Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bán bảo hiểm qua ngân hàng: đến thời thắt chặt?

Đăng Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việc minh bạch hóa và quản trị chất lượng tư vấn trong quá trình bán bảo hiểm là hết sức cần thiết, đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn của kênh bancassurance - phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.

Năm 2022, VPBank thu về gần 3.354 tỉ đồng từ mảng kinh doanh bảo hiểm, tăng 42% so với năm 2022. Ảnh: LÊ VŨ

“Mỏ vàng” bảo hiểm

Năm 2022 tiếp tục là một năm “bội thu” của khá nhiều ngân hàng ở mảng doanh thu phí bảo hiểm. Qua mùa báo cáo tài chính quí 4-2022 vừa qua, xếp hạng doanh thu từ mảng bảo hiểm của các ngân hàng đã được công bố.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) tiếp tục giữ vị trí cao nhất. Năm 2022, MB báo lãi trước thuế 18.155 tỉ đồng, tăng hơn 37% so với năm 2021. Riêng doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt 10.185 tỉ đồng, cao hơn gần 1.800 tỉ đồng so với năm 2021. Nguồn thu từ bảo hiểm chiếm tới 71,5% doanh thu từ mảng dịch vụ chung của MB.

Đáng chú ý, doanh thu từ bảo hiểm của MB tăng rất nhanh trong những năm trở lại đây khi vào năm 2019, doanh thu mảng này mới là 4.202 tỉ đồng, sau đó tăng lên mức 5.849 tỉ đồng trong năm 2020 trước khi đạt hơn 10.000 tỉ đồng như năm vừa qua. Có được thành tích ấn tượng trên là do MB hiện sở hữu hai công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm là Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas.

Giai đoạn gần cuối năm 2022, với lý do ngân hàng “cạn room tín dụng”, nhiều khách vay cho biết điều kiện cần để được ngân hàng giải ngân là phải mua gói bảo hiểm tương đương một phần trăm nhất định giá trị khoản vay.

Tiếp theo có thể kể đến Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có lợi nhuận sau thuế là 16.923 tỉ đồng, tăng hơn 47% so với năm 2021. Ở mảng kinh doanh bảo hiểm, năm vừa qua, VPBank thu về gần 3.354 tỉ đồng, tăng 42% so với năm 2021. Số thu từ bảo hiểm của VPBank chiếm 32% tổng thu nhập dịch vụ, tương đương tỷ lệ của năm 2021.

Từ tháng 3-2022, VPBank và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam đã tái ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với thời hạn 15 năm. Theo bảng ước tính phí trả trước dựa trên một số thương vụ gần đây, Công ty Chứng khoán Yuanta khi đó cho rằng VPBank có thể tái đàm phán phân phối độc quyền bảo hiểm với khoản phí 8.000 tỉ đồng.

Theo công bố của VPBank, kể từ khi thỏa thuận hợp tác phân phối độc quyền bảo hiểm được ký kết lần đầu năm 2017, VPBank luôn nằm trong nhóm các ngân hàng có doanh số bán bảo hiểm nhân thọ cao nhất và hiện đang đứng thứ ba toàn thị trường. Đến đầu tháng 11-2022, VPBank lại nhận chuyển nhượng thêm vốn và sở hữu 98% tại CTCP Bảo hiểm OPES (chuyên kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ).

Đứng thứ ba trong tốp các ngân hàng thu lớn từ mảng bảo hiểm là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Năm 2022, Techcombank có lợi nhuận sau thuế đạt 20.436 tỉ đồng, trong đó thu nhập từ lãi, doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm của Techcombank đạt hơn 1.750 tỉ đồng, tăng 12,3% so với năm 2021. Hiện, Techcombank có chương trình bảo hiểm kết hợp đầu tư cùng đối tác Manulife.

Ở vị trí tiếp theo, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) có thu nhập hoa hồng bảo hiểm là 1.302 tỉ đồng, tăng gần 9% so với năm 2021. VIB đang phân phối các sản phẩm bảo hiểm của Prudential.

Đứng ở vị trí thứ 5 là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) với doanh thu từ dịch vụ kinh doanh và tư vấn bảo hiểm đạt 876 tỉ đồng, giảm nhẹ 8% so với năm ngoái. Đây là ngân hàng hiếm hoi sụt giảm nguồn thu từ mảng bảo hiểm. TPBank hiện phân phối bảo hiểm của Manulife, Sun Life.

Nhiều ngân hàng khác cũng nằm trong tốp các ngân hàng có doanh thu từ phí bảo hiểm lớn bao gồm VietinBank, BIDV, Sacombank, HDBank, OCB... Với VietinBank, cuối tháng 1-2022, VietinBank và Manulife đã công bố thỏa thuận hợp tác độc quyền kéo dài 16 năm với phí trả trước khoảng 30 triệu đô la Mỹ, dự kiến chi trả trong sáu năm. Ước tính chỉ trong quí 1-2022, VietinBank đã ghi nhận khoảng 5 triệu đô la Mỹ phí trả trước bancassurance.

Ở mức khiêm tốn hơn, các ngân hàng nhỏ chỉ ghi nhận vài chục tỉ đồng doanh thu từ bảo hiểm, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Điển hình như Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, năm 2022 thu 33 tỉ đồng từ hoạt động bảo hiểm, tăng trưởng hơn 310% so với năm trước đó.

Hướng tới sự phát triển bền vững

Dù tiềm năng của kênh bancassurance là rất lớn, hứa hẹn còn mang đến nhiều doanh thu và lợi nhuận cho các ngân hàng trong tương lai nhưng thời gian vừa qua cũng đã bắt đầu xuất hiện không ít các vụ việc liên quan đến việc phân phối sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng, gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận.

Cụ thể, nhiều người dân phản ánh việc vay ngân hàng bắt buộc phải mua kèm bảo hiểm. Đặc biệt giai đoạn gần cuối năm 2022, với lý do ngân hàng “cạn room tín dụng”, nhiều khách vay cho biết điều kiện cần để được ngân hàng giải ngân là phải mua gói bảo hiểm tương đương một phần trăm nhất định giá trị khoản vay.

Trước những phản ánh nêu trên, ngày 21-2-2023, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, đồng thời đảm bảo việc tổ chức tín dụng tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng không để xảy ra trường hợp cán bộ/đơn vị kinh doanh ép khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Văn bản của NHNN nêu rõ: “Trong trường hợp phát hiện nhân viên/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm, tổ chức tín dụng sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này”.

Đáng chú ý, lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết sẽ thiết lập đường dây nóng của cả hai cơ quan để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng.

Nói tóm lại, các ngân hàng khi thực hiện hoạt động liên quan đến bảo hiểm thì chỉ được khuyến khích khách hàng tham gia bảo hiểm trên tinh thần tự nguyện mà không được bắt buộc hay lấy đây làm điều kiện bắt buộc khách hàng thực hiện mới được giải ngân vay vốn.

Với sự vào cuộc quyết liệt và có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và NHNN như trên, có cơ sở để kỳ vọng việc ép khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức sẽ sớm chấm dứt dù điều này không hề dễ dàng do sẽ ảnh hưởng sát sườn tới lợi ích của các ngân hàng.

Tuy vậy, xét trên bình diện là lợi ích chung của toàn xã hội, đặc biệt là những người có các giao dịch liên quan tới ngân hàng thì việc minh bạch hóa và quản trị chất lượng tư vấn trong quá trình bán bảo hiểm là hết sức cần thiết, đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn của kênh bancassurance.

1 BÌNH LUẬN

  1. Cần làm ngay 3 việc: 1. Cấm bia kèm lạc, NH không được phép gắn điều kiện bắt buộc mua BH để được giải ngân khoản vay lãi suất ưu đãi, dưới mọi hình thức, bằng văn bản hoặc không, 2. Cấm đánh bùn sang ao, nhân viên NH không được phép trực tiếp làm nhiệm vụ tư vấn BH, trách nhiệm này phải thông qua đại lý BH chính thống, có sự cam kết pháp lý toàn diện của chính hãng đối với quyền lợi của KH, 3. Công khai và minh bạch, định kỳ hàng tháng/ quý, NH phải báo cáo danh sách KH thỏa thuận mua BH về NHNN để tổ chức thanh tra giám sát, kể cả đối chiếu trực tiếp với KH, để làm rõ nếu có vấn đề vướng mắc, hoặc có dấu hiệu “ép” KH mua bảo hiểm phát sinh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới