Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ASEM: bảo vệ nguồn nước theo hướng tăng trưởng xanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ASEM: bảo vệ nguồn nước theo hướng tăng trưởng xanh

Huỳnh Kim

(TBKSG Online) – Kết thúc hai ngày Hội thảo “ASEM về quản lý nước và lưu vực sông – cách tiếp cận tăng trưởng xanh” tại Cần Thơ vào chiều nay, 22-3, hơn 150 đại biểu từ nhiều nước, tổ chức quốc tế và chuyên gia Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) đã nhất trí với chiến lược hợp tác bảo vệ nguồn tài nguyên nước theo hướng tăng trưởng xanh.

ASEM: bảo vệ nguồn nước theo hướng tăng trưởng xanh
Giở chà kiếm cá trên sông Cần Thơ – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Tiếp theo những chủ đề thảo luận trong ngày 21-3 về quản lý nước, tác động đan xen giữa vấn đề nước, lương thực và năng lượng đối với việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chiến lược phát triển bền vững, hội thảo trao đổi về quản lý nước để bảo đảm đời sống người dân, quản lý các lưu vực sông, các nguồn nước xuyên biên giới và biện pháp thúc đẩy hợp tác Á – Âu trong bảo vệ nguồn tài nguyên nước.

Các đại biểu nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về các thách thức liên quan đến nguồn nước là cấp bách và mang tính toàn cầu. Hội thảo cho rằng biến đổi khí hậu cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh đang gây suy thoái nguồn nước và làm giảm chất lượng cuộc sống của từng người dân.  

Hội thảo cho rằng mối quan hệ giữa nước – lương thực – năng lượng sẽ là xu hướng toàn cầu và những thách thức về nguồn nước xuyên biên giới đang đòi hỏi hợp tác ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Là nơi có nhiều dòng sông lớn nhất thế giới chảy qua, châu Á và châu Âu phải đi đầu trong các nỗ lực toàn cầu hướng tới quản lý bền vững tài nguyên nước.

Các đại biểu đã đề xuất giải pháp hỗ trợ các thành viên trong quá trình chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững và tăng cường hơn hợp tác Á – Âu như đẩy mạnh hợp tác bảo vệ nguồn tài nguyên nước, quản lý bền vững các lưu vực sông gắn với tăng trưởng xanh; cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực; thay đổi cách làm để thúc đẩy phát triển và giảm nghèo; làm mạnh hơn về cơ sở hạ tầng, thể chế và thông tin để thích nghi với biến đổi khí hậu; sử dụng công nghệ xanh cho quản lý và sử dụng nước; tăng hợp tác công – tư…

Các nước và các tổ chức quốc tế cũng nhất trí tăng cường hợp tác quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức về quản lý nguồn nước sông Mekong, nhất là với các nước ở hạ nguồn như Việt Nam, vì sông Mekong là một trong 5 lưu vực sông lớn trên thế giới đang có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất trong một thập kỷ qua.

Kết quả của hội thảo này sẽ phục vụ cho Hội nghị thượng đỉnh Nước châu Á – Thái Bình Dương lần thứ hai tại Chiềng Mai (Thái Lan) vào tháng 5-2013 và Hội nghị thượng đỉnh Nước thế giới tại Hungary vào tháng 10-2013.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới