Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ba phương án “xóa sổ” Khu công nghiệp Biên Hòa 1

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ba phương án “xóa sổ” Khu công nghiệp Biên Hòa 1

Đá Bàn

Ba phương án “xóa sổ” Khu công nghiệp Biên Hòa 1
Nguồn: Sonadezi

(TBKTSG Online) - Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi), chủ đầu tư Dự án di dời, chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - dịch vụ - thương mại vừa đề xuất với chính quyền tỉnh Đồng Nai ba phương án thực hiện dự án này…

Theo ông Trần Minh Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trước khi đưa ra các phương án án di dời, chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1, Sonadezi đã tổ chức khảo sát nguyện vọng của 107 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp này (96 doanh nghiệp đang hoạt động, 11 doanh nghiệp doanh nghiệp chưa triển khai hoặc ngưng hoạt động).

Kết quả khảo sát cho thấy: có 26 doanh nghiệp muốn tự đầu tư chuyển đổi theo quy hoạch, 23 doanh nghiệp đồng ý nhận bồi thường và hỗ trợ di dời, 7 doanh nghiệp muốn tham gia công ty cổ phần cấp 1 để đầu tư hạ tầng và khai thác quỹ đất. Số (56) doanh nghiệp bày tỏ rõ nguyện vọng này chiếm khoảng 75% quỹ đất dự án. Số doanh nghiệp còn phân vân trong lựa chọn cách thức di dời (51) có quỹ đất nhỏ (khoảng 25%).

Do đó, Sonadezi đã đưa ra ba phương cụ thể để chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng như doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 lựa chọn... 

Cụ thể, với phương án 1, tỉnh Đồng Nai sẽ thành lập Ban quản lý dự án để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống hạ tầng chung toàn khu vực và tổ chức đấu giá khai thác quỹ đất của các doanh nghiệp không muốn tự đầu tư (chuyển đổi).

Theo phương án này, những doanh nghiệp muốn tự đầu tư (chuyển đổi) thì ngoài việc nộp tiền sử dụng đất còn phải có nghĩa vụ đóng góp chi phí đầu tư hạ tầng phân bổ (cho Ban quản lý). Doanh nghiệp không muốn tự đầu tư (chuyển đổi), tức đồng ý di dời đến vị trí mới, thì được hưởng đầy đủ các hỗ trợ di dời theo quy định hiện hành của Nhà nước và các cơ chế đặc thù của dự án.

Với phương án 2, tỉnh sẽ thành lập chủ đầu tư cấp 1 để quản lý, đầu tư hạ tầng chung toàn khu và khai thác quỹ đất của các doanh nghiệp không tự đầu tư. Nếu các doanh nghiệp muốn tự đầu tư (chuyển đổi) thì được phép thực hiện theo quy hoạch được duyệt; doanh nghiệp đồng ý di dời đến vị trí mới (không tự chuyển đổi) sẽ được hưởng đầy đủ các hỗ trợ di dời theo quy định.

Theo phương án này, tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đều được ưu tiên lựa chọn nếu có nhu cầu trở thành chủ đầu tư cấp 2, thực hiện đầu tư xây dựng và kinh doanh các công trình theo quy hoạch được duyệt (không tham gia đầu tư hạ tầng và khai thác quỹ đất).

Phương án 3 cũng thành lập chủ đầu tư cấp 1 để quản lý, đầu tư hạ tầng chung toàn khu, chịu trách nhiệm đóng tiền sử dụng đất cho toàn khu; khai thác quỹ đất của các doanh nghiệp không tự đầu tư và chuyển nhượng lại phần đất cho doanh nghiệp tự chuyển đổi với đơn giá bao gồm chi phí hạ tầng, hỗ trợ di dời phân bổ và tiền sử dụng đất theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, nếu có doanh nghiệp muốn tự đầu tư chuyển đổi vẫn được nhưng phải đóng tiền sử dụng đất theo quy định hiện hành và chi phí đầu tư hạ tầng, hỗ trợ di dời phân bổ cho chủ đầu tư cấp 1. Các doanh nghiệp đồng ý di dời thì sẽ được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ theo quy định.

Để thực hiện dự án này Sonadezi đã đề nghị chính quyền Đồng Nai xem xét kiến nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương cho xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng đặc thù riêng cho dự án này.

Ông Trần Minh Phúc cho biết, tỉnh đã yêu Sonadezi rà soát lại các vấn đề liên quan đến dự án như di dời dân, tái định cư… để tỉnh lựa chọn phương án tối ưu nhất cung cấp cho Sở Kế hoạch và đầu tư tính toán tổng mức đầu tư thực hiện dự án; đồng thời xem xét xin Chính phủ cho hưởng cơ chế đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp nằm trong diện di dời.

Theo báo cáo của Sonadezi, tổng mức chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng, bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ di dời cho các doanh nghiệp di dời tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 khoảng 11.400 tỉ đồng (con số này trước đây có lúc là 17.000, rồi gần 15.000 tỉ đồng).

Cũng theo Sonadezi, các doanh nghiệp ở khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ phải dời về khu công nghiệp Giang Điền, khu công nghiệp Nhơn Trạch, khu công nghiệp Ông Kèo… tùy từng trường hợp. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ thấy bất an khi phải di dời về các khu công nghiệp nói trên vì: (i) cách xa nơi cũ từ 20-60 cây số (nên sẽ phát sinh chi phí, gặp khó về nguồn lao động); (ii) nhà máy phải ngưng hoạt động để di dời (nên doanh nghiệp không có sản phẩm cung ứng cho khách hàng, mất thị trường)…

Sẽ hỗ trợ thỏa đáng DN di dời khỏi KCN Biên Hòa 1

Chuyển đổi khu công nghiệp Biên Hòa 1: Lợi cho ai?

Xem xét đề xuất chuyển đổi KCN Biên Hòa 1

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới