Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ba năm thực hiện nghị quyết ‘thuận thiên’: chuyển biến song hành cùng thách thức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ba năm thực hiện nghị quyết ‘thuận thiên’: chuyển biến song hành cùng thách thức

Trung Chánh

(KTSG Onine) – Ba năm thực hiện Nghị quyết về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, hay còn được gọi là phát triển "thuận thiên", đã gặt hái được những kết quả nhất định, trong đó, bước đầu đã kiến tạo được một thể chế thúc đẩy phát triển bền vững vùng. Thế nhưng, những thách thức đặt ra ở phía trước cho khu vực này cũng không hề nhỏ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL

Ba năm thực hiện nghị quyết 'thuận thiên': chuyển biến song hành cùng thách thức
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh

Quy hoạch tích hợp – điểm sáng của nghị quyết “thuận thiên”

Tại “Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu” được tổ chức vào hôm nay, 13-3, ở TP Cần Thơ, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120, hay còn gọi là nghị quyết "thuận thiên", đã ghi nhận được những kết quả khá nổi bật như: kiến tạo được một thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững vùng theo một tổng thể thống nhất, kết nối liên vùng, tạo sức mạnh tổng hợp.

Cụ thể, đã nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện nhiều cơ chế nhằm khuyến khích phục vụ cho phát triển bền vững ĐBSCL, trong đó, ưu tiên các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng; hạ tầng kỹ thuật môi trường; nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản; chế biến thực phẩm và dịch vụ vận tải.

Một điểm rất đáng lưu ý về cơ chế chính sách, theo ông Hà, đó là phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp đa ngành, dựa trên lợi thế của các vùng tự nhiên, quán triệt quan điểm "thuận thiên" của nghị quyết 120.

Liên quan nội dung này, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, bản quy hoạch đã thể hiện được nhiều đổi mới mang tính đột phá ở tầm chiến lược về định hướng, tư duy phát triển bền vững, liên ngành, liên vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu và bám sát các quan điểm chỉ đạo của nghị quyết “thuận thiên”.

Theo đó, quan điểm lập quy hoạch lấy yếu tố "con người" làm trung tâm để phát triển ĐBSCL thành nơi có chất lượng cuộc sống tốt khi nhìn từ bên trong và là nơi đáng đến khi nhìn từ ngoài; lấy thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu tất yếu; coi tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi.

Quy hoạch sẽ giúp vùng phát triển thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao trên cơ sở phát triển hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp và các hành lang kinh tế để nâng cao giá trị, hiệu quả của từng khâu trong chuỗi giá trị nông nghiệp; tập trung phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, trong đó, công nghiệp chế biến là ngành mũi nhọn; phát triển dịch vụ đa dạng, ứng dụng công nghệ cao với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng cường kết nối nội, ngoại vùng; xây dựng hệ thống đô thị thông minh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, gắn kết với các trung tâm đầu mối về nông nghiệp.

Một kết quả nổi bật khác sau ba năm thực hiện Nghị quyết 120, theo ông Hà, đó là chuyển từ “bị động” sang “chủ động” thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua nâng cao năng lực quan trắc, giám sát khí hậu, dự báo sớm thời tiết, cảnh báo kịp thời thiên tai; chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp dựa trên các lợi thế tự nhiên.

Bộ trưởng Tài nguyên và Mội trường cũng cho biết nghị quyết cũng đã giúp định hình được không gian phát triển, quy hoạch hạ tầng kết nối vùng, với TPHCM và vùng Đông Nam bộ.

Ngoài ra, cũng đã khơi thông, thúc đẩy nguồn lực đầu tư công làm hạt nhân, dẫn dắt đầu tư của khối doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế cho phát triển bền vững ĐBSCL.

Hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ được đẩy mạnh, hợp tác quốc tế, truyền thông nâng cao nhận thức, đào tạo, chuyển đổi ngành nghề phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng đi lên.

“Sau hơn 3 năm triển khai nghị quyết, có thể khẳng định vùng ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng "thuận thiên", bền vững; sinh kế đời sống người dân từng bước được cải thiện…’’, ông Hà nhấn mạnh.

Biến đổi khí hậu, thuỷ điện thượng nguồn vẫn là thách thức lớn

Tuy nhiên, vị tư lệnh ngành tài nguyên và nôi trường cũng nhìn nhận, các cơ chế chính sách này cần phải có thời gian để phát huy hiệu quả; thể chế điều phối vùng vừa mới được hình thành, cho nên, cần phải có thời gian để Chính phủ điều phối thực hiện.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai diễn diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường cũng là những thách thức đối với sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL. “Các hoạt động khai thác ở thượng nguồn, đặc biệt là các dự án thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong ngày càng phức tạp hơn, trong khi cơ chế điều phối vùng đã cho thấy những bất cập, khó phát huy tối đa hiệu quả”, ông Hà cho biết và nói rằng, tình trạng thiếu cát và nước được dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng.

“Nghị quyết chỉ mới ở bước đầu, trong khi mục tiêu và tầm nhìn là dài hạn, do đó, cần phải có thời gian và nguồn lực để đảm bảo triển khai hiệu quả khối lượng công việc lớn đã được đề ra”, ông nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội nghị nghị quyết 120 diễn ra hôm nay, 13-3, ở TP Cần Thơ. Ảnh: Thanh Tiến

Phải “kích hoạt" vốn cho ĐBSCL

Để tháo gỡ những khó khăn, từng bước góp phần thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển đúng như tinh thần của nghị quyết 120, tức tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên…, thì cần phải có nguồn lực để thực hiện.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2015-2020, đơn vị này đã huy động khoảng 2,2 tỉ đô la Mỹ cho các hoạt động của vùng ĐBSCL, bao gồm các hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp định hướng phát triển bền vững của nghị quyết 120.

“Trong giai đoạn tới, chúng tôi hy vọng đến năm 2025, có hơn 60% dự án đầu tư công sẽ được lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu”, bà cho biết.

Theo bà Carolyn Turk, việc huy động tài chính để đầu tư cho vùng là yếu tố rất quan trọng, do đó, cần có kế hoạch dài hạn, minh bạch và có giải trình trong quá trình thực hiện. “Cần phải có kế hoạch phân bổ nguồn lực cho đầu tư và cung cấp cơ chế pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện thu hút kinh tế tư nhân tham gia”, bà gợi ý và cho rằng, là đối tác phát triển, WB cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ để giúp ĐBSCL phát triển bền vững thích ứng với biến đối khí hậu, đúng với tinh thần nghị quyết 120.

Ông Dũng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, tổng vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý là khoảng 266.000 tỉ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là khoảng 162.000 tỉ đồng; nguồn vốn ngân sách Trung ương là khoảng 82.000 tỉ đồng; nguồn vốn nước ngoài (ODA) là 22.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, theo ông Dũng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư thông qua một số Bộ như: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế…, để triển khai các công trình, dự án trong vùng đạt khoảng 121.600 tỉ đồng.

Riêng đối với nguồn vốn ODA, để bổ sung thêm 2 tỉ đô la Mỹ cho ĐBSCL trong giai đoạn 2021- 2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo ông Dũng, đơn vị này đã phối hợp với WB nghiên cứu, xây dựng báo cáo đề xuất khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL, quy mô dự kiến 1,05 tỉ đô la Mỹ.

Với nguồn lực này, theo ông Dũng, sẽ hoàn thành các công trình đường ven biển, từ Tiền Giang đến Kiên Giang; hồ trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ Giác Long Xuyên…

Tuy nhiên, số vốn trên chỉ mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của các địa phương, cho nên, để có thêm nguồn lực, ngoài khoản vay của WB, theo ông Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc và nhận được nhiều đề xuất cung cấp khoản vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại của các đối tác phát triển như: Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO). “Các đối tác này cam kết thêm một khoản tài trợ là 480 triệu đô la Mỹ”, ông cho biết.

Trong khi đó, ông Hà của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, cần ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thuỷ lợi và phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển phục vụ sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, nhất là các dự án đa mục tiêu, kết nối vùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới