(KTSG Online) - Nhu cầu tín chỉ phát thải carbon đang khiến đất lâm nghiệp trở thành mục tiêu hấp dẫn hơn đối với các quỹ đầu tư. Nhưng đối với họ, việc tính toán lợi ích kinh tế để đưa ra quyết định đốn hạ các khu rừng để lấy gỗ hay tiếp tục chăm sóc để tạo ra tín chỉ carbon là điều không dễ dàng.
- Ai thụ hưởng nguồn thu từ tín chỉ carbon rừng?
- Cơn bùng nổ thị trường tín chỉ carbon giúp Brazil tái tạo rừng nhiệt đới
Nhu cầu cắt giảm khí thải nhà kính ngày càng tăng có nghĩa là các khoản đầu tư vào rừng không chỉ để sản xuất gỗ, mà còn phải tính đến tiềm năng sinh lời từ việc bán tín chỉ phát thải carbon (1 tín chỉ đại diện cho 1 tấn khí thải CO2).
“Nếu bạn đầu tư vào rừng, câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để bạn quản lý và tính toán lợi ích của sản phẩm gỗ so với carbon?” Brian Kernohan, giám đốc bền vững của Manulife Investment Management nói.
Manulife Investment Management đang nắm giữ gần 2,2 triệu hecta rừng trong danh mục đầu tư. Công ty này tính toán giá trị của từng loại cây để đưa ra chiến lược khai thác. Mỗi loại cây trong rừng phải được đánh giá dựa trên tốc độ tăng trưởng và giá trị khi tạo ra sản phẩm. Nếu giá trị tín chỉ carbon đủ cao, loại cây đó được tiếp tục chăm sóc, nếu không, sẽ bị đốn hạ để lấy gỗ.
Ví dụ, cây lá rộng có khả năng hấp thụ carbon tốt hơn nhưng mất nhiều thời gian hơn để phát triển. Loại cây này tạo ra 500-600 tín chỉ carbon mỗi hecta, nhưng phải mất hơn 100 năm để trưởng thành. Trong khi đó, số tín chỉ carbon mà cây lá kim tạo ra trên mỗi hecta bằng phân nửa, nhưng chỉ mất 35-40 năm để trưởng thành. Vì vậy, cây lá kim có thể giúp đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng của carbon về zero (Net – Zero) nhanh hơn.
Kernohan cho biết cho đến gần đây, đất lâm nghiệp vẫn chưa đáng đầu tư nếu chỉ nhằm mục đích cô lập carbon. “Nhưng bây giờ, chúng tôi nhận thấy giá trị tăng lên từ tín chỉ carbon,” ông Brian Kernohan nói.
Theo báo cáo chung của hãng tư vấn Boston Consulting Group và tập đoàn dầu khí Shell, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện có thể đạt giá trị tới 40 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030, tăng mạnh từ mức 2 tỉ đô la năm 2021. Thị trường này cung cấp giải pháp để giúp các công ty bù đắp lượng khí thải carbon mà họ tạo ra từ hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Tín chỉ carbon đặc biệt hữu ích cho những công ty trong các lĩnh vực khó giảm khí thải nhà kính như sản xuất năng lượng và công nghiệp nặng.
Nhu cầu tín chỉ carbon tăng nhanh ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới trong thập niên qua. Nhưng trong những năm gần đây, nhu cầu bắt đầu chậm lại do những hoài nghi về việc liệu các dự án trồng rừng để thu hoạch tín chỉ carbon có thực sự giúp giảm khí thải hay không.
Năm ngoái, một cuộc điều tra chung của nhật báo The Guardian (Anh), tuần báo Die Zeit (Đức) và SourceMaterial và một tổ chức báo chí phi lợi nhuận đã phát hiện ra rằng, hơn 90% tín chỉ carbon rừng nhiệt đới được một tổ chức uy tín chứng nhận. Như vậy, nhiều khả năng đây là “tín chỉ ma”, không đại diện cho các mức giảm khí thải thực sự. Các tín chỉ này được Disney, Shell, Gucci và nhiều doanh nghiệp khác mua trong nỗ lực cải thiện hình ảnh bảo vệ môi trường.
“Vấn đề đối với thị trường là sự đa dạng của các loại tín chỉ carbon và phương pháp sử dụng để tính toán”, Tom Frith, giám đốc đầu tư của JustCarbon, một công ty tài trợ dự án tín chỉ carbon cho hay.
Có nhiều loại tín chỉ carbon khác nhau. Ví dụ, tín chỉ loại bỏ carbon (removal credits) được tạo ra dựa trên lượng khí CO2 mà một công ty loại bỏ khỏi khí quyển. Loại tín chỉ này được coi là có giá trị hơn vì trọng lượng carbon có thể được tính toán dễ dàng hơn. Các sáng kiến trồng rừng cũng tạo ra tín chỉ loại bỏ carbon vì cây cối giúp loại bỏ carbon thông qua quá trình quang hợp.
Trong khi đó, tín chỉ tránh carbon (avoidance credits) liên quan đến các sáng kiến và dự án giúp tránh hoặc giảm lượng khí thải carbon như dự án năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu quả năng lượng, sáng kiến quản lý chất thải. Lượng khí thải liên quan đến loại tín chỉ này có thể khó tính toán chính xác hơn.
Mới đây, Finite Carbon, công ty tư vấn tín chỉ carbon có trụ sở ở bang Pennsylvania (Mỹ) đang hỗ trợ nhà đầu tư cũng như các chủ rừng so sánh lợi ích kinh tế nếu từ bỏ các nguồn thu nhập truyền thống từ gỗ để chuyển sang khai thác tín chỉ carbon.
“Bạn cần phải đưa ra quyết định về giá trị của của khu rừng bạn sẽ đến từ đâu? Vì vậy, chúng tôi cung cấp dịch vụ xác định giá trị carbon được cô lập ở các khu rừng”, Daniel Crawford, Phó Chủ tịch điều hành thương mại tại Finite Carbon nói.
Năm 2021, Manulife đầu tư vào một khu rừng ở bang Maine của Mỹ chỉ để cô lập carbon. “Một số loại cây thích hợp cho mục đích lấy gỗ sản xuất đồ nội thất hoặc giấy. Và một số loại cây phù hợp với mục đích cô lập carbon. Vấn đề là chúng ta phải nắm bắt tiềm năng của chúng”, Kernohan nói và lưu ý, khu rừng ở gần hồ Penobscot của bang Maine có giá trị carbon rất cao.
Các công ty khác đang trồng các khu rừng mới để thu hoạch tín chỉ carbon. Richard Kelly, người đồng sáng lập Foresight Sustainable Forestry (Anh) cho biết, công ty ông đặt mục tiêu trồng 9 triệu cây vào mùa xuân năm 2025, với một nửa trong số đó dành riêng cho nỗ lực loại bỏ carbon. Kelly cho rằng, việc cấp tín chỉ carbon sẽ bảo vệ các khu rừng khỏi bị chặt hạ và chấm dứt mọi tranh luận về việc có nên khai thác chúng để lấy gỗ hay không.
Theo WSJ