Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bản chất của thành tích xuất siêu 28,3 tỉ đô

Khánh Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Thặng dư thương mại hàng hóa toàn nền kinh tế đạt 28,3 tỉ đô la Mỹ, cao nhất trong tám năm thặng dư liên tiếp, điều này cần phải được nhìn từ bản chất, để đủ bình tĩnh, khách quan tính toán cho những giai đoạn phát triển tiếp theo”, chuyên gia kinh tế Đỗ Hòa, thành viên Hội đồng Cố vấn Harvard Business Review, trao đổi với KTSG.

Đánh giá về kết quả xuất siêu hàng hóa năm 2023 phải đặt trong tương quan so sánh với nhập khẩu và so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 683 tỉ đô la, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%. Vì kim ngạch nhập khẩu giảm với tỷ lệ lớn gấp đôi tỷ lệ giảm của kim ngạch xuất khẩu, mức chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu gia tăng, dẫn tới kết quả xuất siêu khả quan hơn năm 2022. Đó là nhìn từ góc độ kỹ thuật.

Xét về bản chất, đầu tiên, phải xác định: ai xuất siêu? Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, không kể dầu thô, xuất khẩu của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt hơn 256,9 tỉ đô la, nhập khẩu của khu vực này ước đạt hơn 210 tỉ đô la, thặng dư gần 46,9 tỉ đô la. Đối với khu vực kinh tế trong nước, xuất khẩu đạt 95,55 tỉ đô la, nhập khẩu đạt 117,29 tỉ đô la, thâm hụt hơn 21,7 tỉ đô la. Trong chuỗi sản xuất của khu vực FDI, doanh nghiệp và người lao động Việt Nam chủ yếu tham gia ở khâu gia công, nhận mức giá trị thấp nhất, vì vậy, dù có xuất siêu, nền kinh tế Việt Nam không được hưởng lợi nhiều.

Thứ hai, nhìn về giá trị lâu dài, nếu xuất siêu thuộc về khu vực FDI mà doanh nghiệp và người lao động Việt Nam mới chủ yếu tham gia ở khâu gia công đơn giản, thành tích này sẽ không bền vững. Chẳng hạn, trong trường hợp các doanh nghiệp FDI chuyển địa bàn đặt nhà máy, các con số xuất siêu cũng sẽ chuyển theo cùng họ.

Thứ ba là về tính chu kỳ của xuất nhập khẩu. Nhìn vào số liệu được TCTK công bố, trong toàn nền kinh tế, cũng như trong khu vực kinh tế trong nước và khu vực kinh tế FDI, tỷ lệ giảm trong nhập khẩu lớn hơn tỷ lệ giảm trong xuất khẩu. Thực tế là đa phần kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nguyên vật liệu cho các ngành sản xuất, vậy nên nếu kim ngạch nhập khẩu giảm thì trong chu kỳ xuất nhập khẩu sắp tới, xuất khẩu cũng sẽ giảm và xuất siêu cũng vậy.

Cuối cùng, cần cân nhắc các yếu tố khách quan tác động vào tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023. Ví dụ, việc Ấn Độ thông báo ngưng xuất khẩu gạo vào tháng 7-2023 đã tạo cơ hội cho ngành lúa gạo Việt Nam cán mốc xuất khẩu cao nhất trong 34 năm xuất khẩu gạo cả về sản lượng và giá trị. Thế nhưng, nếu Ấn Độ điều chỉnh chính sách, chúng ta có giữ được thành tích trên?

Cần lưu ý thêm, dù nền kinh tế thặng dư thương mại hàng hóa tám năm liên tiếp, khối doanh nghiệp trong nước luôn trong tình trạng nhập siêu. Điều này phản ánh năng lực sản xuất, năng lực công nghệ của khu vực kinh tế nội địa. Nếu chúng ta không có một chiến lược thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng nội địa, nền sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục chịu sức ép lớn từ các nền sản xuất lớn trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Chính sách trải thảm đỏ thu hút FDI, nếu không được nâng cao về hàm lượng công nghệ, tạo nền tảng để sản xuất trong nước hướng tới, bắt kịp, sẽ khiến các doanh nghiệp nội địa gánh thêm một sức ép khác. Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế này và có những đối sách kịp thời, phù hợp.

Quan trọng nhất, chúng ta cần ý thức rõ rằng, nội lực và nền tảng của nền kinh tế Việt Nam chỉ được xây dựng dựa trên nỗ lực và năng lực của Việt Nam. Không doanh nghiệp nào mong muốn chia sẻ bí quyết kinh doanh với người khác, chưa nói đến vấn đề chuyển giao những công nghệ đang giúp họ dẫn đầu và thu được lợi nhuận lớn.

Trung Quốc đã tận dụng nguồn vốn FDI để giải quyết việc làm cho người lao động, đồng thời, học tập và hội nhập về mặt công nghệ với các nhà đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp, người lao động Việt Nam cũng phải chủ động, tự học hỏi, mày mò, nghiên cứu và phát triển trình độ nhân lực, trình độ công nghệ, để tiến gần hơn, tiến tới bắt kịp các nước phát triển đi trước, tương tự như con đường của Trung Quốc.

Để làm được như vậy, xuất phát điểm phải từ giáo dục, để tạo ra các thế hệ dám mơ ước, dám đổi mới sáng tạo và có đủ năng lực để thực hiện những điều này. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật, vận hành của môi trường kinh doanh phải khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới