Thứ bảy, 26/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

“Bác sĩ gia đình” sẽ giúp giảm tải bệnh viện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

"Bác sĩ gia đình" sẽ giúp giảm tải bệnh viện

Uyên Viễn

Người dân ngồi dưới đất chờ khám chữa bệnh tại Bệnh viện 115, TPHCM. Ảnh: Uyên Viễn

(TBKTSG Online) - Tạo niềm tin cho người bệnh khi khám chữa bệnh tại phòng khám "Bác sĩ gia đình" là một trong những mục tiêu giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên được nêu ra tại buổi hội thảo giới thiệu đề án bác sĩ gia đình do Sở Y tế TPHCM và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức ngày 12-11.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TPHCM, cần hiểu đúng chức năng của phòng khám "Bác sĩ gia đình" chỉ thuần túy là tư vấn hành vi, tâm lý, sức khỏe ban đầu, hoặc khám sức khỏe khi mỗi người đang khỏe mạnh, chuẩn bị trước khi đi du lịch trong và ngoài nước.

"Người bị bệnh nhẹ sẽ được giải quyết tại phòng mạch hay phòng khám "Bác sĩ gia đình". Họ được khuyến cáo sử dụng các loại thuốc chích ngừa phù hợp theo từng độ tuổi, trạng thái sức khỏe v.v mà không cần phải đến bệnh viện. Nếu mắc bệnh nặng hơn họ sẽ được chuyển lên tuyến trên để chữa trị", ông Tùng nói.

Theo bác sĩ Trương Hiếu Nghĩa, Giám đốc Phòng khám đa khoa Vì Dân, vệc xây dựng đề án "Bác sĩ gia đình" là xu hướng tất yếu trong một xã hội phát triển, chú trọng đến công tác y tế dự phòng từ các cấp cơ sở (trạm y tế), phòng mạch, phòng khám tư nhân v.v. Công tác này nếu triển khai theo đúng lộ trình sẽ góp phần giảm tải ở các bệnh viện tuyến trên.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TPHCM, toàn thành phố hiện có khoảng 6.000 phòng mạch và 35 phòng khám sức khỏe tư nhân.

Tại Việt Nam, từ năm 2002 mô hình "Bác sĩ gia đình" bắt đầu xuất hiện nhưng chưa phát triển đúng với kỳ vọng của Sở Y tế các địa phương nhất là các thành phố lớn đông dân.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp, Trưởng bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng với tình hình hiện nay mô hình "Bác sĩ gia đình" khó triển khai ở trạm y tế phường xã vì còn nhiều trở ngại về cơ sở vật chất, cơ chế thực hiện và đội ngũ y bác sĩ.

"Trạm y tế phường xã vốn trực thuộc Trung tâm Y tế dự phòng quận huyện và cũng chưa được phép làm việc trực tiếp với đơn vị bảo hiểm y tế. Trạm y tế muốn làm bảo hiểm y tế cho người dân thì phải thông qua các bệnh viện quận, huyện. Đây là rào cản trong việc phát triển mô hình "Bác sĩ gia đình", ông Hiệp nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Sở Y tế TPHCM, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình nếu được triển khai theo đúng tiến độ và thực hiện đúng chức năng đề ra sẽ nâng cao năng lực và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, giúp tạo được niềm tin cho người bệnh khi khám chữa bệnh.

Sở Y tế TPHCM đặt ra mục tiêu đến năm 2015, 100% trạm y tế phường, xã sẽ được xây dựng mô hình "Bác sĩ gia đình". Đến năm 2020, mô hình này sẽ được thực hiện tại tất cả các đơn vị y tế của thành phố, bao gồm bệnh viện tuyến quận, huyện và phòng khám tư nhân.

Thông tin từ Sở Y tế TPHCM, ngày 12-11-2013, cho biết trong giai đoạn 2013-2015 sẽ triển khai mô hình phóng khám bác sĩ gia đình theo trình tự:

- Năm 2013, 24 quận huyện đều triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình đến 30% trạm y tế xã phường, hai phòng khám đa khoa tư nhân.

- Năm 2014, triển khai phòng khám bác sĩ gia đình đến 50% trạm y tế địa phương, từ 3-5 phòng khám tư nhân.

- Năm 2015, triển khai 100% trạm y tế, ít nhất là 30 phòng khám tư nhân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới