Thứ bảy, 2/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Ban hành gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng cho người lao động và doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ban hành gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng cho người lao động và doanh nghiệp

Vân Phong

(KTSG Online) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Nghị quyết 68 với 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, theo ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Ban hành gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng cho người lao động và doanh nghiệp
Gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng là thông tin tích cực với người lao động và chủ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tạo ra tác động nghiêm trọng với hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa: TTXVN

Chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6-2021, ông Dung cho biết Nghị quyết 68 chính thức ban hành trong chiều 1-7, sau khi có ý kiến của về chủ chương của Bộ Chính trị và Đảng đoàn Quốc hội. Giá trị của gói hỗ trợ là 26.000 tỉ đồng.

Đây là thông tin tích cực với người lao động và chủ doanh nghiệp (người sử dụng lao động – PV) trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tạo ra tác động nghiêm trọng với hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và người lao động tại khu vực này.

“Đối tượng nhận hỗ trợ chủ yếu là người lao động và người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19. Trong đó đối tượng chính nhận hỗ trợ là công nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh”, ông Dung nói.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Nghị quyết 68 có 4 nguyên tắc hỗ trợ cơ bản gồm: hỗ trợ kịp thời; đúng đối tượng; công khai minh bạch; thiết kế chính sách minh bạch nhất.

“Chính sách sẽ được thiết kế theo hướng đơn giản nhất và dễ tiếp cận nhất với người lao động và người sử dụng lao động. Số lượng thủ tục để tiếp cận chính sách sẽ được giảm 2/3 so với Nghị quyết 42”, ông Dung nhấn mạnh.

Với các đối tượng thụ hưởng chính sách, ông Dung cho biết một đối tượng chỉ được hỗ trợ từ một chính sách. Nhưng người lao động là phụ nữ đang mang thai, cha mẹ đang nuôi dưỡng trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em đang điều trị Covid-19 và đang được cách ly phòng dịch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền sẽ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ thứ hai, thậm chí thứ ba, theo ông Dung.

Về nguồn ngân sách hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết các địa phương thuộc khu miền núi sẽ được ngân sách Trung ương hỗ trợ 80%. Các đại phương còn lại sẽ nhận 60%.

Còn các địa phương có tỷ liệu điều tiết ngân sách về Trung ương ở mức dưới 30% sẽ được ngân sách Trung ương hỗ trợ 40%.

Về 12 chính sách hỗ trợ, ông Dung cho biết nhóm chính sách thứ nhất là giảm mức đóng bảo hiểm xã hội về tai nạn nghề nghiệp xuống 0% trong 12 tháng. Hiện người sử dụng lao động phải đóng số tiền tương ứng tỷ lệ 0,5% tính trên lương hàng tháng của người lao động cho quỹ này.

“Người sử dụng lao động không phải đóng khoản tiền này trong 12 tháng nhưng nếu có rủi ro xảy ra, nhưng người lao động vẫn được đảm bảo quyền lợi. Thậm chí số tiền người sử dụng lao động không phải đóng sẽ được dùng để chi trả cho người lao động”, ông Dung cho biết.

Cũng theo ông Dung, sẽ có 11 triệu người được thụ hưởng chính sách này.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ về Nghị quyết 68. Ảnh: Tr. Vương.

Nhóm chính sách thứ hai là tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Chính sách này tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 42 nhưng các tiêu chí sẽ được cắt giảm. Thời gian áp dụng chính sách là 12 tháng.

Nhóm chính sách thứ ba là hỗ trợ đào tạo với người lao động với nguồn kinh phí được trích từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Điều này – theo ông Dung – sẽ giúp người lao động và sử dụng lao động có thêm kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đối công việc.

Mức hỗ trợ với mỗi người lao động là 1,5 triệu đồng một tháng, thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng. Thời gian áp dụng từ 1-7-2021 tới hết năm 2021.

Nhóm chính sách thứ tư là hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1-5 tới 31-12-2021. Có 2 nhóm đối tượng được hưởng chính sách này, một nhóm được hỗ trợ 1,8 triệu đồng và một nhóm được hỗ trợ 3,58 triệu đồng.

Nhóm chính sách thứ năm là hỗ trợ trẻ em và phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai ngoài các chính sách chung được hỗ trợ 1,7 triệu đồng một tháng. Mỗi trẻ em được hưởng thêm 1 triệu đồng một tháng, nhưng Chính phủ chỉ thực hiện hỗ trợ cho một người nuôi dưỡng là mẹ hoặc bố.

Nhóm chính sách thứ sáu là hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày với công nhân đang phải điều trị Covid-19 hoặc phải cách ly để phòng chống dịch. Những đối tượng này được hưởng hỗ trợ theo số ngày thực tế phải thực hiện các biện pháp cách ly.

Nhóm chính sách thứ bảy là hỗ trợ người lao động trong các đơn vị hoạt động nghệ thuật phải nghỉ để phòng chống dịch. Mức hỗ trợ là 3,7 triệu đồng một người. Đây là những người hoạt động với các chức danh hưởng lương ở mức khởi điểm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết có khoảng 2.000 người được hưởng chính sách này trên quy mô cả nước.

Nhóm chính sách thứ tám là hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề và phải tạm dừng công việc từ 15 ngày trở lên do dịch Covid-19.

Nhóm chính sách thứ chín là hộ kinh doanh bị ảnh hưởng vì Covid-19, mức hỗ trợ là 3 triệu đồng một lần.

Nhóm chính sách thứ 10 là cho người sử dụng lao động vay để trả lương cho người lao động hướng tới để phục hồi sản xuất – kinh doanh.

Ông Đào Ngọc Dung cho biết người sử dụng lao động sẽ được vay tiền với lãi suất 0% và không phải thế chấp tài sản. Mức vay bằng 1tháng lương cần trả cho người lao động với thời hạn áp dụng chính sách tối đa 3 tháng.
Đối tượng thụ hưởng chính sách là doanh nghiệp các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.

Nhóm chính sách thứ 11 là hỗ trợ người lao động tự do. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của các địa phương để xây dựng chính sách cụ thể nhưng không ít hơn mức 1,5 triệu đồng/người/tháng hoặc mức 50.000 đồng/người/ngày.

Nhóm chính sách thứ 12 là hỗ trợ đạo diễn, diễn viên, nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng 4 (không bao gồm nghệ sĩ công tác trong lực lượng vũ trang – PV) với mức hỗ trợ 3,71 triệu đồng.

Điều kiện nhận hỗ trợ là phải công tác trong các đơn vị sự nghiệp công lập và bị dừng làm việc 15 ngày trở lên theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, theo ông Đào Ngọc Dung. Số lượng nhận hỗ trợ dự kiến khoảng 2.000 người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới