Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bà Mai Kiều Liên: “Vinamilk đã chuẩn bị người kế thừa”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bà Mai Kiều Liên: "Vinamilk đã chuẩn bị người kế thừa"

Hồng Phúc

Bà Mai Kiều Liên:
Bà Mai Kiều Liên. Ảnh: Vinamilk

(TBKTSG Online) - “Hãy chờ đến tháng 4-2017 để biết tôi có tiếp tục ở Vinamilk nữa hay không”, người lãnh đạo được xem là “linh hồn” của công ty hấp dẫn hàng đầu Việt Nam, bà Mai Kiều Liên - thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk; HSX: VNM), cho biết.

Bà Mai Kiều Liên gắn bó với Vinamilk đến nay đã 40 năm và là nhân tố quan trọng đưa Vinamilk trở thành công ty hiệu quả hàng đầu hiện nay. Giới đầu tư và thị trường trong năm qua đã lo ngại về sự ra đi của bà trong tương lai gần sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá cổ phiếu và nhịp tăng trưởng của Vinamilk.

Nhân sự

Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online về việc bà có sớm rời Vinamilk hay không và bà chuẩn bị thế nào cho sự ra đi này tại buổi Giới thiệu cơ hội đầu tư (Roadshow) cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Vinamilk sáng nay 21-11, tại TPHCM, bà Mai Kiều Liên nói: "Tháng 4 sang năm hết hạn nhiệm kỳ, đại hội đồng cổ đông Vinamilk sẽ bầu lại hội đồng quản trị và hội đồng quản trị sẽ bầu ra ban điều hành mới. Và tôi có tiếp tục ở lại hay không các anh chị hãy chờ đến tháng 4".

Tuy nhiên, bà cũng cho hay, bà và các cộng sự trong hai năm qua đã tập trung chuẩn bị một đội ngũ kế thừa và những người này tới đây sẽ được ban điều hành xem xét và quyết định. “Mặc dù chưa biết đội ngũ đó có hiệu quả tới đâu với công ty trong giai đoạn mới song một công ty luôn có quy tắc quản trị của nó và người này nếu không làm được thì phải đưa người khác lên thay. Nếu không được nữa thì người khác tiếp tục lên thay nữa”, nữ CEO nói trước giới đầu tư phía Nam.

Cũng trả lời câu hỏi về vai trò và giá trị người lãnh đạo trong tương quan với giá trị công ty, bà Mai Kiều Liên thừa nhận người đứng đầu rất quan trọng. Một công ty thành công hay không do con người quyết định tất cả. Có công ty có thể đang rất thành công nhưng (người điều hành) ra quyết định sai lầm thì thất bại. Có công ty đang thua lỗ, đội ngũ thay đổi thì tình thế cũng thay đổi theo. 

Về Vinamilk

Trả lời câu hỏi của một số nhà đầu tư về tình hình kinh doanh tại Vinamlik, bà Mai Kiều Liên đưa ra mấy nhận định chính.

Thứ nhất, giá nguyên vật liệu ngành sữa gần đây đã tăng 25-30% so với năm ngoái, điều này có đáng lo ngại không?

“Thực ra mọi người lo lắng nhưng theo kinh nghiệm của tôi, đỉnh điểm giá sữa đã tăng cao nhất vào năm 2014 (do nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc) và trong 5 năm tới giá sữa nguyên liệu sẽ không bao giờ đạt trạng thái đó nữa”, trích lời bà Mai Kiều Liên, “Với Vinamilk chúng tôi đã lường trước sự tăng giá đó và đã đặt hàng cho 4-5 tháng tới, chúng tôi không chịu áp lực tăng 25-30% mà sẽ là thấp hơn”.

Thứ hai, về sự ảnh hưởng của TPP tới ngành sữa. Bà Liên cho rằng: “Ảnh hưởng hiện chưa có và nếu có thì sẽ ảnh hưởng sâu hơn về phía nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu của công ty. Song giá sữa của Vinamilk hiện nay ở trang trại nuôi tại Việt Nam đã bằng giá sữa thế giới, và chúng tôi đã có kế hoạch 2-3 năm tới để đảm bảo cạnh tranh khi mà sữa nguyên liệu của thế giới thay đổi”.

Thứ ba, về tăng trưởng của Vinamilk. Nhiều nhà đầu tư rất quan tâm đến việc công ty đã tăng trưởng trung bình trên 20% trong vòng 5 năm qua và tăng trưởng cao liên tục trong 10 năm, liệu các năm tới công ty có giữ được “phong độ” này nữa?

Theo bà Liên, tỷ lệ tăng trưởng 18-20% là hợp lý cho giai đoạn sắp tới, khi mà Vinamilk sẽ tìm hiểu và xuất khẩu thêm ra các thị trường khác.

Về thị trường nội địa, bà nói: “Bản thân tôi rất tự tin vì mức sử dụng sữa của người Việt còn rất thấp nên thị trường còn cơ hội phát triển rất rộng. Một năm ở Việt Nam có thêm 1,2 triệu trẻ em ra đời. Thị trường sữa ở nhiều nước vì đã bão hòa nên tăng trưởng 0,5-1% cũng là rất khó; song ở Việt Nam thì sức mua đang là cơ hội vàng trong 10 năm tới. Còn sau 10 năm nữa thì không biết thị trường còn tăng trưởng như vậy hay không”.

Người ta thống kê có ba phương án tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong 5 năm tới: phương án xấu nhất tăng 5%, bình quân tăng trưởng 7%, phương án tích cực nhất sẽ tăng 10%. Vinamilk cũng xây dựng mục tiêu kinh doanh trên ba phương án đó nhưng với điều kiện phải lấy được thị phần hàng năm và để lấy được thị phần công ty phải tăng trưởng 7%, cũng theo lời vị CEO.

Thứ tư, về đầu tư của công ty. Bà cho biết Vinamilk đang làm kế hoạch đầu tư cho 5 năm tới với tổng giá trị đầu tư sơ bộ không thấp hơn 5 năm vừa rồi.

“Năm năm qua chúng tôi đầu tư khoảng gần 13.000 tỉ đồng và 5 năm tới sẽ đầu tư như thế. Đây là phương án đã lên để cân đối dòng tiền và đáp ứng công suất. Đầu tư là sự chuẩn bị cẩn trọng về công suất để không bao giờ thiếu hàng”, bà Liên nói.

Thông thường, một nhà máy đạt công suất 70% là công ty bắt tay vào xây dựng nhà máy tiếp theo. Một nhà máy xây dựng ít nhất 2 năm. Ví dụ, nhà máy sữa Mega giai đoạn 2 được bắt đầu đầu tư từ năm nay 2016 để bắt kịp nhu cầu thị trường. Nhà máy sữa bột đến nay đạt công suất 75% thì đang chuẩn bị có nhà máy mới. Nhà máy sữa chua hiện đại với công nghệ tiên tiến thế giới sẽ sớm ra đời, với công suất gấp đôi nhà máy sữa chua cũ, 80.000 sản phẩm/1 giờ (nhà máy cũ công suất 40.000 sản phẩm/giờ).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới