Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Argentina và cuộc vỡ nợ mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Argentina và cuộc vỡ nợ mới

Thanh Hương

Argentina và cuộc vỡ nợ mới
Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof trong cuộc họp báo tại New York ngày 30-7. Ảnh: REUTERS

(TBKTSG) - Sau hai ngày đàm phán cuối tháng 7 thất bại, Argentina đã không đạt được thỏa thuận về khoản nợ 1,3 tỉ đô la đáo hạn với các quỹ đầu cơ Mỹ. Standard & Poor’s đã hạ xếp hạng tín nhiệm nợ của đất nước Nam Mỹ này xuống “vỡ nợ một phần”, lần bị tuyên bố vỡ nợ thứ hai trong vòng 13 năm của Argentina. Sự kiện này gây một cuộc tranh cãi trong giới tài chính và học giả quốc tế về các luật định của Mỹ và toàn cầu liên quan đến thị trường mua bán nợ và tái cấu trúc nợ các quốc gia.

Lựa chọn nào cho Argentina?

Cuộc vỡ nợ này là hệ quả của lần vỡ nợ trước vào năm 2001, khi Argentina không thể trả được khoản nợ 81 tỉ đô la. Hầu hết các chủ nợ mua lại các khoản nợ này sau đó đã hoán đổi các trái phiếu qua hai lần tái cấu trúc các khoản nợ năm 2005 và 2010, chấp nhận mất 70% giá trị các khoản nợ. Tuy nhiên, một số trái chủ không đi theo con đường đó, vẫn giữ yêu cầu trả đầy đủ các khoản nợ được mua với giá rẻ mạt sau cuộc vỡ nợ lần trước nhằm kiếm lời lớn bằng con đường kiện tụng lên các tòa án Mỹ. Giới tài chính vẫn gọi đây là các quỹ đầu tư “kền kền”.

Trước thời hạn 30-7, Argentina đã ký quỹ khoản tiền 539 triệu đô la Mỹ tại một tài khoản ngân hàng để trả cho các chủ nợ hoán đổi. Tuy nhiên, thẩm phán tại tòa án ở New York đã cấm ngân hàng này thanh toán cho các chủ nợ hoán đổi nếu Argentina không đồng thời trả cho hai quỹ đầu cơ “kền kền” của Mỹ, dẫn đầu là Elliott Management Corp. của tỉ phú Paul Singer, khoản nợ lãi 1,3 tỉ đô la Mỹ. Argentina phải đứng trước hai lựa chọn: hoặc trả nợ cho các quỹ đầu cơ, hoặc tuyên bố vỡ nợ, và chính phủ nước này đã chọn cách thứ hai.

Có rất nhiều lý do cho chọn lựa này. Toàn bộ khoản nợ với các quỹ đầu cơ này là 15 tỉ đô la và nếu trả khoản này có nghĩa là phải trả hàng trăm tỉ đô la liên đới khác do các trái chủ sẽ đòi hỏi được trả ngang bằng với tỷ lệ các quỹ đầu cơ này được nhận, theo điều khoản RUFO.

Đây cũng là lý do cuộc vỡ nợ này đưa ra những tranh cãi học thuật về các luật lệ, mà các thẩm phán tòa án ở New York đã dựa vào đó để buộc Argentina phải trả nợ đồng đều cho các chủ nợ (bất kể có tham gia chương trình tái cấu trúc hay không).

Chính phủ Argentina đang xem xét tiến hành các bước phản đối điều khoản RUFO và các quỹ đầu cơ “kền kền” Mỹ này lên Tòa án Công lý quốc tế ở Hague và Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Argentina hiện nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà kinh tế, nhiều học giả, những người đã gửi thư yêu cầu quốc hội Mỹ can thiệp. Các nhà bình luận và học giả phân tích nó dưới nhiều góc cạnh, từ việc vai trò của pháp lý toàn cầu trong việc hỗ trợ quá trình tái cấu trúc nợ ra sao, đến việc các quỹ đầu cơ “kền kền” và các tòa án Mỹ dựa trên các luật định đang làm chuyện mỉa mai là thay vì hỗ trợ giải quyết các khoản nợ thì nay chẳng ai nhận được đồng tiền trả nợ nào cả, một tình huống mà “bên nào cũng thua”.

Tờ Washington Post gọi cuộc vỡ nợ lần này của Argentina là “kỳ cục”, bởi không phải vỡ nợ do không có khả năng trả nợ, mà bởi vì “không được trả nợ” (do một phán quyết của tòa án Mỹ). Hiện các khoản tiền để trả nợ mà Argentina ký quỹ tại các ngân hàng đều đã bị đóng băng.

Phía các trái chủ vẫn khá ôn hòa sau sự kiện, cho thấy họ vẫn tự tin là các khoản nợ sẽ được trả thông qua các ngân hàng đang giúp Argentina thu xếp việc trả nợ và lãi suất cho các trái chủ. Các nhà bình luận nhận định hiện tại có thể có hai hướng giải quyết: hoặc Argentina sẽ đàm phán với các chủ nợ “kền kền” hoặc đàm phán với các trái chủ hoán đổi. Trong trường hợp đầu tiên, các chủ nợ có khả năng đi đến một số dàn xếp (có thể bằng cửa sau) và các trái chủ hoán đổi có thể đồng ý không áp dụng điều khoản RUFO, mà một số trái chủ đã đề nghị như vậy rồi. Ở giải pháp thứ hai, các chủ nợ sẽ không nhận được gì cả, và các trái chủ hoán đổi có thể đồng ý một cuộc hoán đổi khác, lần này cho trái phiếu phát hành độc lập tại Argentina, nghĩa là ngoài tầm với của các tòa án Mỹ.

Hiệp hội Giao dịch phái sinh và hoán đổi quốc tế (ISDA) gọi việc Argentina “vỡ nợ một phần” và không thể trả lãi suất đáo hạn cho các trái chủ vừa rồi là một “sự kiện tài chính”. ISDA tuyên bố cho phép các nhà đầu tư hoán đổi các trái phiếu lấy trái phiếu mới để được thanh toán (một dạng bảo hiểm nợ), với giá trị hoán đổi có thể lên đến gần 1,4 tỉ đô la. Quá trình hoán đổi trái phiếu sẽ được thực hiện trong một phiên đấu giá do hai tập đoàn Markit và Creditex điều hành. Theo Depository Trust & Clearing, tính đến ngày 25-6 ISDA sở hữu 2.652 hợp đồng có giá trị 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu chính phủ Argentina (so với khoảng 3 tỉ đô la trái phiếu Chính phủ Hy Lạp đã được tái cấu trúc năm 2012 và 20 tỉ đô la trái phiếu Chính phủ Ý vừa được hoán đổi).

Lịch sử vỡ nợ và khả năng phục hồi

Argentina đã tuyên bố vỡ nợ tám lần trong lịch sử. Vào khoảng 100 năm trước, Argentina được xem là nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu, tuy nhiên, các chính sách kinh tế và điều hành sai lầm, yếu kém và các lần vỡ nợ đã khiến nền kinh tế này tụt dốc. Đến những năm 1990, Argentina tưởng đã tìm ra lối thoát bằng cách “thuê ngoài” các chính sách kinh tế-tài chính và gắn giá trị đồng peso với đồng đô la. Tuy nhiên, nó chỉ làm lạm phát trầm trọng hơn, ngoại hối tràn ngập và các chính sách tiền tệ không có tác dụng. Khi đồng tiền của châu Âu và Brazil mất giá năm 1998, xuất khẩu của Argentina bị ảnh hưởng trầm trọng do đồng peso bị neo giá quá cao.

Tuy nhiên, thay vì bỏ việc neo giá đồng peso với đô la, Argentina lại cắt giảm giá tiền bằng cách giảm lương, khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và thu thuế thấp. Chính sách thắt lưng buộc bụng này càng khiến nền kinh tế trì trệ hơn cho đến khi trở thành hỗn loạn vào cuối năm 2001. Lúc này tỷ lệ thất nghiệp lên đến 20%, dân chúng và cả các ngân hàng cố đổi tiền peso ra đồng đô la, trong khi chính quyền ngăn cản người dân ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng, dẫn đến những cuộc biểu tình và bạo loạn lớn cho đến khi phải tuyên bố vỡ nợ gần 100 tỉ đô la.

Tuy nhiên, tuyên bố vỡ nợ năm 2001 là quyết định “có trách nhiệm” nhất của Chính phủ Argentina cho đến lúc đó. Mặc dù nước này sau đó đã bị cô lập với thị trường tài chính quốc tế, nhưng kinh tế Argentina quả đã có sự tăng trưởng khá tốt trong 12 năm qua, chỉ trừ việc lại rơi vào mức lạm phát hai con số.

Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp của Argentina là 7,1%, tăng lên 1% so với tháng trước, song đây sẽ là một con số khá lạc quan nếu so với tỷ lệ thất nghiệp 20% của năm 2002. Thị trường chứng khoán của nước này cũng tăng dần trong các năm và đã tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 7-2013.

Tuy nhiên, dân số chỉ tăng 8% kể từ năm 2002 trong khi lượng cung tiền đã tăng 1.300% trong cùng kỳ. Điều này cho thấy Argentina đã phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu. Giá vốn vay ngắn hạn đã tăng lên 22,5% từ mức 17,12% của tháng trước. Lạm phát ở Argentina được cho là khoảng 25% trong khi con số chính thức đưa ra là 10,9%.

Theo các nhà phân tích, tác động của đợt vỡ nợ mới này đối với kinh tế toàn cầu sẽ nhỏ hơn nhiều do kể từ đó đến nay, Argentina vẫn không thể tiếp cận thị trường vốn thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng lẫn vỡ nợ này chỉ tạm thời và khả năng phục hồi sẽ mạnh hơn so với lần vỡ nợ trước. Hiện nay, nguy cơ lớn nhất với Argentina là nhu cầu in thêm tiền để bù đắp vào thâm hụt ngân sách, việc sẽ tạo áp lực mới với tỷ giá ngoại tệ, và làm tác động của việc vỡ nợ thêm trầm trọng.

11 quốc gia trên bờ vực phá sản

Argentina không phải là quốc gia duy nhất gặp khó khăn với nợ nần trầm trọng. Dịch vụ hỗ trợ đầu tư của Moody’s vừa liệt kê danh sách 10 nước khác (ngoài Argentina) cũng bị xếp hạng Caa1 hoặc tệ hơn. Mức Caa1 thấp hơn Ba1 nhiều bậc, là mức xếp hạng tín dụng nguy cơ rất cao, có khả năng vỡ nợ. Đó là các nước: Ecuador, Ai Cập, Pakistan, Venezuela, Belize, Cuba, Cyprus, Hy Lạp, Jamaica, và Ukraine.

Tuy nhiên, vấn đề của các nước này không giống nhau. Một số nước như Ukraine và Ai Cập xuống hạng mức tín dụng do các điều kiện chính trị. Các nước như Belize và Ecuador thì vừa mới được nâng hạng các năm gần đây do đã cải thiện được tình hình tài chính. Một số nước khác có tỷ lệ nợ chính phủ so với GDP của năm 2014 rất cao, như Cyprus là 121,5%; Jamaica là 133,7%; và Hy Lạp là 174,7%, cao hơn bất cứ quốc gia nào ngoại trừ Nhật Bản.

Tuy nhiên, không phải cứ có tỷ lệ nợ trên GDP cao là có mức xếp hạng tín dụng thấp. Như Ecuador có mức nợ chính phủ trên GDP là 24,8%, mức đặc biệt thấp. Trong nhiều trường hợp, những nước này đơn giản là không thể tiếp cận được với thị trường trái phiếu quốc tế, ví dụ do các thỏa thuận tái cấu trúc nợ.

Vay từ các quỹ trên thị trường trái phiếu quốc tế có thể là quá đắt cho các nước có mức xếp hạng tín dụng thấp. Các nước phải trả lãi suất cao cho các khoản nợ này do đây là khoản tín dụng rủi ro cao. Ví dụ, một công trái Mỹ 10 năm trả lãi mỗi năm chỉ 2,5%, nhưng một trái phiếu mới được Jamaica phát hành phải trả 7,65% mỗi năm; và trái phiếu chính phủ của Hy Lạp lên đến 29% vào đầu năm 2012, ngay trước khi đất nước này tuyên bố vỡ nợ.

Thực tế, lạm phát là lý do lớn nhất trong nhiều trường hợp các nước bị xếp hạng tín dụng thấp. Ví dụ Venezuela với lạm phát khoảng 50% trong năm 2014, theo IMF. Mức lạm phát ở Argentina được cho là cao hơn nhiều mức tính toán từ các con số thống kê do quốc gia này cung cấp.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới