Bạc Liêu phát triển nuôi tôm sinh thái và công nghệ cao
Huỳnh Kim
(TBKTSG Online) - Từ năm 2019, Bạc Liêu tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao song song với việc hướng dẫn nông dân áp dụng các mô hình nuôi tôm sinh thái hiệu quả bền vững.
Ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tình Bạc Liêu (đứng) đang chủ trì họp báo tại Cần Thơ sáng nay 20-1. Ảnh: Huỳnh Kim |
Đó là khẳng định của ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, trong trả lời phỏng vấn nhanh với TBKTSG Online ngay sau buổi họp mặt báo chí đầu năm tại Cần Thơ vào sáng nay, 20-1.
Ông Chiến cho biết, Bạc Liêu đang tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm vì thực tiễn cho thấy các mô hình nuôi tôm truyền thống tỷ lệ rủi ro còn cao, chưa mang lại hiệu quả và thu nhập cho người dân.
Bên cạnh các dự án này, tỉnh vẫn phát huy những mô hình nuôi tôm sinh thái năng động và hiệu quả như mô hình tôm - lúa, nuôi một vụ tôm, một vụ lúa mỗi năm. Sau vụ tôm, bã hữu cơ do tôm thải ra thường gây ô nhiễm nước và đất. Nông dân sẽ làm tiếp một vụ lúa với giống Một Bụi Đỏ do trường Đại học Cần Thơ lai tạo; lúa sẽ hút bã hữu cơ, cải tạo đất và nước, giúp vụ tôm sau thuận lợi hơn. Hiện cả tỉnh có khoảng 25.000ha làm tôm - lúa kiểu này.
“Chúng tôi cũng đang nhờ trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu để cải tạo giống lúa Một Bụi Đỏ có chất lượng gạo tốt hơn, bán được giá hơn”, ông Chiến nói.
Với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, ông Chiến cho biết Bạc Liêu đã mời được Công ty Việt - Úc đầu tư. Đây là công ty chuyên nghiên cứu sâu về lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản từ con giống, qui trình kĩ thuật đến mô hình nuôi.
“Nếu nuôi với mật độ cao, mô hình này cho sản lượng cao hơn từ 10-15 lần so với các mô hình nuôi công nghiệp bình thường, công nghệ kiểm soát được môi trường và đạt hiệu quả rất tốt”, ông Chiến nói.
Cũng theo ông Chiến, Thủ tướng đang chỉ đạo Bạc Liêu đẩy mạnh việc xây dựng “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” để mời gọi các doanh nghiệp khép kín làm chuỗi sản xuất ngành tôm, cho ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu với quy mô và sản lượng lớn.
Hiện khu này đã làm được 30% khối lượng công việc, chủ yếu làm mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây nhà máy, từ sản xuất thức ăn, tôm giống đến tôm thương phẩm chất lượng xuất khẩu.
“Đây sẽ là một khu công nghệ cao đầu tiên của cả nước trong lĩnh vực nuôi tôm. Nếu áp dụng thành công thì đây sẽ là một mô hình lí tưởng để phát triển con tôm của Việt Nam”, ông Lê Minh Chiến nói.
Bạc Liêu hiện có 10 công ty, đơn vị ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm với diện tích thả nuôi 70,06ha, thu hoạch 61,06ha; sản lượng 2.889 tấn, năng suất bình quân 47,48 tấn/ha mặt nước. Ngoài ra, có 287 hộ thả nuôi 115,38ha tôm công nghệ cao, thu hoạch 103,9ha, sản lượng 4.983 tấn, năng suất bình quân 47,96 tấn/ha mặt nước. Tỉnh có kế hoạch đến năm 2025 mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình này đạt 2.070ha để đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản lên 1 tỉ đô la. |