Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bán tour quốc tế thời dịch bệnh

Đào Loan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Doanh nghiệp du lịch đã chào tour quốc tế sau khi Việt Nam nối lại toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15-3 vừa qua. Thông tin ban đầu là chỉ có một số thị trường có phản hồi tích cực, còn lại vẫn đang chờ những lực đẩy mới.

Du khách tại Phan Thiết. Ảnh: Đào Loan

Việc Việt Nam nối lại đường bay thương mại thuờng lệ chở khách đến Việt Nam hồi tháng Giêng năm nay và mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ giữa tháng 3 đã tạo nên sự tăng trưởng đáng kể cho thị trường du lịch, hàng không vốn đã đình trệ sau hai năm đại dịch.

Theo Cục Hàng không, tính đến tháng 3 này, có 23 hãng hàng không nước ngoài và Việt Nam khai thác 67 đường bay đi - đến Việt Nam từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. So với hồi trước dịch, hiện chỉ còn 8 quốc gia chưa mở lại các đường bay thường lệ với Việt Nam. Việc mở cửa du lịch vào giữa tháng này cũng đã tạo thêm động lực cho các hãng hàng không tăng nhiều chuyến bay quốc tế. Trong đó, chỉ trong bảy ngày, từ ngày 15 đến 21-3 vừa qua, riêng Singapore Airlines đã khai thác đến 45 chuyến khứ hồi, là hãng có tần suất khai thác lớn nhất hiện nay.

Dự kiến từ tháng 4 sẽ có thêm các đường bay từ Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc đến Đà Nẵng và nhiều thành phố khác. Các chuyến bay nhiều hơn, mạng lưới bay dày hơn là điều kiện tốt để du lịch đưa du khách đến. Thế nhưng, việc thu hút du khách trong giai đoạn thị trường thay đổi vì dịch bệnh như hiện nay hết sức khó khăn.

Nhìn chính sách, “khách hàng mới” để chào tour

Cho đến tuần này, khá nhiều công ty lữ hành đã chào tour đến đối tác ở các thị trường như Đông Nam Á, châu Âu và Ấn Độ. Thông tin ban đầu, một số thị trường như ở Đông Nam Á, Ấn Độ cùng phân khúc khách tàu biển ở châu Âu và Mỹ có phản hồi tích cực, hứa hẹn là sẽ có khách còn nhiều thị trường khác vẫn yên ắng.

Nhiều doanh nhân cho rằng, việc kết nối lại thị trường phụ thuộc rất nhiều vào chính sách kiểm soát y tế của thị trường cùng những thay đổi của khách hàng tại thị trường đó.

“Chúng tôi lên kế hoạch đón khách Thái Lan ngay sau khi mở cửa, thậm chí còn tính làm tour định kỳ nhưng chưa thể thực hiện được vì tour khó bán do nước này vẫn còn cách ly một ngày, có thu phí với khách trở về nước”, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương, nói.

Doanh nhân này đang chuẩn bị tổ chức tour khảo sát sản phẩm cho đại diện 20 hãng lữ hành ở Thái Lan từ ngày 3-4 tới và đón vài chục du khách từ nước này trong thời điểm đó, nhưng chưa dám đánh giá về sức mua. “Phải chờ đến sau ngày 1-5, khi Chính phủ Thái bỏ quy định cách ly thì mới có thể tính toán tiếp”, ông nói.

Theo ông Thủy, việc có kéo được du khách đến hay không phụ thuộc rất lớn vào chính sách mở cửa và kiểm soát dịch của thị trường. Như Hàn Quốc, một thị trường lớn của du lịch Việt Nam, mới báo nới lỏng kiểm soát y tế từ ngày 1-4 tới thì lại vừa thông báo thắt chặt trở lại; còn hai thị trường lớn khác là Nhật Bản và Đài Loan có thể đến quí 3 mới mở nên doanh nghiệp chưa dám đưa ra các kế hoạch tiếp thị, bán hàng cụ thể.

Nhiều doanh nhân khác nhận định, thị trường thay đổi rất nhiều sau đại dịch khiến các nhà điều hành tour tại điểm đến khá khó khăn khi tiếp cận. Để thích ứng, một số công ty đã thay đổi cách làm sản phẩm, sao cho phù hợp với nhu cầu tiêu dùng mới.

“Xu hướng sau dịch là xanh và du khách cần những không gian mở”, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Viet Excursions chuyên về du lịch tàu biển, nói.

Theo đó, công ty này nhận được phản hồi rất tích cực từ các hãng tàu cho mùa du lịch tàu biển mới vào cuối năm nay và đầu năm 2023. Ước tính, từ tháng 11 năm nay, mỗi tháng công ty sẽ đón khoảng 20 chuyến tàu từ châu Âu và Mỹ cập các cảng Phú Mỹ, Sài Gòn, Nha Trang, Chân Mây và Quảng Ninh, bằng với hồi trước dịch. Khách hàng đặt ra các yêu cầu mới về du lịch xanh, bảo vệ môi trường…

“Như ở TPHCM, các hãng đã đưa chương trình du thuyền trên kênh Nhiêu Lộc vào city tour vì cho rằng đây là điểm đến xanh, là nơi được con người tái tạo sau khi làm ô nhiễm. Ở điểm đến nào, đối tác cũng đề nghị du lịch xanh”, ông nói.

Doanh nhân này cho rằng, những nhà cung cấp dịch vụ tại điểm đến cần thay đổi cách phục vụ, bố trí thêm nhiều không gian mở, thoáng đãng hơn cho khách hàng. Điều này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn nhưng nên làm để đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng.

Theo một số doanh nhân khác, nhà điều hành tour phải “cân chỉnh” sản phẩm để phù hợp với thị trường sau dịch. Trong đó, bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Điều hành Asian Trails Co., LTD cho biết, với khách châu Âu, công ty không còn tập trung cho các tour dài ngày như trước mà tách tour thành từng cụm.

Chẳng hạn, thay vì bán tour xuyên Việt từ 10 ngày đến hai tuần thì nay có tour chừng 3-4 ngày đi 3 điểm nổi bật ở miền Bắc, tour ngắn đến một số điểm nhấn ở miền Trung và tour tương tự ở phía Nam cho khách hàng lựa chọn. Sự thay đổi này giúp du khách tiết kiệm thời gian, chi phí và linh hoạt hơn trong việc di chuyển.

Tạo thêm sức hút cho điểm đến

Trao đổi với phóng viên Kinh tế Sài Gòn, nhiều doanh doanh nhân nhận định, so với các điểm đến trong khu vực, Việt Nam có lợi thế vì mở cửa khá sớm và có chính sách kiểm soát y tế với khách quốc tế thông thoáng. Tuy nhiên, để tạo được lợi thế cạnh tranh thì cần tiếp thị mạnh mẽ hơn và có thêm nhiều chính sách tạo sức hút cùng sự khác biệt cho điểm đến.

Theo bà Thủy Tiên, nên thể hiện sự hiếu khách bằng chủ trương nhất quán trên cả nước về việc xử lý các trường hợp nhiễm bệnh khi đi du lịch. Nếu không, du khách sẽ phiền lòng vì cùng một tour nhưng khi bị bệnh thì mỗi người lại được đối xử mỗi kiểu, tùy vào quy định của địa phương mà đoàn đi qua.

Thêm vào đó là linh hoạt hơn trong cung cấp dịch vụ. Chẳng hạn, để đến Việt Nam, du khách phải có xét nghiệm có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 trước giờ khởi hành, nhưng nếu khách dương tính, không được lên máy bay thì các khách sạn và đơn vị cung cấp dịch vụ khác nên cho khách bảo lưu dịch vụ trong vòng một năm thay vì phạt.

“Việc này thể hiện sự hiếu khách và khuyến khích khách mua tour, nhưng để thực hiện thì cần có chủ trương từ nhà nước, nếu không lữ hành lại phải đi năn nỉ khách sạn để giữ dịch vụ. Tôi cho rằng, có thể xem đây là chính sách kích cầu du lịch cho năm 2022-2023”, bà nói.

Hiện nay, do số lượng đường bay chưa nhiều và giá xăng dầu tăng nên giá vé máy bay từ nhiều nước đến Việt Nam tăng. Trong đó, giá vé một số chuyến bay từ châu Âu đã tăng khoảng 20% so với trước dịch. Nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng cũng chỉ giữ giá kích cầu trong vài tháng tới và sẽ quay trở lại mức giá của giai đoạn cao điểm 2019 vào mùa đông khách cuối năm nay. Giá tăng sẽ làm việc thu hút du khách khó khăn hơn nên cần phải có chính sách kích cầu.

Theo nhiều doanh nhân, điểm đến có thể thực hiện chương trình kích cầu trên quy mô lớn như đã từng làm vào năm 2009. Vào năm đó, Việt Nam đã thực hiện chương trình Ấn tượng Việt Nam, đưa ra hàng loạt tour giảm giá, tặng dịch vụ… để khuyến khích du khách đi du lịch sau khủng hoảng kinh tế. Với chương trình này, nhờ sự chung tay của doanh nghiệp và các chính sách ưu đãi thuế, phí của nhà nước, nhiều tour đã giảm giá đến vài chục phần trăm, thị trường có thêm một số sản phẩm mới.

Ở lần này, cơ quan quản lý nên nghiên cứu kỹ hơn về thị trường cùng các phân khúc khách hàng có tiềm năng đi du lịch sớm sau dịch nhằm đưa chương trình tiếp thị đến trúng đích hơn, giúp du lịch có thêm cơ hội phục hồi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới