia của Trung Quốc tăng lên, Trung Quốc sẽ đồng thời có khả năng và mong muốn cung cấp cho thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhiều hàng hóa công cộng hơn nữa”, ông Tập nói.

Thực ra, với những người theo dõi tình hình kinh tế-chính trị Trung Quốc, những sáng kiến ông Tập vừa đưa ra không mới. Về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc chẳng hạn, theo ông Tập, trong 10 năm tới bình quân Trung Quốc sẽ đầu tư mỗi năm 125 tỉ đô la Mỹ, trong khi hiện thời đã gần đạt con số đó. Theo Financial Times, năm ngoái, Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài 108 tỉ đô la Mỹ, tăng 23% so với năm trước và được coi là mức kỷ lục; chín tháng đầu năm nay lượng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc tăng 22% so với cùng kỳ. Dự báo năm nay đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc sẽ lần đầu tiên vượt qua số vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc một phần nhờ Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế và khuyến khích doanh nghiệp ra nước ngoài đầu tư.

Ý tưởng mở “con đường tơ lụa mới” hay còn gọi là “con đường tơ lụa trên biển” đã được ông Tập nói tới từ năm ngoái, mang dáng dấp của chiến lược “chuỗi ngọc trai” trải dài từ biển Đông tới Địa Trung Hải, bao gồm nhiều hải cảng và căn cứ hải quân của các nước mà Trung Quốc góp vốn đầu tư xây dựng và sử dụng. Giới quan sát nhận ra ý đồ thật sự trong dự án mỹ miều này là mở rộng phạm vi hoạt động của hải quân Trung Quốc, phá thế “xoay trục” về châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ và cạnh tranh trên biển với Ấn Độ. Lần này, ông Tập chỉ cụ thể hóa thêm một bước là đề xuất thành lập một quỹ mang tên “Quỹ Con đường tơ lụa” nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng để hiện thực hóa tham vọng của ông.

Thời cơ vàng của Bắc Kinh

Thế thì tại sao Trung Quốc lựa chọn Diễn đàn APEC để tái khẳng định những ý tưởng này? Vấn đề là thời điểm. Sau ba thập niên phát triển mạnh về kinh tế, cùng với chương trình hiện đại hóa quân đội, Bắc Kinh tin rằng vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế đã thay đổi. Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Tập đã không còn và không cần phải tuân thủ phương châm của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình “thao quang dưỡng hối”, giấu mình chờ thời nữa, mà phải xuất hiện với tư cách một cường quốc khu vực, đẩy ảnh hưởng của Mỹ khỏi châu Á – Thái Bình Dương. “Thời khắc đã đến để Trung Quốc tự khẳng định và đòi hỏi phần còn lại thế giới phải kính nể”, Steve Tsang, nhà nghiên cứu gốc Hoa của Viện Chính sách Trung Quốc, Đại học Nottingham, Anh Quốc, nhận định, theo Bloomberg.

Niềm tin của giới lãnh đạo Trung Quốc càng được củng cố bởi sự “sa lầy” của Mỹ và phương Tây trên trường quốc tế: châu Âu vẫn loay hoay trong cuộc khủng hoảng tài chính, Mỹ thì tứ bề thọ địch, những cuộc xung đột đẫm máu ở Trung Đông, Nam Á, Bắc Phi cho tới Ukraine đang thu hút nguồn lực của Mỹ khiến Washington không thể toàn tâm toàn ý “tái cân bằng” về châu Á như kế hoạch công bố từ năm 2010. Sự thay đổi cơ cấu lãnh đạo nước Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 4-11 vừa qua đẩy Tổng thống Barack Obama vào vị thế tổng thống “vịt què” (lame duck) trong hai năm cuối nhiệm kỳ càng làm cho Bắc Kinh tin rằng, nước Mỹ sẽ không thể có những bước đi quyết liệt ở châu Á có thể gây khó khăn cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã sớm bộc lộ những tham vọng gây nghi ngờ và lo ngại trong khu vực. Những đòi hỏi phi lý cùng thái độ hung hãn của Bắc Kinh về chủ quyền lãnh thổ các quần đảo và vùng biển lân cận trên biển Hoa Đông (với Nhật Bản) và biển Đông (với Việt Nam và các nước ASEAN) trong mấy năm gần đây đã làm cho thế giới thấy rõ bộ mặt thật đằng sau những tuyên bố hào nhoáng về “sự trỗi dậy hòa bình” của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Một cuộc chạy đua vũ trang nhằm đối phó với Trung Quốc đang âm thầm diễn ra tại Đông Á và Đông Nam Á là một thực tế mà Bắc Kinh khó chịu. Ngay cả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một không gian thuần túy kinh tế-thương mại do Mỹ dẫn đầu – cũng được Bắc Kinh coi như một mưu đồ chính trị nhằm cô lập và cản trở sự phát triển của Trung Quốc.

Diễn đàn APEC tại Bắc Kinh là dịp để Trung Quốc trưng ra một bộ mặt thân thiện, hữu hảo với những cam kết kinh tế hấp dẫn nhằm lấy lại cảm tình của các nước chung quanh.

Đặt ra luật chơi?

Với tư cách cường quốc khu vực, Trung Quốc vừa ra sức thu phục các nước chung quanh, vừa phô diễn khả năng sẵn sàng đối đầu với Mỹ và các nước công nghiệp phương Tây trong các vấn đề kinh tế thương mại.

Tận dụng lợi thế là thị trường khổng lồ, Trung Quốc đang chuyển nhanh từ vị thế một nước mới hội nhập, tuân thủ những luật lệ của cộng đồng quốc tế để thu lợi sang vị thế người đặt ra luật lệ để các nước khác phải tuân thủ nếu muốn tiếp tục làm ăn ở nước này. Andrew Polk, nhà kinh tế thường trú tại Bắc Kinh của Trung tâm Trung Quốc về kinh tế và kinh doanh, nhận định: “Bất cứ khi nào họ có cơ hội định hình lại các luật lệ và quy ước kinh tế quốc tế, Bắc Kinh đều không để lỡ và bây giờ họ đang làm điều đó”.

Gần đây, Trung Quốc đã đề xuất thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) quy tụ nhiều quốc gia trong vùng mà Trung Quốc đóng vai trò cổ đông chi phối, để “cạnh tranh” với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) – một định chế tài chính đa phương và lâu đời do Mỹ chi phối.

Ngay tại hội nghị APEC lần này, Trung Quốc hối thúc các nước thành viên thảo luận về dự án nghiên cứu hình thành khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) như là một đối trọng với Hiệp định TPP không có Trung Quốc. Tuy không trực tiếp nhắc tới TPP, ông Tập đã bóng gió nói tới “nhiều kiểu hiệp định tự do thương mại khu vực đang nở rộ, tạo ra những sự lựa chọn khó khăn” khiến cho khu vực này như đứng trước ngã ba đường và ông yêu cầu các quốc gia “phải lựa chọn”.

“Trung Quốc muốn sống hài hòa với tất cả các nước láng giềng”, ông Tập Cận Bình tuyên bố tại Diễn đàn APEC. Nhưng thông điệp của ông có được đón nhận hay không còn tùy thuộc vào hành động của Bắc Kinh chứ không chỉ dựa vào lời nói.

Mời đọc thêm

Các cuộc gặp thượng đỉnh bên lề APEC 2014 và một số thành quả

APEC: Lãnh đạo Nhật – Trung gặp nhau, tìm cách hòa giải

Nga-Trung ký hàng loạt thỏa thuận tại APEC, cạnh tranh TPP-FTAAP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới