Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bà Rịa – Vũng Tàu xây dựng Côn Đảo xanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại huyện Côn Đảo. Với mô hình này, tỉnh đặt kỳ vọng, Côn Đảo sẽ phát triển thuận tự nhiên, carbon thấp, trở thành điểm du lịch bền vững đẳng cấp thế giới.

Mục tiêu xây dựng “đảo xanh”

Huyện Côn Đảo là một địa điểm văn hóa du lịch có nhiều ý nghĩa lịch sử của cả nước, được Chính phủ đặc biệt quan tâm trong quy hoạch và phát triển, nhằm phát huy thế mạnh của đảo, đặc biệt phát triển khu kinh tế du lịch - dịch vụ chất lượng cao, độc đáo và hấp dẫn.

Tuy nhiên, hiện nay, Côn Đảo đang đối mặt với những khó khăn, thách thức như: thiếu nước sinh hoạt, vấn đề xử lý rác thải đang quá tải, hệ sinh thái quanh đảo đang có nguy cơ bị suy thoái do tác động của các hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu… Những điều này đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế xã hội.

Huyện Côn Đảo hướng đến phát triển xanh với mô hình kinh tế tuần hoàn.

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, hướng đến sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy tối đa các giá trị tự nhiên, tạo động lực xanh thúc đẩy sự phát triển bền vững tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chọn mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn cho huyện Côn Đảo.

Ngày 16-3-2023, tỉnh đã ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại huyện Côn Đảo là phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới, được Đảng và Nhà nước quan tâm, thúc đẩy triển khai.

Theo đó, Bà Rịa - Vũng Tàu xác định tầm nhìn sẽ phát triển Côn Đảo theo hướng thuận tự nhiên, phát thải carbon thấp, trở thành điểm du lịch bền vững, đẳng cấp quốc tế.

Tỉnh đặt mục tiêu, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giải quyết được các tồn tại và thách thức về vấn đề môi trường, năng lượng mà Côn Đảo đang đối mặt, góp phần xây dựng được nền tảng thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn lực xã hội hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh cụm ngành kinh tế chủ lực, thúc đẩy phát triển du lịch chất lượng cao, thu hút đa dạng nguồn du khách, qua đó tăng doanh thu ngành du lịch cho Côn Đảo cũng như kéo theo sự phát triển bền vững của các cụm ngành kinh tế phụ trợ; tái tạo nguồn vốn tự nhiên, con người và xã hội dựa trên cách tiếp cận theo mô hình kinh tế tuần hoàn cho các hoạt động thực tế tại địa phương.

Nhiều giải pháp

Triển khai đề án, tỉnh đã chia ra 2 giai đoạn từ 2022 - 2025 và 2026 - 2030, với 6 nhóm giải pháp cần thực hiện gồm: Giáo dục nhận thức về kinh tế tuần hoàn; giảm thiểu rác thải, không rác thải nhựa; tuần hoàn nước; phát triển giao thông xanh và sử dụng hiệu quả năng lượng; bảo tồn đa dạng sinh học; du lịch bền vững gắn với áp dụng kinh tế tuần hoàn. Từng sở, ban ngành được giao các nhiệm vụ cụ thể, phối hợp cùng huyện Côn Đảo để thực hiện các mục tiêu của dự án.

Phát biểu tại hội nghị triển khai đề án Kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 diễn ra vào ngày 16-10 vừa qua, ông Lê Văn Phong, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, mong muốn các chuyên gia và nhà khoa học đóng góp các giải pháp để đổi mới cơ chế hiện tại, quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất và nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý chất thải dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường. Cần ban hành cơ chế, chính sách đặc thù tại Côn Đảo để hỗ trợ việc phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phục vụ việc chuyển đổi sản phẩm thải thành tài nguyên tái chế trong chu trình sản xuất mới.

Thu gom rác ở bãi biển Côn Đảo.

Cũng tại hội nghị này, PGS.TS. Đỗ Phú Trần Tình, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học quốc gia TPHCM, kiến nghị cần điều chỉnh Luật Tổ chức chính quyền địa phương và văn bản có liên quan hướng đến cho phép huyện Côn Đảo thành đặc khu kinh tế. Chủ tịch UBND đặc khu Côn Đảo được xét cấp phép đầu tư cho các nguồn vốn đầu tư trong nước cho những ngành nghề được xác định trong mô hình kinh tế tuần hoàn của Côn Đảo. Đối với những dự án có yếu tố nước ngoài thì do bộ, ngành Trung ương cấp phép theo hướng thủ tục tinh giản. Ban hành chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh, hỗ trợ vay tiêu dùng từ nguồn kích cầu cho sản phẩm tái chế tại Côn Đảo, trợ giá đối với một số mặt hàng tái chế hoặc năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học từ nguồn quỹ giảm phát thải.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới