Thứ bảy, 9/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

ASEAN bàn việc dùng đồng tiền nội khối

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ASEAN bàn việc dùng đồng tiền nội khối

Hồng Phúc

(TBKTSG Online) - Sáng kiến về thúc đẩy việc sử dụng các đồng tiền trong khu vực trong thanh toán thương mại nội khối ASEAN là một nội dung được các đại biểu bàn thảo tại Hội nghị Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN lần thứ 6 (ACGM 6), thông tin từ Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngoại giao cho biết.

Sáng kiến này tập trung vào việc nghiên cứu khả năng thúc đẩy sử dụng các đồng tiền trong khu vực trong thanh toán thương mại nội khối ASEAN cũng như khả năng thành lập một hệ thống thanh toán bù trừ nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực.

Hiện nay, các nước vẫn đang tập trung thảo luận về các mô hình thanh toán thương mại sử dụng các đồng tiền nội khối khả thi hiện đang được áp dụng tại một số quốc gia, khu vực trên thế giới. Theo đánh giá của các thống đốc ngân hàng trung ương khối ASEAN, việc sử dụng các đồng tiền nội khối trong thanh toán thương mại sẽ mang lại nhiều lợi ích như thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư, giảm rủi ro gắn liền với sự biến động của các đồng tiền thanh toán phổ biến, giảm chi phí giao dịch, thúc đẩy sự phát triển của các thị trường tài chính khu vực, khuyến khích đầu tư dự trữ vào thị trường tài chính khu vực...

Tuy nhiên, việc sử dụng các đồng tiền trong khu vực cũng như áp dụng một trong các mô hình thanh toán nêu trên đòi hỏi sự cân nhắc, xem xét nhiều yếu tố như điều kiện kinh tế vĩ mô, hạ tầng thanh toán, khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối, tính chuyển đổi của đồng tiền...

Trong thời gian tới, các nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, trao đổi về nội dung hợp tác này.

Tại Hội nghị lần này, các Thống đốc đã thông qua đề xuất thành lập Nhóm công tác về Hệ thống thanh toán khu vực với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy quá trình hài hoà hoá các chuẩn mực và hệ thống thanh toán trong khu vực, qua đó góp phần thúc đẩy và tạo thuận lợi cho các luồng chu chuyển vốn và thanh toán giữa các quốc gia trong khu vực.

Bên cạnh tiến trình hợp tác tiền tệ tài chính tiền tệ nội khối, các nước ASEAN còn thiết lập một cơ chế hợp tác tài chính tiền tệ với 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc với nhiều nội dung hiệu quả thiết thực trong đó nổi bật nhất là đa phương hoá sáng kiến Chiềng Mai (CMIM). Trong thời gian vừa qua, nội dung hợp tác này đã đạt được những tiến bộ nổi bật với việc các nước thành viên ASEAN + 3 bao gồm cả Hồng Kông đã ký kết Thoả thuận CMIM vào tháng 12-2009 với trị giá thoả thuận là 120 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, các nước +3 bao gồm cả Hồng Kông cam kết đóng góp 96 tỷ USD, các nước ASEAN đóng góp 24 tỷ. Thoả thuận này đã có hiệu lực vào 24-3-2010.

Thoả thuận này là một thể thức hỗ trợ thanh khoản bằng đô la Mỹ của khu vực ASEAN+ 3 thông qua các giao dịch hoán đổi tiền tệ giữa các NHTW để các thành viên giải quyết khó khăn khẩn cấp về thanh khoản ngoại tệ, hỗ trợ cán cân thanh toán.

Việc đưa vào vận hành Thoả thuận CMIM đã mang ý nghĩa kinh tế và thể hiện quyết tâm của các nhà lãnh đạo ASEAN + 3 trong việc tăng cường hơn nữa năng lực của khu vực để đối phó với những suy giảm và thách thức của kinh tế toàn cầu. CMIM được xem là hành động kịp thời và hiệu quả của ASEAN + 3 trong các nỗ lực giải quyết tác động của khủng hoảng toàn cầu, góp phần tăng cường lòng tin của các nhà đầu tư trên thị trường.

Tham dự Hội nghị có Thống đốc và đại diện của 10 NHTW các nước hội viên ASEAN.

Tại Hội nghị, các Thống đốc và các đại biểu cũng đã thảo luận những nội dung chủ chốt của các sáng kiến hợp tác tài chính tiền tệ trong ASEAN, bao gồm Lộ trình Hội nhập tài chính tiền tệ ASEAN, Hợp tác tài chính ngân hàng trong ASEAN +3 và hợp tác giữa các NHTW ASEAN trong nỗ lực nâng cao việc sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán thương mại khu vực ASEAN.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới