(KTSG Online) - Tập đoàn AstraZeneca (trụ sở chính tại Anh, một công ty dược phẩm sinh học toàn cầu) vừa công bố khoản đầu tư khoảng 50 triệu đô la Mỹ (khoảng 1.200 tỉ đồng) để trồng rừng ở Việt Nam. Theo đó, dự kiến 5 năm tới, có khoảng 22,5 triệu cây xanh được trồng, góp phần phục hồi rừng và phát triển cảnh quan.
- Dự án cải tạo cảnh quan hai bờ sông Hương sắp hoàn thành
- ‘Lấy’ đất rừng ở Long An làm điện mặt trời phải trồng rừng mới thay thế
Thông tin từ TTXVN, việc đầu tư để trồng rừng ở Việt Nam nằm trong khuôn khổ chương trình toàn cầu AZ Forest. Mới đây, tập đoàn AstraZeneca (Anh) đầu tư khoảng 50 triệu đô la Mỹ (khoảng 1.200 tỉ đồng) để phục hồi rừng và phát triển cảnh quan ở Việt Nam.
Dự kiến trong 5 năm tới, mục tiêu hướng đến là có khoảng 22,5 triệu cây xanh được trồng, tạo điều kiện cho sự đa dạng sinh học và bổ sung nguồn sinh kế bền vững cho hơn 17.000 hộ nông dân.
Trong đó, khoản đầu tư này sẽ được sử dụng cho nông lâm kết hợp gồm sản xuất gỗ, trái và hạt, tinh dầu và nhựa cây một cách bền vững; tăng năng suất nông nghiệp bằng việc xen canh và phát triển chuỗi giá trị thị trường bền vững.
Cũng theo TTXVN, trong buổi lễ công bố mức đầu tư của tập đoàn AstraZeneca diễn ra hôm 5-5, đại diện Bộ Ngoại giao của Việt Nam chia sẻ, hoạt động này sẽ góp phần trong việc hỗ trợ cam kết về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chương trình toàn cầu AZ Forest cũng sẽ đóng góp vào đề án đến năm 2025 là trồng 1 tỉ cây xanh trong khuôn khổ Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều lợi ích mang lại từ việc trồng rừng như tạo sự đa dạng sinh học trên quy mô lớn, cải thiện thực phẩm và dinh dưỡng cho cộng đồng, bảo tồn đất và nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, cô lập khí carbon.
Công bố đầu tư này tiếp nối khoản đầu tư 310 triệu đô la Mỹ của AstraZeneca vào Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030 nhằm giảm gánh nặng bệnh tật, phát triển hệ thống y tế, nâng cao năng lực sản xuất và nghiên cứu dược phẩm sinh học trong nước.
Những chương trình nổi bật của AstraZeneca Việt Nam
Theo baochinhphu.vn, thời gian qua, AstraZeneca đã phối hợp với Bộ Y tế và các đối tác trong ngành để thực hiện nhiều chương trình hướng đến việc phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh tật. Chẳng hạn như chương trình "Vì lá phổi khỏe" được triển khai nhằm nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú cho bệnh hen, COPD và ung thư phổi; chương trình "Sức khỏe Thanh thiếu niên" nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các hành vi nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm ở thanh thiếu niên và chương trình CaReMe để nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân trong nhóm tim mạch - thận - chuyển hóa.
Đây là một khoản đầu tư đầy ý nghĩa của Astra Zeneca. Mong bộ Nông nghiệp nghiên cứu và đầu tư để phục hồi nhiều hơn những khu rừng tự nhiên nghèo; chuyển đổi nhiều hơn các khu rừng trồng sang rừng trồng có chức năng phục hồi; kéo dài chu kỳ trồng rừng; tăng cường nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ tính đa dạng sinh học.