Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bán sản phẩm OCOP không dễ

Quỳnh Như

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chương trình OCOP (mỗi địa phương một sản phẩm) được thực hiện trên phạm vi cả nước nhằm phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có thế mạnh của mỗi địa phương. Nhưng mức độ đón nhận của thị trường với sản phẩm mang thương hiệu chung này còn rất hạn chế.

Chị Phan Thị Mỹ Lệ, chủ một cửa hàng OCOP tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Quỳnh Như

Câu chuyện xoay quanh việc bán hàng OCOP của chị Phan Thị Mỹ Lệ - một trong những người kinh doanh các sản phẩm OCOP ở thành phố Đà Nẵng từ những ngày đầu tiên - cho thấy đôi nét về thị trường OCOP bây giờ và những yêu cầu để thị trường này được phát triển một cách vững vàng.

Chất lượng thôi chưa đủ

Theo mẹ bán các mặt hàng đặc sản quê nhà từ ngày còn nhỏ nên đến khi lập gia đình, chị Mỹ Lệ cũng mở tiệm bán đồ khô, hàng đặc sản địa phương được nhiều năm trước khi lập Công ty TNHH Phát Ngọc Mỹ bây giờ. Nên không phải ngẫu nhiên mà Phát Ngọc Mỹ tiếp nhận ngay OCOP, xem đây là một trong những mặt hàng mà họ yên tâm giới thiệu, bán cho người dân địa phương, khách du lịch trong và ngoài nước.

“Đương nhiên một phần là theo chủ trương của thành phố, thực ra là cả nước đang tích cực giới thiệu sản phẩm OCOP đến với người dân. Mỗi địa phương một sản phẩm, cái tên cũng đã nói lên được giá trị của sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Vì mình hiểu được giá trị và chất lượng của sản phẩm OCOP nên cũng tự tin giới thiệu cho khách hàng của mình. Ngay cả bản thân mình, khi đến một cửa hàng hay siêu thị nào đó mà có trưng bày sản phẩm OCOP thì mình cũng yên tâm mua sắm”, chị Lệ chia sẻ lý do chọn OCOP để kinh doanh.

Tọa lạc ở khu vực trung tâm thành phố, gần với chợ Hàn - nơi được nhiều du khách lựa chọn làm điểm đến du lịch - cửa hàng của chị Mỹ Lệ thu hút được sự chú ý của du khách xa gần, kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, chị cho biết mặt hàng OCOP không hút khách như chị kỳ vọng. Nhiều người mua hàng còn không biết đến chương trình OCOP, sản phẩm OCOP. Vào thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, Phát Ngọc Mỹ cũng như nhiều doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng đặc sản nói chung tại Đà Nẵng rất chật vật duy trì hoạt động đều đặn, khó tìm kiếm đơn hàng mới.

“Nếu như trước đây doanh số hàng tháng có thể đạt hơn 100 triệu đồng, thì hiện nay giảm còn một phần ba”, chị Mỹ Lệ nói. Tại cửa hàng của Phát Ngọc Mỹ ở chợ Hàn, sản phẩm OCOP của Đà Nẵng sau hơn hai tháng được bày bán vẫn chưa thu được lợi nhuận. Hiện họ phải nhập thêm các sản phẩm OCOP của các vùng miền khác và nhiều mặt hàng khác không phải hàng OCOP để khách hàng có nhiều sự lựa chọn.

“Người tiêu dùng chưa thật sự hiểu sản phẩm OCOP là gì? Hay như khái niệm 3 sao, 4 sao hay 5 sao là như thế nào? Hàng Việt Nam chất lượng cao thì có lẽ ai cũng biết, nhưng khi hỏi 10 người về sản phẩm OCOP thì cũng chỉ có 3 hay 4 người nói có nghe qua nhưng cũng chưa thật sự hiểu về OCOP”, chị Lệ chia sẻ lý do sức mua hàng OCOP còn thấp.

Với người địa phương là vậy, còn du khách, đặc biệt là người nước ngoài còn xa lạ hơn với hàng OCOP. Ví dụ, chợ Hàn là điểm dừng chân của du khách Hàn Quốc. Nhưng người Hàn đến chợ Hàn cũng chỉ mua những mặt hàng được cộng đồng những người Hàn Quốc chia sẻ cho nhau, như kinh nghiệm du lịch, mua sắm. Những sản phẩm không được cộng đồng gợi ý thử thì họ thường từ chối mua, kể cả hàng OCOP. Nên đây cũng là cái khó cho phẩm OCOP khi tiếp cận thị trường.

Giá cả và mẫu mã bao bì đóng gói của sản phẩm OCOP cũng là một trong những trở ngại khi đưa hàng OCOP khi tiếp cận với khách hàng. Lúc này, kinh tế khó khăn, khách du lịch cũng có khuynh hướng lựa chọn những sản phẩm có giá bán “mềm” hơn so với hàng OCOP cùng loại. Chị Lệ cũng cho hay: “đôi khi khách hàng họ ăn bằng mắt trước, mà bao bì đóng gói sản phẩm OCOP không bắt mắt nên khách họ cũng không mấy mặn mà”.

Chỗ đứng nào cho hàng OCOP?

Những mặt hàng OCOP, đặc biệt là với loại có chất lượng 4 sao hay 5 sao, thường được nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao chọn mua nhưng lại chưa được các doanh nghiệp lưu tâm đầu tư. Ví dụ, ở cửa hàng chị Mỹ Lệ, các khách hàng đến từ Singapore và Thái Lan chọn dòng sản phẩm yến sào đạt chất lượng OCOP để mua và quay lại nhiều lần, dù giá bán không hề rẻ. Họ được xem như là những khách hàng trung thành của mặt hàng Yến OCOP vì họ an tâm về nguồn gốc xuất sứ cũng như chất lượng sản phẩm.

Đà Nẵng có 64 sản phẩm được chứng nhận OCOP, tập trung chủ yếu vào nhóm thực phẩm chế biến và rau, củ, quả, hạt tươi. Trong đó, có 16 nhóm sản phẩm của 10 doanh nghiệp được vào 5 siêu thị, trung tâm thương mại lớn như: Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Túy Loan, sản phẩm lót dày từ quế của Công ty TNHH sản xuất chế biến kinh doanh XNK Hương Quế; bánh dừa nướng của Công ty TNHH Mỹ Phương Food, sản phẩm rong biển ăn liền của Công ty TNHH Sản xuất thương mại thực phẩm dinh dưỡng Đại Dương, bánh khô mè Bà Liễu mẹ, rau ăn lá AFarm và dưa lưới AFarm của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao AFarm, các sản phẩm chả mực, chả cá, cá đét khô của Công ty TNHH Bắc Đẩu.

Từ năm 2020 đến 2022, các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động tư vấn, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm đạt OCOP, thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm, hướng dẫn họ xây dựng và quản lý các tiêu chuẩn chất lượng như VietGap, HACCP, ISO, xây dựng trang thông tin OCOP, in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, như chị Lệ nói, sản phẩm OCOP được đầu tư hiệu quả sẽ có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, cần có thời gian để người tiêu dùng hiểu và biết đến OCOP nhiều hơn. “Do vậy, chính quyền thành phố cũng cần hỗ trợ các hoạt động tiếp thị nhằm lan tỏa nhiều hơn nữa để những sản phẩm chất lượng đến được tay người tiêu dùng”, chị Lệ chia sẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới