(KTSG Online) - Cuối tháng 10 vừa qua, thanh tra tỉnh Lâm Đồng công bố tình trạng phân lô tách thửa tràn lan trên đất nông nghiệp xảy ra ở thành phố Bảo Lộc nhưng không được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Hậu quả để lại là những đồi trà bị băm nát dọc ngang và thương hiệu đặc sản "trà B'Lao" gắn liền với vùng đất Bảo Lộc suốt 100 năm qua có nguy cơ bị xóa sổ.
Theo số liệu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp – nông thôn, diện tích đất trồng trà tại tỉnh Lâm Đồng đang giảm dần đều khoảng 1.000 héc ta/năm. Tại huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc, hai địa phương chiếm 70% diện tích trồng trà của tỉnh này - với khoảng 17.000 héc ta vào năm 2015 - nhưng chỉ sau vài năm, diện tích đã giảm gần một nửa.
Theo kết luận thanh tra, trong thời gian từ 2018 đến 2020 tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng có 2.802 hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 850 héc ta. Việc tách thửa này đa phần liên quan đến việc chuyển nhượng đất nông nghiệp mà theo các cơ quan chức năng nhà nước là sai quy định(1).
Câu hỏi đặt ra là vì sao người nông dân dễ dàng "bán đất" - cách nói nôm na để chỉ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai - trong khi đang sở hữu khu vực canh tác thuận lợi loại cây đặc sản là trà, cà phê và các loại cây ăn trái có giá trị cao như sầu riêng, bơ, măng cụt...
Có lẽ trước khi chấp nhận "bán đất", người nông dân đã trải qua nhiều đắn đo suy nghĩ. Không dễ gì họ từ bỏ canh tác nếu việc trồng trọt thuận lợi, đầu ra cho nông sản thông suốt, tiếp cận vốn vay giá rẻ dễ dàng, nguồn nước tưới tiêu đầy đủ và chi phí vật tư nông nghiệp vừa phải. Tuy nhiên, tình trạng chi phí đầu vào tăng vọt trong khi giá nông sản đứng yên không còn là chuyện cá biệt, ví dụ tại Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân phải bỏ ra số tiền bán 8 giạ lúa (một giạ lúa là 20 kg) mới mua được một bao phân đạm 50 kg giá gần 800 ngàn đồng(2).
Dù vẫn có các chính sách hỗ trợ nhưng thực tế cho thấy, muốn người nông dân không buông tay canh tác thì cần nhiều chính sách hỗ trợ đồng bộ và dài hạn từ phía Nhà nước. Đây là điều Việt Nam cần học hỏi nhiều từ các nước láng giềng. Đơn cử trường hợp của Thái Lan đối với nguồn nước tưới cho nông nghiệp, nước này đã có chương trình hành động với các mục tiêu rất cụ thể từ năm 1962(3). Thái Lan cũng sớm nhìn ra viễn cảnh "thượng điền tích thủy, hạ điền khan" khi các nước đầu nguồn sông Mekong sẽ xây dựng hàng loạt đập thủy điện trong tương lai. Đối sách của nước này là lẳng lặng xây hàng ngàn đập và hồ chứa đủ quy mô lớn nhỏ, bắt đầu cách đây 36 năm để cung cấp nước cho nông dân canh tác(4).
Trách người nông dân "bán đất" thì dễ, nhưng xét cho thấu đáo, họ chỉ có lỗi một phần. Phần trách nhiệm lớn hơn là từ các cơ quan chức năng quản lý nhà nước. Thật khó hiểu khi suốt một thời gian gian dài, từ 2018, quảng cáo "bán đất đồi trà" đã xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội Facebook mà các cơ quan có chức năng quản lý vẫn không hay biết gì.
Chính quyền cấp tỉnh kết luận các cơ quan chức năng cấp dưới của mình tại thành phố Bảo Lộc sai phạm. Điều này không sai nhưng tại sao trong suốt ba năm qua, các sai phạm này không bị phát hiện dù thông tin rao bán đất nhan nhản và ai cũng thấy các giao dịch diễn ra công khai?
Hậu quả khi cấp tỉnh nêu ra sai phạm thì đất đồi trà đã bị xẻ tan nát. Tại sao không có biện pháp ngăn chặn tình trạng này sớm hơn mà để kéo dài nhiều năm như vậy? Xét một cách công bằng, việc "bán đất" này đâu phải lỗi chỉ ở phía nông dân và chính quyền thành phố Bảo Lộc?
-------------------------------------
(1) https://thanhnien.vn/chieu-tro-hien-dat-lam-duong-de-phan-lo-tran-lan-post1393641.html
(2) https://thesaigontimes.vn/ban-tam-gia-lua-moi-du-mua-mot-bao-phan-dam-nong-dan-keu-khong-lai/
(3) https://www.fao.org/3/ab776e/ab776e04.htm
(4) https://tuoitre.vn/nguoc-dong-mekong-dang-hap-hoi-dap-nuoc-ma-khi-cua-thai-lan-1079086.htm