Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chúng ta sau 3 năm sống với đại dịch

Trần Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hôm nay là đúng ba năm ngày Tổ chức Y tế thế giới WHO tuyên bố đại dịch Covid-19 toàn cầu (11-3-2020 – 11-3-2023). Trong khoảng thời gian nhỏ bé trong lịch sử loài người nhưng hết sức dài với chúng ta, những người sống trong đại dịch, nhiều bài học đã và sẽ được rút ra.

Một điểm tiêm vaccine tập trung tại Đà Nẵng vào tháng 9-2021. Ảnh: Nhân Tâm

Chúng ta thấy gì?

Với dân số loài người khoảng 7,9 tỉ, cả thế giới ghi nhận 6,9 triệu người chết, gần 800 triệu ca mắc bệnh (con số chắc chắn lớn hơn rất nhiều do nhiều người bệnh không đến các cơ sở y tế để điều trị).

Châu Âu – lục địa gồm nhiều quốc gia phát triển nhất với nền y học tiến bộ – đã ghi nhận số ca mắc cao nhất 274 triệu.

Với nền khoa học kỹ thuật được loài người tự đánh giá chủ quan đạt nhiều thành tựu vĩ đại, tổng số vắc xin (vaccine) được sử dụng đến đầu tháng 3 là 13,2 tỉ liều. Tính theo đầu người trên toàn cầu thì mỗi người chưa đủ được hai liều.

Chúng ta nhớ gì?

Hàng trăm ngàn bệnh viện dã chiến được thành lập trên toàn cầu, chật chội, đông đúc. Hàng ngàn hình ảnh trên báo chí, mạng xã hội.. về những xác người chết không kịp chôn cất, hỏa thiêu phải nằm xếp lớp ngoài trời.

Tất cả các quốc gia đều đóng cửa ít hay nhiều. Hàng loạt quy định hạn chế đi lại, yêu cầu tiêm ngừa vaccine được ban hành. Tự do cá nhân tạm gác lại ở hàng thứ yếu so với ưu tiên chống dịch.

Trong dầu sôi lửa bỏng nhiều công ty dược nghiên cứu vaccine vẫn kiên trì chính sách bán bản quyền. Nhiều doanh nghiệp phá sản nhưng nhiều doanh nghiệp làm giàu không tưởng qua ba năm đại dịch.

Chúng ta đang sống thế nào?

Đeo khẩu trang, rửa tay bằng cồn ở khắp nơi không còn là điều lập dị.

Con người có vẻ ích kỷ hơn khi từng người thu gọn phạm vi quan tâm và tình cảm hướng về gia đình và người thân; khi từng quốc gia thu gọn hành động chủ yếu vì lợi ích của chính quốc gia và dân tộc mình. Nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh một quan chức WHO đã khóc khi nói về sự hợp tác quá yếu kém và ích kỷ của một số quốc gia trong đại dịch.

Khó khăn kinh tế vì ảnh hưởng của dịch bệnh đang ngày càng đè nặng cuộc sống của hàng tỉ người một cách rõ ràng hơn.

Cho đến nay nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 vẫn còn là điều bí ẩn và vẫn đang là đề tài tranh cãi nóng bỏng giữa các chuyên gia. Virus sinh ra tự nhiên hay là sản phẩm rò rỉ từ phòng thí nghiệm?

Cuối cùng, xin dẫn lại vài câu trong diễn văn của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đại dịch toàn cầu 3 năm trước để từng người chúng ta tự suy ngẫm: ”Chúng tôi (WHO) quan ngại sâu sắc trước mức độ lây lan và sự nghiêm trọng đáng báo động này, cũng như tình trạng thiếu hành động một cách đáng báo động. Chúng tôi đã rung hồi chuông cảnh tỉnh… Đại dịch sẽ ảnh hưởng đến tất cả lĩnh vực, tất cả mọi ngành và tất cả cá nhân phải hành động… Tất cả hãy quan tâm đến nhau vì chúng ta cần nhau”.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới