(KTSG Online) - Vài ngày gần đây, một số siêu thị và cửa hàng tiện lợi đã cho người mua tự đặt các gói sản phẩm (combo) qua ứng dụng, trang web với lời giới thiệu là để có thể soạn hàng nhanh, giao nhiều đơn hàng hơn cho khách hàng.
Tuy nhiên, dạo quanh một số cửa hàng thì thấy có rất nhiều combo không phù hợp. Có hệ thống còn quy định, cửa hàng sẽ chọn thương hiệu bất kỳ và "tồn kho sẵn có" làm người mua có cảm giác đang bị ép phải mua những sản phẩm không phù hợp.
Thành phố đang giãn cách, việc mua hàng khó khăn nhưng nếu bỏ tiền là để mua hàng "tồn kho" cho cửa hàng với giá bình thường là không hợp lý.
- Hàng thiết yếu: mỗi thời mỗi khác
- TPHCM, Bình Dương, Long An đủ vaccine Covid để tiêm mũi 1 cho người từ 18 tuổi
Kênh trực tuyến bắt đầu mở
Từ ngày 23-8, khi TPHCM bắt đầu thắt chặt việc thực hiện Chỉ thị 16, người dân không thể đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua hàng trực tiếp mà phải mua hàng thông qua lực lượng đi chợ hộ ở địa phương.
Việc tự đặt hàng trực tuyến cũng gần như không thực hiện được. Chỉ có vài cửa hàng tiện lợi mở đơn hàng rất hạn chế cho khách đặt còn lại thông báo là tạm ngưng dịch vụ.
Vài ngày gần đây, hệ thống bán lẻ hiện đại bắt đầu mở kênh trực tuyến cho khách lẻ, cho phép người mua được đặt hàng theo combo.
Chẳng hạn, một siêu thị lớn ở quận 7 mới thông báo sẽ giao các combo hàng thiết yếu trên ứng dụng mua sắm của siêu thị này cho các khách hàng ở những chung cư gần đó như Sunrise Cityview, Sunrise Central, Sunrise South, Sunrise North, Hoàng Anh Thanh Bình...
Hiện số combo của siêu thị này chưa nhiều, chỉ khoảng chục gói như thịt, cá, trứng; rau, củ, quả; hàng đông lạnh; đồ khô, dầu ăn, đường, nước mắm, mì gói; giấy vệ sinh; nước tẩy rửa...
Siêu thị thông báo các các đơn hàng sẽ được xử lý theo thứ tự đơn đặt hàng và giao sau hai ngày kể từ ngày đặt nhưng lưu ý các sản phẩm trong combo có thể thay thế bằng sản phẩm tương tự, giá bán cũng có thể khác.
Một hệ thống cửa hàng bách hóa lớn khác cũng thông báo, từ ngày 30-8, cửa hàng chỉ bán gói combo sản phẩm thiết yếu và các mặt hàng có nhu cầu mua nhiều một lần.
Theo đó, việc này nhằm giảm bớt tình trạng quá tải, giúp soạn hàng nhanh, giao được nhiều đơn hàng hơn cho khách.
Số lượng combo của hệ thống này phong phú hơn, với hơn 100 gói hàng. Kể từ khi áp dụng hình thức bán hàng này, khách dễ truy cập vào hệ thống của cửa hàng hơn thay vì web liên tục báo hết người giao hàng nhưng việc có mua được hàng hay không lại là chuyện khác.
Combo tiện lợi nhưng chưa chắc đã lợi
Trong số các combo được chào bán, có những gói được người bán công bố thông tin rõ ràng về loại hàng, thương hiệu, trọng lượng, giá bán và có giá cả hợp lý.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều gói không có thông tin rõ ràng và cách chọn lựa sản phẩm cũng không phù hợp.
Với gói thịt, cá, trứng... có siêu thị ghi rõ giá, trọng lượng của từng loại sản phẩm như gói 150.000 đồng sẽ gồm 500-600gram cá điêu hồng làm sạch, hộp trứng gà 10 quả và 500gram thịt vai heo.
Gói 300.000 đồng sẽ gồm cá ba sa philê, cá ba sa, thịt đùi heo, cốt lết heo, cánh gà và đùi tỏi gà mỗi loại 500 gram.
Tuy nhiên, có cửa hàng lại ghi giá chung chung và không nói chi tiết, cụ thể sản phẩm mà khách có thể mua.
Chẳng hạn, combo thịt, cá, trứng... được ghi giá là từ 250.000 - 350.000 đồng là gói hàng có tổng trọng lượng khoảng 1,5kg gồm thịt heo + gà/ cá/ bò/ hải sản và 10 quả trứng.
Trong đó, thịt heo khoảng 0,7- 1kg, là loại bất kì có tồn thực tế tại cửa hàng như là thịt đùi, nạc dăm, nạc vai, ba rọi, sườn...
Cá/gà/bò/hải sản khác tùy theo hàng tồn thực tế tại cửa hàng. Gói hàng sẽ có thêm 0,5 - 0,7kg của một trong các loại cá/ thịt gà/ thịt bò/ tôm/ mực. Trứng gà/vịt sẽ có 10 trứng gà hoặc trứng vịt, cũng có thể không có nếu hết hàng.
Tuy cửa hàng có nói là sẽ thanh toán thực tế theo đúng sản phẩm và trọng lượng của từng loại ghi trên hoá đơn khi nhận hàng nhưng việc đặt khách hàng vào tình thế chỉ có thể nhận những sản phẩm mà cửa hàng đang có là không hợp lý.
Trong trường hợp khách chỉ sử dụng được thịt nạc dăm mà cửa hàng giao thịt ba rọi hoặc đang cần trứng gà nhưng hàng đến là trứng vịt thì phải xử lý ra sao?
Thêm nữa, với gói thịt, cá, cửa hàng không ghi rõ là thịt tươi hay thịt đông lạnh nên dễ dẫn đến tình trạng, khách chỉ dùng được thịt nóng nhưng phải nhận thịt đông lạnh vì cửa hàng chỉ còn tồn sản phẩm đó...
Tương tự, combo rau, trái cây; sữa tiệt trùng... cũng đặt khách hàng vào tình thế bỏ tiền ra mua hàng nhưng lại không có quyền chọn lựa vì cửa hàng quy định các loại trái cây sẽ được chọn ngẫu nhiên, sữa là các thương hiệu và mùi vị bất kỳ.
Trong giai đoạn giãn cách, việc mua hàng khó khăn. Khách hàng ở địa phương nào thường chỉ được mua ở những siêu thị, cửa hàng trong khu vực đó nên việc tạo nên các combo để người dân đặt hàng nhanh hơn, tiện hơn là hợp lý.
Tuy nhiên, nếu việc thực hiện không chu đáo hoặc chưa có sự quản lý kỹ thì có thể dẫn đến tình trạng người bán nhân cơ hội đẩy hàng tồn, trao cho người dùng sản phẩm của những thương hiệu mà khách hàng không chọn mua khi có thể đến cửa hàng.