Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ba câu hỏi cần làm rõ từ việc thu phí dữ liệu công dân

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo Thông tư số 48/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính thì từ ngày 17-9 tới đây, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thể được cung cấp với hình thức thu phí nếu được cơ quan có thẩm quyền đồng ý. Tuy nhiên, người dân vẫn còn không ít câu hỏi liên quan đến việc cung cấp thông tin này cần được làm rõ.

Do bài viết liên quan đến khá nhiều văn bản pháp luật nên người viết bài xin được liệt kê tên đầy đủ của các văn bản và cách gọi tắt để bạn đọc dễ theo dõi, bao gồm:

1. Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13 ban hành năm 2014 (Luật Căn cước).
2. Nghị định số 137/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân ban hành năm 2015 (Nghị định 137/2015).
3. Thông tư số 59/2021/TT-BCA quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành ban hành năm 2021 (Thông tư 59/2021-BCA).
4. Thông tư số 48/2022/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ban hành năm 2022 (Thông tư 48/2022-BTC).
5. Luật Cư trú số 68/2020/QH14 ban hành năm 2020 (Luật Cư trú).

Câu hỏi đầu tiên: Cung cấp thông tin có phải được công dân đồng ý hay không?

Trong Điều 1 của Thông tư 48/2022-BTC quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có đề nghị khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” và không có dẫn thêm điều khoản tham chiếu với các văn bản luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, theo khoản đ, Điều 8 của Thông tư 59/2021-BCA lại có quy định, trừ trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước và chính công dân yêu cầu cung cấp thông tin thì “Cơ quan, tổ chức và công dân không thuộc quy định tại các điểm a, b, c, d khoản này có nhu cầu cung cấp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phải được công dân đó đồng ý bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực”.

Như vậy là giữa hai thông tư này đã có sự khác biệt quan trọng vì nếu áp dụng theo quy định của Thông tư 59/2021-BCA thì việc cung cấp thông tin có thu phí chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của công dân.

Trong khi đó, Thông tư 48/2022-BTC không có quy định nào tham chiếu đến điều này và trong phần Phụ lục còn có thêm quy định mức phí khai thác kết quả thống kê “Báo cáo cho vùng dân cư có tổng số dân trong vùng từ một triệu người trở xuống” và “Báo cáo cho vùng dân cư có tổng số dân trong vùng từ một triệu người trở lên”. Câu hỏi người dân đặt ra là việc cung cấp dữ liệu số lượng lớn như vậy có hợp lệ hay không nếu chiếu theo Điều 8 của Thông tư 59/2021-BCA.

Câu hỏi thứ hai: Những trường thông tin công dân nào phải hạn chế cung cấp?

Theo Phụ lục Thông tư 48/2022-BTC, mức thu phí một trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 1.000 đồng và có tất cả 18 trường thông tin công dân được quy định tại Điều 37 Luật Cư trú.

Theo Luật Cư trú thì 18 trường thông tin này gồm: 1/ Họ, chữ đệm và tên khai sinh; 2/ Ngày, tháng, năm sinh; 3/ Giới tính; 4/ Nơi đăng ký khai sinh; 5/ Quê quán; 6/ Dân tộc; 7/ Tôn giáo; 8/ Quốc tịch; 9/ Tình trạng hôn nhân; 10/ Nơi thường trú; 11/ Nơi tạm trú; 12/ Tình trạng khai báo tạm vắng; 13/ Nơi ở hiện tại; 14/ Quan hệ với chủ hộ; 15/ Nhóm máu; 16/ Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; 17/ Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình; 18/ Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.

Nếu không có hạn chế gì thì với 18 trường thông tin này, toàn bộ thông tin cá nhân của một công dân sẽ có thể bị lạm dụng.

Nếu không có hạn chế số trường thông tin công dân, việc cung cấp như vậy có thể sẽ vi phạm điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Căn cước công dân vì luật này quy định công dân có quyền “Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo luật định”.

Ngoài ra, Điều 11 Nghị định 137/2015 cũng quy định “Việc sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của công dân”.

Câu hỏi thứ ba: Khả năng chống lộ dữ liệu công dân ra sao?

Dữ liệu công dân một khi đã được cung cấp sẽ được lưu trữ trên máy tính của tổ chức, doanh nghiệp trả phí sử dụng. Kể cả khi việc cung cấp ở hình thức chỉ xem thì người có quyền truy cập dữ liệu này vẫn có thể chụp lại từng màn hình rồi dùng phần mềm biến các ảnh chụp thành văn bản.

Đây là điểm đáng lo ngại nhất vì các file dữ liệu công dân này sẽ được bảo vệ ra sao? Khả năng lộ dữ liệu từ đây rất lớn, từ việc nhân viên tổ chức, doanh nghiệp lén sao chép mang ra đến việc hacker tấn công đánh cắp dữ liệu. Việc lộ dữ liệu còn có thể xảy ra khi đơn vị này trả phí để có dữ liệu xong lại chia sẻ hay bán lại cho đơn vị khác.

Không bao lâu nữa việc cung cấp dữ liệu công dân sẽ bắt đầu và người dân càng lo ngại hơn khi việc cung cấp này vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ chưa có lời giải đáp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới