Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bà Rịa-Vũng Tàu có 5 nơi tiếp nhận đổ chất nạo vét vùng cảng biển

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương có 5 điểm được phép đổ chất nạo vét phát sinh từ hoạt động nạo vét trong vùng cảng biển, vùng thủy nội địa như ở khu tái định cư số 1 Phước Hưng (huyện Long Điền), khu đất cảng thủy nội địa TLC của Công ty TNHH TLC Vũng Tàu, khu đất thuộc thửa đất số 2 (tờ bản đồ số 50, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ).

Nâng cấp luồng Cái Mép - Thị Vải để tăng hiệu suất khai thác. Ảnh: Minh Hoàng
Một góc ở khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: Minh Hoàng

Theo website baria-vungtau.gov.vn, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có quyết định số 1122 về việc thông tin 5 địa điểm được phép nhận đổ chất nạo vét phát sinh từ hoạt động nạo vét trong vùng cảng biển, vùng thủy nội địa; đồng thời, nhận chìm chất nạo vét ngoài biển thuộc phạm vi quản lý của tỉnh năm 2023.

Trong số 5 địa điểm này, có một nơi đổ thải là tại vị trí ngoài khơi Vũng Tàu - khu A với khối lượng tiếp nhận khoảng 24,5 triệu m3. Địa bàn có 4 nơi san lấp gồm hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư số 1 Phước Hưng (huyện Long Điền); khu đất cảng thủy nội địa TLC của Công ty TNHH TLC Vũng Tàu; dự án dịch vụ hậu cần cảng tại phường Phước Hòa (thị xã Phú Mỹ) thuộc Công ty CP Tam Thắng và khu đất thuộc thửa đất số 2, tờ bản đồ số 50, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ.

Theo bản tin TTXVN, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là nơi tiếp nhận, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc chấp thuận vị trí đổ chất nạo vét đối với hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.

Sở cũng phối hợp với các địa phương để kiểm tra việc thu gom, vận chuyển chất nạo vét; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất nạo vét.

Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đăng ký đổ chất nạo vét, nhận chìm chất nạo vét ngoài biển của các cá nhân, đơn vị có nhu cầu; báo cáo UBND tỉnh xem xét, chấp thuận từng trường hợp dựa trên căn cứ đặc điểm chất nạo vét và khả năng sử dụng chất nạo vét đối với từng khu vực, địa điểm.

Đối với những đơn vị có nhu cầu đăng ký đổ chất nạo vét thì cần hoàn thiện đầy đủ các thủ tục; lập hồ sơ, trong đó, xác định cụ thể khối lượng chất nạo vét cần đổ, thời gian thi công, biện pháp đảm bảo an toàn khi thi công.

Nếu doanh nghiệp sử dụng khối lượng nạo vét với mục đích để san lấp (được coi khối lượng nạo vét là khoáng sản) thì phải lập hồ sơ đăng ký khối lượng khoáng sản thu hồi với thành phần hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 53 Nghị định số 158/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản. Ngoài ra, doanh nghiệp phải thực hiện nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và nghĩa vụ liên quan.

Mục tiêu hướng đến của nạo vét cảng biển là khơi thông luồng lạch, duy trì độ sâu, tạo điều kiện cho cảng hoạt động an toàn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 48 cảng biển đang hoạt động và 3 cảng đang xây dựng. Bình quân hằng năm, lượng bùn phát sinh trong quá trình nạo vét tại các cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 4,4 triệu m3.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới