Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ba cty muốn thành nhà đầu tư chiến lược của Vissan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ba cty muốn thành nhà đầu tư chiến lược của Vissan

T.Thu

Ba cty muốn thành nhà đầu tư chiến lược của Vissan
Đại diện của VISSAN đang đánh cồng để thực hiện nghi lễ bắt đầu phiên đấu giá lần đầu ra công chúng của VISSAN hôm 7-3 tại HOSE. Ảnh: Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) – Hiện có ba nhà đầu tư đã đăng ký tham gia đấu giá mua cổ phần để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (VISSAN), gồm một công ty Hàn Quốc và hai công ty khác do Tập đoàn Masan nắm giữ số cổ phần chi phối. Trong phiên đấu giá lần đầu ra công chúng hôm 7-3, Vissan cũng thu về hơn 900 tỉ đồng.

Phát biểu với báo giới bên lề phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) hôm 7-3, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, cho biết dự kiến ngày 24-3-2016 công ty sẽ tổ chức bán đấu giá công khai cho nhà đầu tư chiến lược.

Đến thời điểm này, đã có ba nhà đầu tư chiến lược đăng ký đấu giá mua cổ phần để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vissan, gồm Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp quốc tế (Anco), Công ty cổ phần Việt – Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco), và công ty CJ của Hàn Quốc.

Ông Mười cho biết, cả ba nhà đầu tư này đều đăng ký mua toàn bộ số cổ phần mà Vissan chào bán cho nhà đầu tư chiến lược, tức 11.328.002 cổ phần (tương ứng 14% vốn điều lệ). Do đó, nếu đấu giá thành công, chỉ có một nhà đầu tư trong số ba nhà đầu tư này có thể trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vissan.

Trên thực tế, ba nhà đầu tư chiến lược trên không phải là những cái tên xa lạ. Từ cuối tháng 4 năm ngoái, Công ty cổ phần Tập đoàn Ma San (Masan Group) đã thông báo về việc sở hữu 52% cổ phần của Proconco và 70% cổ phần của Anco thông qua việc mua 99,99% cổ phần của công ty TNHH Sam Kim – công ty nắm giữ trực tiếp và gián tiếp số cổ phần chi phối tại Anco và Proconco. Còn công ty CJ CheilJadang Corporation (CJ) (Hàn Quốc) từ năm ngoái đã thể hiện mong muốn mua cổ phần của Vissan.

Theo ông Mười, hiện ba nhà đầu tư này đều đáp ứng các tiêu chí của nhà đầu tư chiến lược, tức là phải cam kết bảo vệ thương hiệu, cũng như bảo đảm công ăn việc làm, đồng hành trong chính sách nghề nghiệp với Vissan (phải kinh doanh trong các lĩnh vực như chăn nuôi, thực phẩm chế biến,…) và cam kết không chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm đầu. Trong đó, có nhà đầu tư đáp ứng được 100% tiêu chí, có nhà đầu tư nổi trội hơn, nhưng giá cả được đấu giá mới là yếu tố quyết định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc khi nào cổ phiếu Vissan dự kiến lên sàn chứng khoán, ông Mười cho biết, chủ trương của nhà nước là mong muốn doanh nghiệp niêm yết lên sàn càng sớm càng tốt, và thông tin mà ông nhận được là việc này cũng sẽ được thúc đẩy sớm. Tại đại hội đồng cổ đông sắp tới dự kiến vào ngày 29-4, công ty sẽ công bố lộ trình lên sàn, còn hiện giờ chưa thể công bố.

Trong ngày 7-3, Vissan đã đấu giá thành công số cổ phần phát hành lần đầu ra công chúng (IPO). Số lượng cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư là 11.328.002 cổ phần (tương ứng 14% vốn điều lệ) với giá khởi điểm 17.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, có đến 142 nhà đầu tư đăng ký đấu giá mua cổ phần, với tổng số cổ phần chào mua lên đến hơn 63,5 triệu cổ phần, cao hơn 5,6 lần so với lượng cổ phần Vissan chào bán.

Vissan đã bán đấu giá thành công 100% số cổ phần lần đầu ra công chúng với giá đấu bình quân đạt 80.053 đồng/cổ phần, trong đó giá đấu thành công cao nhất là 102.000 đồng/cổ phần, giá đấu thành công thấp nhất là 67.000 đồng/cổ phần. Tổng cộng có 6 nhà đầu tư trúng đấu giá, bao gồm 5 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Chốt phiên đấu giá lần đầu ra công chúng, Vissan thu về gần 907 tỉ đồng.

Xem thêm:

VISSAN sẽ IPO vào tháng 3-2016

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới