Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ba thách thức của kinh tế chia sẻ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ba thách thức của kinh tế chia sẻ

TS. Võ Đình Trí (*)

(TBKTSG) - Mô hình kinh tế chia sẻ (sharing/collaborative economy) trong những năm gần đây phát triển khá nhanh ở nhiều nước. Mặc dù mô hình này đem lại những lợi ích nhất định về kinh tế, xã hội và môi trường, nhiều cơ quan quản lý nhà nước phải đương đầu với những thách mới trong việc vừa tạo điều kiện cho phát triển nhưng cũng phải hạn chế, phòng ngừa những ảnh hưởng ngoại lai tiêu cực, hay về tính hiệu quả và bền vững của mô hình.

Ba thách thức của kinh tế chia sẻ

Dự thảo “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một tài liệu hết sức cần thiết, làm nền tảng cho những đánh giá sâu hơn cũng như những chính sách được ban hành trong thời gian tới. Báo cáo có hai nội dung chính là: i) trình bày các tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính, cụ thể là vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở lưu trú và cho vay ngang hàng; ii) một số đề xuất và kiến nghị.

Báo cáo tự nhận định là phần lớn các phân tích dựa trên phương pháp định tính, và các tác động được đánh giá chung khi gộp các mô hình kinh tế chia sẻ lại với nhau. Một nội dung chính thường được thấy trong báo cáo đánh giá là các thách thức thì báo cáo này chưa đưa thành một điểm nhấn. Thay vào đó, các thách thức được trình bày rời rạc và khái quát.

Chính vì vậy, đáng tiếc là trong báo cáo này công chúng chưa thấy được đóng góp của ba loại hình kinh tế chia sẻ chính ở Việt Nam trong GDP. Thêm vào đó, ảnh hưởng của kinh tế chia sẻ đến thị trường lao động việc làm của Việt Nam chưa được cụ thể và so sánh qua các năm trong khi các số liệu thống kê hoàn toàn có thể thu thập và tổng hợp. 

Sự thất bại của mô hình “xe đạp dùng chung” ở Trung Quốc là một ví dụ rõ ràng cho hệ lụy đầu tư trùng lắp và cạnh tranh theo kiểu được ăn cả ngã về không.

Kinh tế chia sẻ hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn ở nhiều nền kinh tế. Lấy ví dụ như Trung Quốc là nước có tốc độ phát triển kinh tế chia sẻ thuộc nhóm dẫn đầu với tỷ lệ 10-15%/năm, nhưng đóng góp vào GDP của nước này năm 2019 vào khoảng 3,3%, tương đương 473,71 tỉ đô la Mỹ. Tuy vậy, lao động trực tiếp và gián tiếp trong các mô hình kinh tế chia sẻ lên đến 57% dân số, tức 800 triệu người; năm 2019 tạo thêm 6,23 triệu việc làm, tăng 4,2% so với năm trước đó.

Một nghiên cứu về kinh tế chia sẻ của Trung Quốc đã tổng kết có ba nhóm thách thức chính là: đầu tư trùng lắp và cạnh tranh thô bạo; tính bền vững của thị trường; và các ảnh hưởng ngoại lai tiêu cực. Các nhóm thách thức này cũng không khó để có thể nhận diện ở Việt Nam, nhưng bối cảnh kinh tế - xã hội khác nhau thì mức độ ảnh hưởng của các thách thức này có thể khác nhau.

Sự thất bại của mô hình “xe đạp dùng chung” ở Trung Quốc là một ví dụ rõ ràng cho hệ lụy đầu tư trùng lắp và cạnh tranh theo kiểu được ăn cả ngã về không. Mặc dù cốt lõi của kinh tế chia sẻ là tối ưu nguồn lực nhàn rỗi, nhưng đầu tư vào các nền tảng vượt xa nhu cầu thực tế, cùng cạnh tranh trên một tập hợp khách hàng như nền kinh tế tư bản hoang dã đã khiến cho nguồn lực xã hội bị tổn hao. Việc đầu tư cạnh tranh của các nền tảng chia sẻ ở Việt Nam vì vậy cũng dễ bị rơi vào tình trạng này nếu không cẩn trọng.

Trong mô hình kinh tế chia sẻ, quyền lợi khách hàng bị xâm phạm và hệ thống đánh giá uy tín bị bóp méo là hai nguyên nhân chính khiến cho tính bền vững của mô hình này trở nên mong manh. Việc giải quyết các khiếu nại, tranh chấp giữa các chủ thể tham gia mô hình có thể nằm ngoài tầm kiểm soát hay nằm ngoài khả năng của bên tổ chức mô hình. Chẳng hạn, khách hàng đi xe công nghệ hay tài xế đều có thể có những rủi ro liên quan đến tài sản, tính mạng; người đi thuê nơi lưu trú có thể bị lừa đảo vì thông tin quảng cáo không trung thực, bên cho thuê thì có thể bị bên đi thuê lợi dụng nơi thuê để thực hiện các hành vi phạm pháp. Đối với hệ thống đánh giá uy tín, việc lạm dụng các đánh giá giả tạo, các đánh giá được trả tiền để thực hiện sẽ khiến các thành viên khác không thể có được thông tin khách quan trung thực cần thiết.

Các ảnh hưởng ngoại lai tiêu cực như cạnh tranh không bình đẳng, độc quyền, quyền của người lao động, bảo vệ thông tin người dùng, việc quản lý thuế lại dễ nhận diện và phổ biến hơn. Xu hướng cạnh tranh của các nền tảng kinh tế chia sẻ là được ăn cả ngã về không, thị trường chỉ thuộc về một hay hai công ty dẫn đầu nên rủi ro độc quyền là rất lớn. Đối với người lao động, những người tham gia mô hình kinh tế chia sẻ như là nguồn thu nhập chính thì xác định cơ chế bảo hiểm xã hội cho họ cũng là một thách thức lớn.

Khi người dùng nhận thức rõ hơn về quyền riêng tư và được bảo vệ thông tin cá nhân thì đây là điều có thể khiến họ chần chừ khi tham gia các mô hình kinh tế chia sẻ. Không chỉ vì cam kết từ phía cung cấp nền tảng chưa chặt chẽ mà khả năng tự đề phòng các tấn công trên không gian mạng của các nền tảng này cũng chưa đủ sức thuyết phục được người dùng.

Đối với việc quản lý thuế, cơ quan quản lý sẽ có nhiều thách thức ở các giao dịch xuyên biên giới trong trường hợp doanh thu thực hiện được chuyển ra nước ngoài hay doanh thu được chuyển về Việt Nam từ nước ngoài. Các hoạt động kinh tế chia sẻ trong hình thức này thường thấy ở các công việc có kỹ năng cao, công việc thời vụ hay theo dự án (gig work). Tuy vậy, hoạt động này không đáng kể trong tổng nguồn thu thuế.

Kinh tế chia sẻ ở Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển vì quy mô dân số lớn, hạ tầng viễn thông, Internet phát triển nhanh. Các thách thức được đề cập ở trên sẽ cần nhiều sự can thiệp từ phía Nhà nước để bảo vệ những cá nhân tham gia vào các nền tảng. Cụ thể là không nới lỏng điều kiện so với các mô hình kinh doanh truyền thống đối với các nền tảng, cùng với đó là nâng cao nhận thức về rủi ro của người dân khi tham gia vào các mô hình mới mẻ này.

(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới