Thứ bảy, 1/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bán hàng đa cấp theo kiểu dùng ‘thư bác sĩ’ giới thiệu sản phẩm sắp hết thời?

Minh Duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong thời gian tới, việc cung cấp thông tin sản phẩm trong bán hàng đa cấp sẽ được quản lý chặt chẽ hơn. Theo đề xuất của Bộ Công Thương, việc sử dùng  hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các cơ sở y tế, bác sĩ... để cung cấp thông tin về sản phẩm sẽ bị cấm.

Ảnh minh họa: moit.gov.vn

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, để xử lý triệt để tình trạng đưa thông tin sai lệch trong hoạt động bán hàng đa cấp, bộ trình Chính phủ xem xét thông qua dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12-3-2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Trong đó, dự thảo bổ sung một số quy định như doanh nghiệp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp theo hình thức trực tuyến phải thông báo đến sở công thương địa phương.

Thêm vào đó là bổ sung quy định cấm với doanh nghiệp và người bán hàng đa cấp trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, đặc biệt là với sản phẩm là thực phẩm.

Theo đó, doanh nghiệp không được cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế.

Doanh nghiệp cũng không được cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Theo Bộ Công Thương, trong thời gian qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận thấy có tình trạng đưa thông tin theo hướng thổi phồng công dụng sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm là thực phẩm trong bán hàng đa cấp.

Trong giai đoạn cả nước thực hiện giãn cách xã hội, nhiều tổ chức, cá nhận đã tổ chức lập các nhóm kín trực tuyến về tư vấn, chăm sóc sức khỏe... tập hợp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tham gia.

Trong đó, những người tổ chức các nhóm này đã chia sẻ, trao đổi những thông tin, video clip có sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế... để mô tả, tư vấn và hướng dẫn sử dụng các thực phẩm hoặc mô tả công dụng thực phẩm.

Thêm vào đó, những này cũng dùng "nhân chứng sống", là những người được cho là đã từng bị bệnh mô tả công dụng của thực phẩm để những người khác xem "kinh nghiệm thực tế"...

Cách này cùng với các bình luận sau đó đã làm cho nhiều người hiểu theo hướng là các loại sản phẩm này có công dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng nên cần phải ngăn chặn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới