Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ba hạn chế cần khắc phục

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ba hạn chế cần khắc phục

Vụ việc Công ty Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải là một bài học lớn trong việc thu hút FDI của Việt Nam.

(TBKTSG) – Hơn hai thập kỷ thu hút đầu tư nước ngoài gồm đầu tư trực tiếp (FDI) và cả đầu tư gián tiếp (FPI), vốn đầu tư đã trở thành dòng vốn đáng kể, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài đang còn một số hạn chế, số lượng tăng nhanh, nhưng chất lượng chưa tương xứng, trong đó nổi lên là bất ổn kinh tế vĩ mô, bất bình đẳng xã hội và ô nhiễm môi trường.

Ổn định kinh tế vĩ mô

Theo ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, một số bất ổn về kinh tế vĩ mô trong thời gian gần đây chủ yếu do nguồn vốn kỷ lục mà Việt Nam thu hút được gây ra.

Việc mua vào 7 tỉ đô la vốn FPI trong năm 2008 dẫn đến tỷ giá biến động thất thường, tiền đồng tăng giá trong sáu tháng đầu năm 2008, có lúc tỷ giá đến gần 15.000 đồng/đô la, gây bất lợi cho xuất khẩu, góp phần gia tăng nhập siêu. Nhưng sáu tháng cuối năm khi các nhà đầu tư bắt đầu bán ròng một khối lượng lớn chứng khoán, nhất là trái phiếu và rút vốn về, cộng với việc các nhà đầu tư FDI chuyển vốn và lợi nhuận về nước thì đô la trở nên khan hiếm và tỷ giá đã vượt mức 17.000 đồng/đô la.

Trong hai năm 2006, 2007 thị trường chứng khoán sôi động, các doanh nghiệp huy động được một lượng lớn vốn, các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước kiếm bộn tiền. Vay ngân hàng trở thành kênh chủ yếu để có vốn kinh doanh chứng khoán.

Tiền thặng dư từ kinh doanh chứng khoán được tung ra đầu cơ bất động sản, mua sắm tiêu dùng cá nhân. Hoạt động này góp phần làm tổng phương tiện thanh toán tăng 44% và dư nợ tín dụng tăng 54%, đẩy lạm phát gia tăng.

Nhập siêu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIEs) gia tăng. Giá trị xuất khẩu của các FIEs đạt 24,465 tỉ đô la, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhưng khối này cũng nhập khẩu tới 28,458 tỉ đô la, dẫn đến nhập siêu xấp xỉ 4 tỉ đô la đã chiếm gần một phần tư thâm hụt thương mại của Việt Nam năm 2008.

Vài năm nay, FDI đầu tư nhiều hơn vào bất động sản. Năm 2008, tổng vốn đăng ký FDI vào bất động sản là 23,6 tỉ đô la, chiếm 36,8% tổng vốn FDI, con số này của năm 2007 khoảng 25%. Khi các dự án đầu tư bất động sản giải ngân sẽ làm cho việc cân bằng xuất nhập khẩu thêm khó khăn vì các dự án này nhập khẩu là chủ yếu, không có xuất khẩu. Cân đối ngoại tệ cũng sẽ thêm phức tạp.

Vì vậy, việc thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới không thể không quan tâm đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ Mỹ cho thấy chúng ta cần tăng cường sự kiểm soát của Nhà nước đối với các hoạt động tín dụng bất động sản và nâng cao năng lực giám sát việc giao dịch các sản phẩm chứng khoán tại thị trường thứ cấp. Tránh phát triển sản phẩm phái sinh vượt quá tầm kiểm soát của Nhà nước.

Việc thu hút FDI trong thời gian tới cần quan tâm hơn nữa thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) nắm giữ công nghệ nguồn, công nghệ cao; chú trọng thu hút đầu tư vào các công đoạn nghiên cứu – triển khai (R&D), thiết kế, tạo mẫu mang lại giá trị gia tăng cao. Ưu tiên các dự án công nghiệp thu hút nhiều lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các dự án công nghiệp phụ trợ để tăng nội địa hóa, giảm nhập siêu, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, giảm tính gia công của xuất khẩu, bớt căng thẳng về cân đối ngoại tệ.

Nên tổng kết thực tiễn việc FDI đầu tư vào bất động sản, từ đó có căn cứ để có kết luận nên hay không thu hẹp dần hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

Thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo

Đầu tư nước ngoài gia tăng là một trong những nguyên nhân nới rộng khoảng cách thu nhập giữa những người giàu ở thành phố, khu công nghiệp với những người nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Khoảng cách thu nhập giữa nhóm thu nhập cao nhất với nhóm thu nhập thấp nhất ngày càng rộng ra, từ 7,6 lần năm 1999 tăng lên 8,1 lần năm 2001-2002 và 8,3 lần năm 2003-2004, đến nay khoảng 9 lần.

Những năm tới, khi nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình thì đầu tư nước ngoài sẽ chảy nhiều hơn vào các ngành có thu nhập cao như công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bất động sản, giải trí, bán lẻ cao cấp và thường tập trung vào các trung tâm kinh tế. Khoảng cách về thu nhập giữa khu vực thành thị và nông thôn khi ấy sẽ gia tăng thêm và những người không có khả năng tham gia vào các lĩnh vực trên, đặc biệt là người nghèo sẽ bị tụt hậu.

Vì vậy, cần có những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa bằng các chính sách ưu đãi. Muốn vậy cần phát triển mạnh và nhanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội ở vùng nghèo. Đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chính sách ưu đãi tài chính, tăng cường sự liên kết sản xuất, kinh doanh giữa các FIEs với các tổ chức kinh tế, hình thành mạng lưới cung cấp nguyên, nhiên vật liệu, bán thành phẩm có xuất xứ từ vùng nghèo.

Cải thiện và bảo vệ môi trường

Năm 2008 các cơ quan nhà nước đã phát hiện và xử lý nhiều FIEs gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà trước đó bị che lấp. Các vụ như Vedan xả nước thải ra sông Đồng Nai, Miwon xả nước thải ra sông Hồng, nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp thải nước, khí, chất rắn chưa qua xử lý làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, làm thay đổi khí hậu, sự đa dạng sinh học, làm chết không ít dòng sông, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Công ty Vedan được cấp phép và hoạt động từ năm 1991, đến nay qua 17 năm mới bị phát hiện vi phạm Luật Bảo vệ môi trường chứng tỏ sự yếu kém trong kiểm soát ô nhiễm môi trường của các cơ quan chức năng. Quy định về bảo vệ môi trường và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên ra đời sau các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và công nghiệp hóa làm hạn chế kết quả thực thi quy định về bảo vệ môi trường (Luật Bảo vệ môi trường được ban hành năm 1994, trong khi đó Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1987).

Từ bài học Vedan, cần xem xét kỹ lưỡng cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài về bảo vệ môi trường trong dự án đầu tư của họ, và quan trọng hơn là hậu kiểm để xem họ có thực hiện nghiêm túc cam kết hay không. Những dự án lớn chiếm đất nhiều, thải ra nhiều chất nguy hiểm thì cần thuê tư vấn có nghề thẩm định về ảnh hưởng môi trường, lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học trước khi cân nhắc, quyết định. Nếu không làm tốt khâu ban đầu thì việc giải quyết hậu quả của những việc đã rồi bao giờ cũng tốn kém hơn và để lại hậu quả lâu dài.

Cần nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước về bảo vệ môi trường. Các cơ quan chức năng cần phối hợp thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ hơn. Tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường tại các khu công nghiệp, các FIEs đang gây ô nhiễm môi trường và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.

Quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan chức năng trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các FIEs đang hoạt động xem họ có thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường hay không.

Trường hợp do yêu cầu của nhà nước buộc nhà đầu tư nước ngoài phải có thêm biện pháp bảo vệ môi trường ngoài những gì đã cam kết thì cơ quan chức năng thương thảo với họ và có giải pháp để họ không bị thiệt do phải chi phí thêm cho bảo vệ môi trường. Mỗi loại vi phạm chỉ nên có một cơ quan chịu trách nhiệm chính kiểm soát và xử lý vi phạm. Vi phạm đến mức nào thì Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xử lý, cao hơn mức đó thì Bộ Tài nguyên – Môi trường quyết định.

ANH THƯ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới