Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ba câu hỏi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ba câu hỏi

Ngọc Lan

(TBKTSG) – Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng có nhiều nghịch lý trong các mục tiêu cho nền kinh tế Việt Nam năm tới.

Các mục tiêu kinh tế năm 2012 được Quốc hội và Chính phủ thông qua, gồm tăng trưởng GDP 6%, lạm phát dưới 10%, bội chi ngân sách dưới 4,8%, tổng mức đầu tư xã hội khoảng 33,5% GDP… Từ đó, nảy sinh ba câu hỏi lớn.

Thứ nhất là tổng đầu tư xã hội giảm mạnh, từ 38,9% GDP của năm 2011 xuống còn 33,5% GDP cho năm 2012 nhưng GDP lại đặt ra mức tăng trưởng cao hơn (6% so với mức 5,8% hiện nay). Như vậy phải trông chờ vào tăng hiệu quả đầu tư hoặc tăng năng suất. “Nhưng phép màu tăng hiệu quả nằm ở đâu?”, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đặt câu hỏi tại một hội thảo gần đây tại Hà Nội.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển trước đó cũng nói ra suy nghĩ tương tự. Ông cho rằng Chính phủ đặt ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ số 1 nhưng tăng trưởng vẫn được coi trọng là khó. Nhất là việc giảm đầu tư dễ dẫn đến suy giảm tăng trưởng. “Nếu không dịch chuyển vốn đầu tư vào khu vực kinh tế tư nhân và những lĩnh vực ngành nghề có sức lan tỏa rộng thì sẽ khó đảm bảo mức tăng này”.

Ngay trước mắt, theo lời ông Phạm Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở ngân hàng của ông chỉ chiếm khoảng 8-10% tổng dư nợ tín dụng hàng năm. “Nhưng nguồn vốn cho cộng đồng doanh nghiệp này cho năm 2012 dự báo còn khó khăn hơn xuất phát từ việc VCB phải tập trung vốn giải ngân cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong các hợp đồng trung và dài hạn lớn đã ký từ rất lâu, đến năm nay không thể trì hoãn giải ngân được nữa”, ông Dũng thông báo.

Tuy ông có nói thêm rằng, trở ngại này không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận được nguồn vốn ở VCB nhưng phần nào nó cũng là lời đáp không sáng sủa cho gợi ý dịch chuyển vốn đầu tư sang khu vực kinh tế tư nhân để tăng hiệu quả đầu tư, đảm bảo tăng trưởng như ông Tuyển nêu ra.

Câu hỏi thứ hai, theo ông Thiên, là mức thâm hụt thương mại năm tới cũng chỉ nhỉnh hơn năm 2011 đôi chút (10,4% của năm 2011 so với mục tiêu 12% năm 2012), có nghĩa là nhập khẩu sẽ tăng trưởng chậm. Điều này sẽ tác động đến tăng trưởng GDP theo chiều hướng tiêu cực, tại sao vẫn có thể nghĩ đến tăng trưởng cao?

Vì thông thường, với Việt Nam, tăng trưởng GDP chủ yếu dựa trên tăng đầu tư, thông qua con đường nhập khẩu nguyên liệu, máy móc để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Một minh chứng cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta đạt được trong vòng năm qua có sự đóng góp không nhỏ của kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Giai đoạn 2006-2010, nhập đến 343 tỉ đô la, tăng gấp ba lần so với tổng kim ngạch nhập khẩu giai đoạn năm năm trước đó, nhất là nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng chi phối (khoảng 62,5%) theo thống kê của Bộ Công Thương. Trong khi đó hiệu quả đầu tư của khối doanh nghiệp nhà nước là rất thấp.

Câu hỏi thứ ba là mức tăng trưởng 6% nói trên phải chăng vẫn còn quá cao khi mà mục tiêu chính là giảm lạm phát chưa được thực thi triệt để thông qua chính sách tài khóa. Ông Thiên đề nghị mức lạm phát đề ra phải giảm thêm 3 điểm phần trăm nữa và mục tiêu tăng trưởng cũng cần giảm đi tương ứng. Nếu không, kịch bản tăng trưởng 2012 thực chất cũng không có gì thay đổi so với những năm trước, trong khi diễn biến tình hình kinh tế thế giới đã trở nên phức tạp hơn nhiều.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới