Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ASEAN đồng thuận về ứng phó khủng hoảng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ASEAN đồng thuận về ứng phó khủng hoảng

Các quốc gia ASEAN đã tìm được tiếng nói chung trong việc hợp tác đối phó khủng hoảng kinh tế – Ảnh: TTXVN

(TBKTSG Online) – Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 14 đã kết thúc hôm nay (1-3) tại Thái Lan với việc ra Tuyên bố Cha Am-Hua Hin về lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

>> Khó khăn kinh tế bao trùm hội nghị ASEAN

Hội nghị cũng thông qua nhiều biện pháp nhằm tăng cường hợp tác, đặc biệt trong ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu đang tác động tiêu cực tới khu vực và thống nhất đưa Hiến chương ASEAN đi vào cuộc sống và nỗ lực cho việc xây dựng một cộng đồng chung tại khu vực Đông Nam Á này.

Hợp tác ứng phó với khủng hoảng

Các thành viên ASEAN đã đạt được tiếng nói chung về việc tăng cường hợp tác, phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, đi đôi với áp dụng giải pháp kích thích kinh tế thông qua công cụ ngân sách, nới lỏng tín dụng tiền tệ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các thành viên tham dự hội nghị đã tìm ra giải pháp ngăn chặn nguy cơ trở lại của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ở những thị trường chính cho hàng xuất khẩu của khối ASEAN là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Mối lo sợ hàng đầu của các nước ASEAN – những nền kinh tế hướng đến xuất khẩu – là chủ nghĩa bảo hộ sẽ làm cho kinh tế của hầu hết các nước thành viên tăng trưởng chậm, xuất khẩu sụt giảm, công ăn việc làm thu hẹp.

Bên cạnh đó, các thành viên ASEAN cũng thúc giục các nước lớn trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sớm hoàn tất vòng đàm phán Doha, tuyên bố kêu gọi các quốc gia không nên đưa ra rào cản thương mại mới, nhất là các biện pháp bảo hộ phi mậu dịch.

Hội nghị đồng ý sớm đưa cơ chế đa phương hóa sáng kiến Chiang Mai với quy mô vốn 120 tỉ đô la Mỹ vào thực hiện; đồng thời kêu gọi các nước phát triển phối hợp chặt chẽ hơn với các nước đang phát triển nhằm khôi phục và bảo đảm hoạt động của thị trường tài chính. Bên cạnh đó, các quốc gia ASEAN cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng tìm biện pháp cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu, trong đó chú trọng hơn tới vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển.

Hội nghị đánh giá cao nỗ lực đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống, nhất là việc lập và đưa một số cơ chế mới của ASEAN vào hoạt động như Ủy ban đại diện thường trực của các nước ASEAN tại Jakarta (Indonesia), các Hội đồng ASEAN ở cấp bộ trưởng…, điều chỉnh lịch hoạt động của ASEAN phù hợp quy định của hiến chương.

Xây dựng cộng đồng ASEAN

Hội nghị khẳng định quyết tâm tăng cường liên kết giữa các thành viên trên tất cả các lĩnh vực, hướng mạnh tới xây dựng và hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015 dựa trên 3 trụ cột là chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội; đồng thời cam kết thúc đẩy việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

Các lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Cha Am-Hua Hin về lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với các kế hoạch tổng thể cho từng trụ cột. Trong khuôn khổ hội nghị bắt đầu từ 27-2, nhiều văn kiện khác cũng đã được ký kết và thông qua như Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định An ninh dầu khí ASEAN, Tuyên bố chung về thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ của ASEAN, Tuyên bố ASEAN về an ninh lương thực, Hiệp định thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Australia- New Zealand…

Lập kho dự trữ gạo để đảm bảo an ninh lương thực 

Hội nghị Cấp cao ASEAN 14 cũng đã chấp thuận đề xuất  thành lập các kho dự trữ gạo chung của khối, một sáng kiến của chính phủ Thái Lan. Với mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực và tránh khủng hoảng cho 550 triệu dân của 10 quốc gia Đông Nam Á, “Quỹ gạo và kho dự trữ gạo” giúp ngăn chặn sự thiếu hụt gạo, đảm bảo giá gạo không tăng đột biến nhất là khi kinh tế toàn cầu khó khăn.

Các nước thành viên sẽ cung cấp, góp vốn cho kho dự trữ gạo và khi bất kỳ nước nào trong khối bị thiếu gạo đều có thể tiếp cận với kho dự trữ này. Thái Lan sẽ góp 3 triệu tấn gạo hàng năm cho Quỹ dự trữ gạo. Ngoài ra, ASEAN sẽ thành trung tâm nghiên cứu và phát triển nguyên liệu sinh học (bio-fuel).

Tuyên bố kết thúc hội nghị cho biết phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (East Asian Summit) sẽ diễn ra tại Bangkok trong ba ngày, từ 10 đến 12-4.

MỸ HẠNH (Tổng hợp)

Việt Nam đề cao sự đoàn kết ASEAN

Dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 14, trong các phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đã đánh giá ý nghĩa của Hiến chương ASEAN, nhấn mạnh đoàn kết là một trong những yếu tố then chốt giúp khu vực bảo đảm liên kết nội khối thành công.

Để đối phó hiệu quả khủng hoảng tài chính toàn cầu, Thủ tướng Dũng nhấn mạnh cần phải có những biện pháp mạnh và đồng bộ ở cấp độ từng nước cũng như khu vực và quốc tế. Theo đó, một mặt, từng nước ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh củng cố thiết chế tài chính-ngân hàng của mình, tăng cường tính an toàn của hệ thống tài chính, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; mặt khác, ASEAN cần tăng cường phối hợp chính sách tài chính – tiền tệ trong nội bộ ASEAN và với các nước có nền kinh tế quy mô lớn, vững mạnh và dự trữ ngoại tệ dồi dào trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo Website Chính phủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới