Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

ASEAN cần đầu tư gấp 3 lần cho năng lượng tái tạo

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các nước ASEAN cần tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo gấp 3 lần so với kế hoạch đã đặt ra, lên mức 7.300 tỉ đô la Mỹ để đáp ứng các mục tiêu chống biến đổi khí hậu vào năm 2050, theo Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (Irena).

Trong khuôn khổ hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 40 được tổ chức trực tuyến hôm 15-9, Irena đã công bố ấn bản thứ hai của báo cáo Triển vọng năng lượng tạo tạo cho ASEAN: Hướng tới chuyển đổi năng lượng khu vực.

Theo báo cáo, ASEAN cần phân bổ 200-245 tỉ đô la đầu tư mỗi năm vào năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học, hiệu quả năng lượng cũng như các công nghệ và cơ sở hạ tầng liên quan trong giai đoạn từ nay đến năm 2050. Báo cáo cho rằng sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư trong khu vực nhờ mục tiêu tăng gấp đôi công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Báo cáo ước tính trong ngắn hạn, đến năm 2030, công suất lắp đặt điện mặt trời trên toàn khu vực ASEAN cần đạt 240 gigawatt (GW), đòi hỏi mức đầu tư 150 tỉ đô la trong thập niên này.

Đồng thời trong cùng kỳ, ASEAN cần gần 200 tỉ đô la để đầu tư vào lưới điện và triển khai 13 triệu ô tô điện cùng 3,7 triệu trạm sạc. Đến năm 2050, ASEAN cần triển khai 100 triệu ô tô điện và 300 triệu xe điện 2 bánh và 3 bánh.

Tăng đầu tư cho năng lượng tái tạo là điều cần thiết để hỗ trợ cho xe điện và trạm sạc cũng như thúc đẩy nguồn cung nhiên liệu sinh học và hiệu quả năng lượng.

Trang trại điện mặt trời nổi trên hồ chứa Tengeh ở Singapore. Ảnh: Mothership.sg

Nuki Agya Utama, Giám đốc điều hành Trung tâm Năng lượng ASEAN, cho biết việc tăng tốc chuyển đổi năng lượng là rất quan trọng để đáp ứng các mục tiêu khí hậu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của khu vực.

“Được dẫn dắt bởi Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng giai đoạn đoạn II, ASEAN cam kết đạt được 23% tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp vào năm 2025”, Nuki nói và cho biết thêm rằng kế hoạch hành động chi tiết của khu vực bao gồm nỗ lực tối ưu hóa công nghệ than sạch.

Hiện nay, nhiên liệu hóa thạch chiếm hơn 85% nguồn cung cấp năng lượng chính của Đông Nam Á. Báo cáo của Irena nhấn mạnh Đông Nam Á phải hành động ngay bây giờ để đảo ngược sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, trong đó phần lớn đến từ các nguồn cung bên ngoài khu vực, do đó làm tăng khả năng tiếp xúc với hàng hóa toàn cầu vốn dễ biến động và ngày càng đắt đỏ. Và ASEAN cần hướng đến các con đường chuyển đổi năng lượng bằng cách sử dụng các nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo dồi dào, chi phí rẻ có sẵn trong khu vực.

Theo Francesco La Camera, Tổng giám đốc Irena, việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than cùng với phát triển năng lượng tái tạo và kết nối lưới điện khu vực là bước đi không thể thiếu để đáp ứng mục tiêu đưa phát thải carbon về mức zero ròng.

Cho đến nay, một nửa số thành viên ASEAN đã ký kết với các tuyên bố quốc tế nhằm chấm dứt sử dụng than để sản xuất điện. Chẳng hạn, Brunei, Indonesia, Philippines, Singapore và Việt Nam đã ký kết Tuyên bố về chuyển đổi than toàn cầu sang năng lượng sạch tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26.

Từ năm 2015 đến năm 2021, tổng công suất lắp đặt từ năng lượng tái tạo của ASEAN đã tăng từ 55 GW lên 97 GW. Đến cuối năm 2021, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia dẫn đầu cuộc đua trong khu vực với tổng công suất năng lượng tái tạo đã lắp đặt lần lượt là 43 GW, 12 GW và 11 GW.

Các khoản đầu tư trong những năm gần đây cho thấy những tiến bộ khác nhau trong các mục tiêu đầy tham vọng của ASEAN vào năm 2025 với năng lượng tái tạo chiếm 23% tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp và 35% tổng công suất điện lắp đặt.

Trong năm 2021, tỷ trọng năng lượng tái tạo ở mức 14,3% tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp (dạng năng lượng thô, chưa chuyển sang các hình thức năng lượng khách như điện, xăng dầu) của ASEAN, không thay đổi nhiều so với 5 năm năm trước đó.

Tuy nhiên, trong năm 2020, khu vực này chứng kiến công suất điện tái tạo tăng lên mức 33,5% tổng công suất điện lắp đặt, một mức tăng đáng kể so với những năm trước, một phần do nhờ sự mở rộng nhanh chóng của điện mặt trời.

Báo cáo của Irena cho rằng để thực hiện các mục tiêu về khí hậu, cần có những nỗ lực trên toàn bộ hệ thống năng lượng của ASEAN. Ví dụ, với sản lượng điện tăng gấp 5 lần vào năm 2050, năng lượng tái tạo cần phải cung cấp từ 90 đến 100% tổng nguồn cung điện ở ASEAN vào năm 2050, tăng từ 26% vào năm 2019.

Theo Business Times, Irena.org

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới