ASEAN: Khó tìm tiếng nói chung về lao động nhập cư
Thái Hà
![]() |
Một công nhân người Myanmar làm việc trong một gara ô-tô ở ngoại ô Bangkok. Ảnh: Nikkei Asian Review |
(TBKTSG Online) – Sau một thập kỷ thương lượng, tháng 11-2017, các nước trong khu vực ASEAN đã ký Đồng thuận ASEAN về bảo vệ quyền của người lao động nhập cư. Tuy nhiên, đồng thuận này không mang tính áp đặt, trói buộc các nước mà để mỗi nước tự kiểm tra, xử lý hoặc thương lượng với nhau, vì thế, có ý kiến cho rằng, là mang nặng hình thức, còn bản chất của sự việc vẫn chưa có lối ra.
Giọt nước tràn ly
Một phiên tòa mở ra ở Bangkok (Thái Lan) xét xử vụ các công nhân nhập cư kiện ông chủ có bước ngoặt khá bất ngờ. 14 công nhân từ Myanmar đầu tiên kiện Thammasaket, một trang trại nuôi gà Thái Lan vì vi phạm nhân quyền, trả lương dưới mức tối thiểu và bắt công nhân làm việc quá thời gian mà không trả thêm tiền công. Tòa án xử công ty nuôi gà thịt bồi thường 1,7 triệu baht (54.000 đô la Mỹ) cho các công nhân.
Nhưng Thammasaket từ chối chi trả. “Đó là sự vu khống”, luật sư công ty bào chữa trước tòa ngày 7-2. Những người bán hàng ăn gần trại gà được gọi đến làm chứng. “Chúng tôi thấy các công nhân Myanmar thường xuyên ra chợ, nhìn họ rất vui vẻ”, một người làm chứng nói, ủng hộ luận cứ rằng các công nhân được đủ thời gian nghỉ ngơi của công ty.
Vụ kiện vẫn chưa đến hồi kết nhưng nó khuấy lên các cuộc tranh luận về điều kiện làm việc của hàng triệu công nhân nhập cư tại khu vực Đông Nam Á. Thường họ bị đối xử tồi tệ, có khi dẫn đến chết người.
Ở Malaysia, nơi có 400.000 người làm công việc giúp việc nhà cho các gia đình, một phụ nữ Indonesia tên Adelina Sao chết trong bệnh viện thành phố Penang ngày 11-2. Cô được đưa vào bệnh viện ở trong trạng thái đầu bị tổn thương, các vết thương ở chân tay bị nhiễm trùng. Hàng xóm của gia đình thuê cô tố cáo cô bị nhà chủ buộc ngủ ngoài hiên nhà với chó.
Phản ứng với vụ này, phía Indonesia đe dọa cấm các công dân mình sang làm “osin” ở Malaysia. “Tạm dừng kiểu xuất khẩu lao động kiểu này là quan trọng để chúng tôi có thể xây dựng lại hệ thống lao động của mình hòng ngăn chặn các vụ việc đau lòng như của Adelina xảy ra”, Đại sứ Indonesia ở Malaysia, ông Rusdi Kirana nói.
Phó thủ tướng Malaysia, ông Ahmad Zahid Hamidi cho rằng cái chết của cô Adelina là một vụ cá biệt, và hy vọng Indonesia sẽ không ban bố lệnh cấm. Tuy nhiên, đó không phải là vụ cá biệt. Năm 2014, một cặp vợ chồng Malaysia bị xử tử hình do họ bỏ một cô giúp việc đói đến chết.
Tiến thoái lưỡng nan
Thái Lan bị các tổ chức nhân đạo cáo buộc cưỡng bức lao động và buôn người, đặc biệt là trong lĩnh vực ngư nghiệp. Đối mặt với sự phản đối, chính phủ Thái Lan thắt chặt kiểm soát với những người lao động nhập cư không có giấy tờ hợp pháp. Tháng 6-2017, họ ra luật đòi tất cả lao động nhập cư phải có giấy hợp pháp, những người làm lậu bị xử hình sự.
Sau khi chính phủ Thái Lan ra luật mới về vấn đề lao động nhập cư, một phụ nữ 24 tuổi người Campuchia đã về nước, xin việc trong một nhà máy Nhật Bản mới thành lập ở Poipet, thành phố gần biên giới Thái Lan.
“Ở Campuchia, tôi được sống gần họ hàng, bạn bè, lương có thấp hơn nhưng mức chi tiêu cũng thấp hơn, đỡ mệt mỏi đầu óc vì bị chính quyền Thái Lan truy đuổi”, cô nói.
Quay lại câu chuyện cấm hay không cấm lao động nhập cư giữa hai quốc gia láng giềng Indonesia và Malaysia nói trên, theo một số chuyên gia, trong trường hợp "cấm lao động nhập cư" có thể dẫn đến việc làm chui và buôn người.
“Tôi không nghĩ một lệnh tạm dừng xuất khẩu lao động sẽ giải quyết được vấn đề, có khi nó còn khiến mọi chuyện trở nên tệ hơn”, nhận xét của ông Daniel Awigra, làm việc cho Human Rights Working Group, một tổ chức phi chính phủ ở Jakarta (Indonesia).
Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã cố gắng cùng giải quyết vấn đề lao động nhập cư. Sau một thập kỷ thương lượng, tháng 11-2017, các nước đã ký Đồng thuận ASEAN về bảo vệ quyền của người lao động nhập cư.
Tuy nhiên, đồng thuận này không mang tính áp đặt, trói buộc các nước mà để mỗi nước tự kiểm tra, xử lý hoặc thương lượng song phương với nhau về vấn đề lao động nhập cư. Tức là đồng thuận mang nặng tính hình thức, “hô khẩu hiệu”.
Vẫn cần có nhau
Gần 7 triệu người Đông Nam Á ra nước ngoài lao động ở các nước trong khu vực này, theo Tổ chức lao động Indonesia. Người phần lớn từ Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines, trong khi công việc là ở Singapore, Thái Lan, Malaysia. Họ trở nên không thể thiếu với chính nước của họ, cũng như nước họ đến làm việc, vì mức độ kinh tế của mỗi nước khác nhau.
Malaysia có GDP trên đầu người khoảng 10.000 đô la Mỹ thu hút lao động từ Indonesia, nơi GDP trên đầu người là 3.600 đô la. Singapore nằm trong tốp 10 thế giới GDP theo đầu người thu hút lao động không chỉ từ các nước nghèo, mà còn từ Malaysia.
Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 1/3 lực lượng lao động ở Singapore là nhập cư mà trong đó tập trung nhiều ở lĩnh vực xây dựng. Họ làm các công việc mà “người Singapore không làm vì bận, nguy hiểm, được trả công thấp”, theo nhận xét của ông John Gee từ Transient Workers Count Too, một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các công nhân nhập cư ở Singapore.
Tuy nhiên, nếu những xung đột giữa làm động nhập cư và giới chủ vẫn không được giải quyết mà có phần trầm trọng hơn thì nhiều khả năng các nước sẽ có những đạo luật nhằm thắt chặt người lao động nhập cư để bảo vệ “hình ảnh quốc gia”.
Như vậy, có thể thấy, vấn đề lao động nhập cư đã đặt các nước trong hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào thế lưỡng nan vì nếu thắt chặt, những nước có nền kinh tế phát triển trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia – vốn đang cần lao động nhập cư để làm những công việc mà người dân nước họ “chê vì lương thấp” sẽ thiếu hụt lao động.
Ngược lại, những nước xuất khẩu lao động vốn đang cần kiều hối để phát triển kinh tế lại thiếu nguồn vốn. Bằng chứng như trường hợp của Philippines, quốc gia này có 2,2 triệu người ra nước ngoài làm việc, năm 2017 chuyển về nước số tiền 28,1 tỉ đô la, bằng với 10% GDP của nước này.
Mời xem thêm
Người nhập cư và những cuộc đi – về