Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bán lẻ điện máy và công nghệ lao đao

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giai đoạn tăng trưởng thần tốc của các chuỗi bán lẻ điện máy và thiết bị công nghệ đã bị chặn lại bởi ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế thế giới. Hai năm qua, nhiều ông lớn trong ngành hụt hơi và lao dốc trong các chỉ số kinh doanh. Nhiều dự báo cho rằng để trở lại mức tăng trưởng hai con số như trước đây là không dễ nếu tình hình kinh tế vĩ mô không chuyển biến tích cực.

Kinh doanh lao dốc với biên độ lớn

Nhìn qua kết quả kinh doanh trong quí 1 của các chuỗi bán lẻ công nghệ lớn nhất trên thị trường như Thế Giới Di Động (MWG), FPT Retail, Digiworld có thể thấy mức độ lao dốc của các chỉ số là rất lớn. Đây có thể là hệ quả tất yếu suy thoái kinh tế đã ngấm dần vào hoạt động chi tiêu của người dân và việc mua sắm các sản phẩm thứ yếu như thiết bị công nghệ đang được cân nhắc kỹ hơn.

Báo cáo tài chính hợp nhất quí 1 của MWG cho thấy doanh thu thuần của công ty đạt 27.106 tỉ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu rơi về mức thấp nhất 6 quí và ghi nhận quí thứ hai liên tiếp tăng trưởng âm trong bối cảnh các ngành hàng từ điện máy, điện thoại đều ghi nhận sức cầu yếu.

Lợi nhuận gộp giảm tới 36% còn 5.214 tỉ đồng. Dù các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đã được tiết giảm nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ còn hơn 21 tỉ đồng, giảm 98,5% so với quí 1-2022. Đây cũng là quí có lợi nhuận thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp niêm yết.

Kết quả kinh doanh của hầu hết các chuỗi bán lẻ công nghệ sụt giảm với biên độ lớn. Ảnh minh họa: DNCC

Trong khi đó, FPT Retail có doanh thu đi ngang so với cùng kỳ, đạt 7.753 tỉ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế hợp nhất chỉ 2 tỉ đồng, giảm 99% so với quí 1-2022. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 5 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 165 tỉ đồng. Đây là hệ quả từ việc suy giảm doanh số của chuỗi FPT Shop khi chỉ đóng góp 58% doanh thu cho công ty mẹ (giảm 20%).

Tình hình của Digiworld cũng tương tự với mức suy giảm các chỉ số kinh doanh ở biên độ lớn. Trong báo cáo tài chính quí 1-2023 mà doanh nghiệp mới công bố cho thấy lợi nhuận ròng khá thấp, giảm đến 62,6% so với cùng kỳ năm 2022, còn 79 tỉ đồng, thấp hơn so với ước tính của các chuyên gia phân tích là 128,3 tỉ đồng. Trong khi đó, doanh thu thuần của nhà bán lẻ này trong quí vừa qua đã giảm 43,5% so với cùng kỳ năm rồi, xuống còn 3.960 tỉ đồng.

Dù mới trải qua một quí kinh doanh đầu tiên của năm 2023 nhưng dự báo mới nhất từ bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán BVSC cho rằng, lợi nhuận ròng của Digiworld trong năm nay sẽ giảm 34,7% so với năm 2022. Do triển vọng nhu cầu yếu hơn dự kiến, chuyên gia phân tích của BVSC đã điều chỉnh giảm đáng kể dự báo lợi nhuận ròng 2023-2025 cho Digiworld, giảm trung bình 29,6%.

Đơn vị phân tích cũng cho rằng việc điều chỉnh giảm dự báo là do giả định doanh thu giảm, đặc biệt là doanh thu điện thoại di động và laptop, vốn là hàng không thiết yếu và có thể mất nhiều thời gian để phục hồi rõ rệt, và giả định biên lợi nhuận giảm do chia sẻ khó khăn với người dùng cuối và kích cầu.

Đây cũng là nhận định chung của hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp bán lẻ điện máy trong đại hội cổ đông vừa qua khi suy thoái kinh tế đã bắt đầu gây sức ép lên hoạt động kinh doanh của họ. FPT Retail lên kế hoạch doanh thu thuần 34.000 tỉ đồng, tăng gần 13% so với năm ngoái và cao nhất từ khi niêm yết trên sàn, nhưng về lợi nhuận trước thuế giảm 51%, xuống 240 tỉ đồng so với năm 2022. Như vậy, sau ba tháng, công ty đã đạt gần 23% chỉ tiêu doanh thu và chưa được 1% mục tiêu lợi nhuận năm.

Chia sẻ với cổ đông mới đây, ông Hoàng Trung Kiên, Tổng giám đốc FPT Retail, nhận định năm 2023 dự báo sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi các yếu tố bất lợi trong quí 4-2022 như sức mua mặt hàng công nghệ giảm mạnh; chi phi tài chính liên tục tăng cao, lạm phát cao, thị trường mua trả góp liên tục suy giảm... Do đó doanh nghiệp dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức và khó dự báo về thời gian hồi phục.

Với MWG, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT, cũng dự báo tình hình kinh doanh trong vài quí tới tiếp tục khó khăn. Sức mua giảm nằm nhiều ở phân khúc tầm trung trở xuống (mid-end và low-end) cho cả phân khúc điện thoại và điện máy, trong đó điện thoại bị tác động mạnh hơn. Tình hình vấn tiếp tục khó khăn thời gian tới.

Đà tăng trưởng phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô

Sức mua điện thoại, điện máy từ đầu năm đến nay đang giảm mạnh hơn dự báo của tất cả các đơn vị kinh doanh. Nhất là tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm lâu bền và giá trị cao đang diễn ra. Ngay cả với nhóm khách hàng trung cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng trước những thách thức của nền kinh tế. Việc trở lại đà tăng trưởng của nhóm ngành này phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài, nhất mức độ cải thiện của kinh tế vĩ mô nhanh hay chậm.

Trong khi đó với các doanh nghiệp bán lẻ, việc cơ cấu lại quy mô hay sản phẩm đang là bài toán đang được cân nhắc kỹ lưỡng. Để tăng nguồn thu nhiều doanh nghiệp còn lựa chọn thêm mặt hàng khác ngoài các thiết bị công nghệ.

Người tiêu dùng ngày một thắt chặt chi tiêu với các sản phẩm có giá trị cao. Ảnh minh họa: DNCC

Đối với chuỗi FPT Shop, phía công ty mẹ FPT Retail tỏ ra thận trọng trong việc mở rộng hệ thống cửa hàng do dự đoán tình hình kinh doanh khó khăn trong năm 2023. Lãnh đạo công ty này cho biết, sẽ cải thiện lãi gộp bằng cách mở bán các mặt hàng gia dụng trong chuỗi, nâng từ 300 cửa hàng FPT Shop có bán đồ gia dụng hiện tại lên 600 cửa hàng đến cuối 2023. Thậm chí doanh nghiệp này còn tính đến chuyện bán thêm xe máy để bù đắp cho các mảng kinh doanh cốt lõi.

Cụ thể, theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp, để tận dụng lợi thế về mặt bằng và cải thiện doanh thu, doanh nghiệp đang tính đến việc đăng ký bổ sung loạt ngành nghề kinh doanh mới. trong đó bao gồm bán mô tô, xe máy; bảo dưỡng và sửa chữa mô tô, xe máy; bán phụ tùng và các bộ phận phụ trợ của mô tô, xe máy; bán lẻ xe đạp và phụ tùng trong các cửa hàng chuyên doanh; sửa chữa xe đạp, đồng hồ, đồ dùng cá nhân và gia đình khác.

Lường trước tình hình khó khăn còn kéo dài, Digiworld đã được cổ đông thông qua mục tiêu lợi nhuận ròng giảm mạnh 43% so với năm 2022, xuống mức 400 tỉ đồng trong đại hội vừa qua. Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT của Digiworld cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, thị trường tiêu thụ nói chung sẽ phục hồi nhưng không đáng kể, khoảng 10%. Năm 2024 sẽ là năm ghi nhận tăng trưởng của công ty ở những ngành hàng hiện hữu và tất nhiên sẽ có sự đóng góp của những ngành hàng mới.

Với MWG, ông Nguyễn Đức Tài nhìn nhận tình hình kinh tế vĩ mô chuyển biến tiêu cực đang tác động đáng kể vào hoạt động kinh doanh thời gian qua của doanh nghiệp. Doanh thu vay tiêu dùng có giai đoạn chiếm trên 35% tổng doanh thu của MWG đã rơi xuống chỉ còn dưới 10% ở hiện tại. Công ty từng có 3-4 đối tác trả góp, hiện giờ chỉ còn 1. Bên cạnh đó, tỷ lệ duyệt hồ sơ tín dụng rớt mạnh, trước đây tỷ lệ 60-70% thì bây giờ chỉ 20%.

Khi thị trường thuận lợi thì MWG là người hưởng lợi. Nhưng những giai đoạn khó khăn như hiện nay thì đơn vị khác chỉ chiếm 5-10% nên không bị tác động nhiều còn MWG bị mất tới 35% doanh thu của chính tập đoàn. Vì vậy việc này tác động lớn tới doanh thu của MWG, người đứng đầu doanh nghiệp cho hay.

Đa phần doanh nghiệp trong ngành đều kỳ vọng tình hình cải thiện hơn trong hai quí cuối năm bởi kinh tế vĩ mô cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy vậy để những chính sách điều hành vĩ mô tác động đến những người tiêu dùng đầu cuối có độ trễ và mất nhiều thời gian. Nhìn chung, để lấy lại đà tăng trưởng 2 con số đối với các doanh nghiệp lớn trong mảng bán lẻ điện máy và công nghệ không phải một sớm một chiều. Điều mà các nhà bán lẻ này kỳ vọng là nhu cầu thay thế sản phẩm từ người tiêu dùng trong giai đoạn dồn nén từ năm 2021 - 2022.

Trong chu kỳ suy thoái, để trở lại nhanh các doanh nghiệp đang cần một chiến lược cạnh tranh tối ưu là với các sản phẩm chủ lực của thị trường công nghệ. Nếu thành công, cơ hội chiếm thị phần khi thị trường phục hồi là rất lớn.

2 BÌNH LUẬN

  1. Đang diễn ra cuộc đấu giữa bán lẻ thực tế và thương mại điện tử, giữa thế giới thực và thế giới ảo. Tuy nhiên uy tín làm ăn vẫn là nhân tố quyết định. Nhiều người ngán thương mại điện tử lắm rồi. Show một đằng, giao hàng một nẻo, chất lương không đảm bảo… diễn ra phổ biến. Để tồn tại và phát triển, ngành bán lẻ phải kết hợp giữa thực và ảo. Thực để chứng minh năng lực. Ảo để nâng cao năng suất. Chứ không phải là ngược lại.

  2. Tôi vẫn chưa dám mua đồ điện tử hay công nghệ trên sàn thương mại điện tử nếu giá trị trên 1tr …. Các TTTM vẫn là chỗ mình tới sờ tận tay hỏi về công dụng nghe tư vấn từ nhà bán lẻ, tiếp theo là dịch vụ nhà bán lẻ cung cấp, cái đó không có ở sàn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới