Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ba năm sau dịch Covid-19: Sự hồi sinh kỳ diệu sau những ngày ‘mưa bão’

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ba năm trước, vào ngày 11-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Kể từ thời điểm đó, Covid-19 đã chi phối mọi khía cạnh của đời sống, kinh tế và xã hội trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Hôm nay, ngày 11-3-2023, dù hành trình chống dịch đã lùi về sau nhưng mỗi khi nhớ lại, nhiều y bác sĩ vẫn không thể nào quên những ngày tháng khốc liệt của dịch Covid-19.

“Chúng tôi không ngờ TPHCM có thể hồi sinh kỳ diệu từ những ngày ‘mưa bão’ Covid-19", bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, từng là Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi nói và cho rằng, sau dịch, khi cuộc sống trở lại bình thường là thời điểm mà đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế có những bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành điểm tựa vững chắc trong công cuộc bảo vệ sức khỏe người dân.

Những "đêm trắng" giành giật sự sống cho bệnh nhân

Nhớ lại những ký ức về dịch Covid-19, bác sĩ Phong nhớ như in ca điều trị đặc biệt cho nam phi công quốc tịch Anh, từng được biết đến là bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và nguy kịch nhất trong năm 2020.

Vào thời điểm đó, các phác đồ điều trị Covid-19 trên thế giới chưa thống nhất nên quá trình điều trị cho bệnh nhân này gặp rất nhiều khó khăn. Đội ngũ y bác sĩ phải vừa điều trị, vừa mày mò tìm tòi các phương án tiếp theo. Nhiều loại thuốc bệnh nhân không thể đáp ứng.

Vì vậy, các bác sĩ đã phải sử dụng những loại thuốc lần đầu tiên được dùng ở Việt Nam và chờ mua thuốc từ nước ngoài, thậm chí phải sử dụng cả thuốc không có trong phác đồ điều trị để giữ tính mạng cho người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong (đứng phía bên trái), Trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM trong buổi xuất viện của nam bệnh nhân (43 tuổi, phi công quốc tịch Anh) sau 115 ngày điều trị. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

"Đây là những lựa chọn đầy thách thức của đội ngũ bác sĩ điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM", ông nói.

Sau nhiều đêm thức trắng, các y bác sĩ đã vỡ òa hạnh phúc trong khoảnh khắc đầu tiên khi bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu sinh tồn trở lại. Đến giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, những ca bệnh khó như thế này ngày càng nhiều, khó khăn tăng lên gấp bội nhưng với các y bác sĩ, quyết tâm chống dịch để giành lại sự sống cho người bệnh vẫn đầy ắp trong lòng.

"Dù gặp muôn vàn khó khăn ngay từ khi bắt đầu nhưng các y bác sĩ tại các bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn thành phố vẫn luôn cố gắng hết mình để giành giật từng hơi thở cho bệnh nhân. Sau đó, khi chứng kiến bệnh nhân hồi sinh, trở về đoàn tụ với gia đình, chúng tôi lại vỡ òa trong niềm hạnh phúc”, bác sĩ Phong chia sẻ.

Kể về những kỷ niệm trong đại dịch Covid-19, Bác sĩ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, nhớ lại, có nhiều bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng (quận Tân Bình) trong tình trạng rất yếu, mắc nhiều bệnh lý nền cùng với tuổi rất cao. Trong đó, có những người đã hơn 100 tuổi, có người phải ngồi xe lăn tới điều trị, có người bị nhồi máu cơ tim, bệnh nhân mổ ruột thừa bị thủng dạ dày nhưng đều được chữa khỏi Covid-19 tại bệnh viện này.

Tuy nhiên, điều bất ngờ nhất là những người mắc bệnh nặng, tưởng chừng như không còn hy vọng lại là những bệnh nhân mạnh mẽ nhất. Những người này có nghị lực phi thường, quyết tâm chống chọi đến cùng với bệnh tật. Nhờ đó, người bệnh đã không những tạo nên được kỳ tích, tìm được cơ hội hồi sinh cho bản thân mà còn mang lại hy vọng cho những bệnh nhân khác.

Trong giai đoạn khốc liệt của đại dịch, thời điểm mà phòng bệnh lúc nào cũng ngập trong tiếng máy thở, tiếng khóc; thời điểm mà mọi không gian từ gầm cầu thang, hành lang cho đến phía bên ngoài bãi cỏ bệnh viện đều được trưng dụng cho bệnh nhân điều trị; thời điểm mà các đồng nghiệp chỉ nhận ra nhau bằng những cái tên được ghi sau chiếc áo bảo hộ và chỉ giao tiếp thông qua ánh mắt thì niềm hy vọng này không chỉ có ý nghĩa với bệnh nhân mà còn với đội ngũ y, bác sĩ.

Và đến nay, niềm hy vọng vượt qua đại dịch để quay trở lại với cuộc sống bình thường đã trở thành hiện thật. “Chúng tôi không ngờ thành phố có thể quay về được giai đoạn bình thường như ngày hôm nay”, bác sĩ Thanh tâm sự.

Khao khát đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp cứu người

Dù trải qua nhiều khó khăn trong dịch bệnh nhưng Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất luôn cho rằng, cống hiến của bản thân không thấm vào đâu so với sự hy sinh của toàn ngành y. Covid-19 tuy khốc liệt và đã gây ra rất nhiều mất mát nhưng nhiều người đã tìm thấy những giá trị tốt đẹp hơn sau khi vượt qua dịch bệnh. Với ngành y, sau khi liên tục phải đối mặt với ranh giới giữa sự sống và cái chết, cùng người dân đi qua đại dịch, nhân sinh quan của những người làm y tế đã thay đổi rất nhiều.

"Khao khát được cống hiến cho sự nghiệp cứu người ngày càng mạnh mẽ hơn”, bác sĩ Thanh nói.

Trong khi đó, bác sĩ Phong, Trưởng khoa nhiễm D của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, cũng nhận định rằng, sau những mất mát to lớn mà dịch bệnh gây ra, đội ngũ y bác sĩ đang ngày càng trưởng thành hơn, là điểm tựa tin cậy của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe. Hiện tại, các nhân viên y tế có thể sử dụng thành thạo các loại máy móc, trang thiết bị y tế cũng như nắm vững những kỹ thuật khó trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.

Theo ông, bước qua giai đoạn khốc liệt đại dịch Covid-19, trong năm vừa qua, cán bộ và nhân viên y tế trên cả nước lại tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, có những khó khăn liên quan đến việc thiếu thuốc, vật tư để điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nhờ những quyết định để gỡ khó từ Chính phủ cùng với quyết tâm bằng mọi cách phải điều trị cho bệnh nhân của đội ngũ y, bác sĩ, đến nay hoạt động khám chữa bệnh, phẫu thuật của các bệnh viện đang dần quay lại quỹ đạo bình thường.

Khó khăn rồi sẽ qua, sau những ngày u ám của mưa bão thì ánh mặt trời rực rỡ sẽ đến. Đó không chỉ là hy vọng của nhiều người mà còn là của đội ngũ y bác sĩ trong hành trình chữa bệnh cứu người đầy gian nan nhưng rất đáng để tự hào.

Những "con số biết nói" từ đại dịch Covid-19

Theo số liệu từ Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay, cả nước có hơn 11,5 triệu ca nhiễm Covid-19. Tổng số người mắc Covid-19 đã khỏi là hơn 10,6 triệu người. Tổng số mũi vaccine ngừa Covid-19 đã tiêm ở nước ta là gần 266.502.700.

Theo Sở Y tế TPHCM, trong đại dịch Covid-19, có hơn 80.000 cán bộ y tế tham gia phòng chống dịch. Trong đó, gần 55.000 là nhân viên y tế các đơn vị trực thuộc, khối y tế tư nhân và gần 25.000 cán bộ y tế trên cả nước. Đây là sự huy động lớn nhất, chưa từng có đối với đội ngũ thầy thuốc của ngành y.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới