Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bán hàng trực tiếp có nhiều tiềm năng phát triển

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bán hàng trực tiếp có nhiều tiềm năng phát triển

Mộng Bình

Ông Bạch Văn Mừng (giữa), Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh đang nói về bán hàng đa cấp ở Việt Nam tại buổi hội thảo cùng chủ đề tại TPHCM ngày 15-4. Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Mô hình bán hàng trực tiếp (hay bán hàng đa cấp) có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam, nhưng các công ty phải hoạt động đúng pháp luật nếu muốn loại hình kinh doanh này phát triển bền vững.

Đó là nhận định của ông Looe Chee Seng, Tổng giám đốc của Công ty Amway Việt Nam nêu ra tại buổi hội thảo về bán hàng trực tiếp tại TPHCM ngày 15-5 do Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ (AmCham) tại TPHCM tổ chức.

Ông Seng nói, Malaysia có dân số 28 triệu người, nhưng số công ty hoạt động trong lĩnh vực này có đăng ký tham gia hiệp hội bán hàng đa cấp ở đất nước này là 59, và số nhà phân phối là 3 triệu người, với tổng doanh thu bán hàng là 1,75 tỉ đô la Mỹ.

Còn tại Thái Lan nơi có số dân là 67 triệu người, thì số công ty và nhà phân phối tham gia bán hàng đa cấp lần lượt là 27 và 5,3 triệu người, với mức doanh thu là 1,6 tỉ đô la Mỹ.

Với những số liệu trên, ông Seng cho rằng bán hàng đa cấp tại Việt Nam còn nhiều cơ hội để phát triển với dân số khoảng 86 triệu người, nhưng hiện số công ty và nhà phân phối tham gia kênh bán hàng này chỉ là 31 công ty và 450.000 nhà phân phối, với doanh thu đạt 67 triệu đô la Mỹ.

Ông Seng cũng đề nghị các công ty tham gia bán hàng đa cấp cần phải tuân thủ luật pháp, và cũng cần có thêm các quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của ngành này.

Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), cho biết hoạt động bán hàng đa cấp được công nhận là một mô hình kinh doanh tại Việt Nam, được quy định bởi Luật Cạnh tranh ra đời cuối năm 2004 và nghị định được ban hành vào năm 2005.

Tuy nhiên, ông Mừng cũng nói rằng mô hình bán hàng đa cấp cũng bộc lộ một số vấn đề như một số doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng luật pháp, cung cấp hàng hoá không đạt chất lượng, thổi phồng quá mức về tính năng, công dụng của sản phẩm được bán, quản lý chưa tốt đội ngũ nhân viên tham gia hệ thống bán hàng.

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, hoạt động bán hàng trực tiếp đã có những bước phát triển đáng kể trong các năm qua, mang lại doanh thu hàng năm hơn 1.200 tỉ đồng và đóng góp hơn 500 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân trong năm 2008.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới