Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bản quyền giống cây trồng

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hàng xóm nhà tôi ở quê có trồng vài trụ thanh long ruột đỏ LD1, loại giống mới. Cả xóm tới xin mỗi nhà ít nhánh về giâm trồng, kể cả má tôi và đó là cách đa phần người nông dân hiện nay ứng xử với giống cây trồng.

Tập quán trồng trọt hiện nay của nông dân từ Bắc chí Nam là đi xin hạt, cành với loại dễ trồng, dễ nhân giống của người trồng trước; mua giống trôi nổi hay kể cả mua giống từ cửa hàng giống đàng hoàng thì cũng chẳng ai quan tâm hóa đơn chứng từ như giống lúa, bắp lai, cà phê…

Thế nhưng, nếu má tôi hay hàng xóm trồng thanh long quy mô lớn kiểu như trang trại mà bán ra thị trường trong nước hoặc xuất khẩu thì coi chừng vấn đề bản quyền giống cây trồng.

Công ty Yasaka, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long sang thị trường Nhật gần đây vướng lô hàng 70 tấn thanh long ruột đỏ LD1 không xuất được khi phía Nhật yêu cầu chứng minh bản quyền giống này. Thì ra trước đó Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit đã đăng ký bảo hộ giống cây thanh long ruột đỏ LD1 ở thị trường Nhật.

Trước đó nữa, tháng 5-2017, Viện Cây ăn quả miền Nam đã chuyển giao bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1 do viện lai tạo cho Công ty Hoàng Phát Fruit với giá 5 tỉ đồng(1). Sau đó Cục Trồng trọt đã cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng thanh long ruột đỏ LD1 cho Hoàng Phát Fruit tới năm 2037.

Trong khi đó ở Long An, Tiền Giang, nông dân đã trồng giống này khá nhiều do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho phép Viện Cây ăn quả miền Nam đưa vào sản xuất thanh long ruột đỏ LD1 từ năm 2005. Lượng giống LD1 mà viện bán ra tính từ năm 2009 tới khi chuyển nhượng bản quyền khá khiêm tốn, chỉ 31 hộ ở Long An, Tiền Giang, Bình Thuận, với khoảng 130.000 cành (hôm giống) trên diện tích khá nhỏ, khoảng hơn 30 héc ta.

Không ai thống kê chi tiết nhưng thanh long ruột đỏ LD1 hiện nay được trồng ước chừng con số lên tới hàng ngàn héc ta. Còn giống ở đâu ra thì như đã nói ở phần đầu bài viết, đó là do tập quán trồng thanh long nói riêng và giống cây trồng nói chung đã ăn sâu hàng chục, hàng trăm năm nay.

Giờ thì người giữ bản quyền giống thanh long LD1 đăng ký bảo hộ giống ở Việt Nam, ở Nhật, nghe đâu còn Hàn Quốc và sắp tới biết đâu là nhiều thị trường khác nữa. Một khi đã đăng ký bảo hộ bản quyền giống thì nhà nhập khẩu hoặc cơ quan chức năng ở thị trường nhập khẩu sẽ yêu cầu người xuất khẩu có chứng minh truy xuất nguồn gốc giống.

Nông dân, hợp tác xã, nhà xuất khẩu hoang mang khi khó lòng lưu giữ chứng từ đã mua giống có bản quyền hoặc tự nhân giống, tự trồng, mà muốn xuất được thì phải nhờ công ty giữ bản quyền xác thực, phải đóng phí.

Tháng 8 năm ngoái, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, kiểm tra thông tin về chuyển nhượng kết quả nghiên cứu giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có giống thanh long LD1. Mấy hôm nay Cục Trồng trọt của bộ cũng họp các bên bàn cách tháo gỡ.

Nông dân, hợp tác xã, nhà xuất khẩu thì gây áp lực khi cho rằng thanh long ruột đỏ LD1 đã trồng phổ biến trước khi người giữ bản quyền đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, thậm chí bản quyền giống không nên sang nhượng cho một doanh nghiệp... Cơ quan lai tạo giống, chuyển nhượng bản quyền hay người đang nhận giữ bản quyền thì cho rằng mình làm theo Luật Sở hữu trí tuệ và cả hai bên đang tìm cách dung hòa trước áp lực của số đông.

Vấn đề đặt ra của bản quyền thanh long ruột đỏ LD1 là giống này có phải thuộc sở hữu của Viện Cây ăn quả miền Nam hay không. Bởi theo quy định về sở hữu trí tuệ hiện nay thì “Giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển do sử dụng ngân sách nhà nước hoặc từ dự án do Nhà nước quản lý thì quyền đối với giống cây trồng đó thuộc về Nhà nước”. Trên trang web của viện thì đơn vị này thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nói dễ hiểu thì Viện Cây ăn quả miền Nam là cơ quan nghiên cứu của Nhà nước và nếu lai tạo giống thanh long ruột đỏ LD1 là dự án của Nhà nước thì việc chuyển nhượng bản quyền giống của Nhà nước cho một doanh nghiệp cần phải xem lại.

Nhưng trong trường hợp Viện Cây ăn quả miền Nam chứng minh thanh long ruột đỏ LD1 không liên quan tới Nhà nước và việc chuyển nhượng bản quyền đúng luật thì về lâu dài, nông dân trồng thanh long ruột đỏ LD1 nên liên lạc với người sở hữu bản quyền giống từ chuyện mua giống có lưu giữ hóa đơn chứng từ tại những cơ sở bán giống có bản quyền, cho tới việc xác nhận bản quyền tại nơi nắm giữ bản quyền.

Mà không chỉ thanh long ruột đỏ LD1, đã đến lúc nhà nông phải thay đổi tập quán gieo trồng, chứ không thể dùng “chùa” hay tự nhân giống từ giống đã có đăng ký bản quyền; hôm nay có thể là thanh long ruột đỏ, ngày mai biết đâu là giống lúa đặc sản, ngày mốt có thể là giống cà phê, xoài, sầu riêng…

_______________

https://sofri.org.vn/vi/sofri-chuyen-giao-ban-quyen-giong-thanh-long-ruot-do-ld1.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Dân và doanh nghiệp không có lỗi gì trong chuyện này. Bao nhiêu Viện, Trường… hàng chục năm nay sống bằng tiền thuế của dân, tại sao lại không thể tiến hành nghiên cứu giống cho đến nơi đến chốn, để hỗ trợ cho bà con nông dân, cũng như có chiến lược bảo vệ và hỗ trợ đổi mới cơ cấu giống cây con ? Vai trò dẫn dắt phải là của các cơ quan quản lý sinh học do nhà nước chủ trì, nhất là với một đất nước mà nông nghiệp là chủ đạo như VN. Còn nếu áp dụng cơ chế mua bán, xã hội hóa… thì cũng phải sòng phẳng, theo cơ chế đầu tư và cơ chế thị trường, công khai và minh bạch. Coi chừng không khéo thì hội chứng Việt Á, tiếp tục lan tràn một lần nữa ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới