ASEM bàn chuyện hợp tác bảo vệ nguồn nước
Huỳnh Kim
Thanh niên Cần Thơ dự mít-tinh hưởng ứng “Ngày nước Thế giới 2013”. - Ảnh: Duy Khương |
(TBKTSG Online) - Phát biểu khai mạc hội thảo “ASEM quản lý nước và lưu vực sông – cách tiếp cận tăng trưởng xanh” tại Cần Thơ sáng nay 21-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việc bảo vệ tài nguyên nước chỉ có thể bền vững nếu chúng ta có cách tiếp cận dài hạn, toàn diện và đa ngành, đặt trong chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của từng quốc gia”.
Ông Dũng đề nghị: “ASEM cần tích cực hơn, chủ động hơn trong việc hỗ trợ và kết nối các chương trình tiểu vùng, khu vực mà các thành viên đang triển khai, nhất là trong các dự án hợp tác Mekong” và khẳng định: “Việc bảo vệ và quản lý nguồn nước nằm trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam”.
Bày tỏ quan điểm về hợp tác ở lưu vực sông Mekong trước 51 chuyên gia thành viên Diễn đàn ASEM cùng đại diện của Liên hiệp quốc và nhiều tổ chức quốc tế dự hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Chỉ trong một thập kỷ vừa qua, Mekong đã trở thành một trong 5 lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất, tác động trực tiếp đến vựa lúc lớn nhất của Việt Nam” và cam kết: “Chúng tôi cùng các nước ven sông tăng cường hỗ trợ lẫn nhau, đề xuất và triển khai các chương trình hợp tác trong các khuôn khổ Ủy hội sông Mekong quốc tế, Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng, Chiến lược hợp tác kinh tế ACMECS, hợp tác Mekong với các đối tác như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn kỳ vọng: “Hội thảo này sẽ giúp các nước ASEM cấp thiết nỗ lực chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng bền vững”. Ông mong muốn, vấn đề bảo vệ nguồn nước và lưu vực sông phải được nghiên cứu, đánh giá trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững về bảo vệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, tiếp cận nguồn nước sạch…
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, thế giới đang có 148 lưu vực sông quốc tế, 273 tầng chứa nước ngầm xuyên biên giới với trên 3.600 thỏa thuận quốc tế liên quan đến nguồn nước xuyên biên giới. Hiện đang có 150 quốc gia cùng chia sẻ và sử dụng chung các nguồn nước. Theo dự báo đến năm 2025, có 1,8 tỉ người dân sống tại khu vực “hoàn toàn khan hiếm nước” và 2/3 dân số toàn cầu sẽ sống trong khó khăn về nguồn cung cấp nước.
Giáo sư Brahma Chellaney, Trung tâm nghiên cứu độc lập về chính sách của Ấn Độ, cho rằng khác với châu Á, “châu Âu dẫn đầu trong việc phát triển công nghệ nước sạch, nắm giữ chìa khóa cho một tương lai an toàn hơn cho thế giới”. Ông cho hay, 53/57 lưu vực sông xuyên biên giới ở châu Á không có cơ chế hợp tác như ở châu Âu. Ông đặt câu hỏi: “Làm sao để các quốc gia châu Á có thể ngăn chặn các cuộc tranh giành quyết liệt về nguồn nước?” rồi trả lời: “Các quốc gia châu Á phải đầu tư nhiều hơn việc thể chế hóa hợp tác về tài nguyên lưu vực sông xuyên biên giới”.
Về việc xây đập, Giáo sư Brahma Chelleney cho rằng châu Á là châu lục có nhiều đập nhất thế giới. Ông nói: “Chỉ một nước Trung Quốc, tính sơ đã chiếm hơn một nửa trong số 50.000 đập lớn trên hành tinh này và nó chỉ làm tồi tệ thêm những thách thức về nước”. Ông cũng kêu gọi tiết kiệm nước, nhất là trong nông nghiệp. “Các biện pháp sử dụng hiệu quả nước cho nông nghiệp là phải tăng năng suất trên từng giọt nước”, ông nhấn mạnh.
Hội thảo còn làm việc tiếp trong ngày mai, 22-3, gồm các chuyên đề: “Tài nguyên nước và phát triển bền vững”, “Nước – lương thực – năng lượng: hướng tới sự cân bằng”, “Nước và cuộc sống của người dân”, “Nâng cao hiệu quả hợp tác Á- Âu trong quản lý bền vững nguồn nước” với nhiều tham luận của các đại biểu Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, Rumani, Hungary, Hàn Quốc, FAO, Ý, Lào, Indonesia, Trung Quốc, Hà Lan, Thái Lan, Ấn Độ…
Báo giới chỉ được dự họp phiên khai mạc hội thảo này theo yêu cầu của đại diện ban tổ chức – Bộ Ngoại giao.